Bà Thi Thị Tuyết Nhung, trưởng Ban văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM, phát biểu tại buổi làm việc với UBND Q.3 về việc dạy thêm, học thêm chiều 23-8 - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Đó là phát biểu của thầy Nguyễn Văn Lợi - hiệu trưởng Trường tiểu học thực hành sư phạm Phan Đình Phùng, Q.3, TP.HCM - tại buổi khảo sát của Ban văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM về tình hình dạy thêm, học thêm trên địa bàn Q.3 vào chiều 23-8.
Theo thầy Nguyễn Văn Lợi: “Học sinh tiểu học thường tan trường vào lúc 16g hoặc 16g30. Nhưng giờ đó nhiều phụ huynh không thể đến đón con, họ gửi con tại trường đến 17g30 hoặc trễ hơn. Và nhà trường tổ chức cho các em học tập trong thời gian này: em nào thích hoạt động thì học võ thuật, cầu lông, aerobic..., em nào không thích hoạt động thì ngồi trong lớp, giáo viên sẽ hướng dẫn các em ôn bài đã học trong ngày”.
Trước đó, tại cuộc họp cùng nội dung trên ở UBND Q.1, cô Lâm Hồng Lãm Thúy - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 - cũng nêu ý kiến tương tự: “Đối với những học sinh không được đón lúc tan học chính khóa, nhà trường tổ chức các câu lạc bộ bóng đá, bóng rổ, đàn tranh, cờ vua, rèn chữ giữ vở...cho học sinh tham gia tùy vào sở thích và năng khiếu của các em.
Hoạt động này vừa đáp ứng nhu cầu của phụ huynh vừa rèn năng khiếu, rèn kỹ năng cho học sinh, vừa giúp tăng thêm thu nhập cho giáo viên”.
Coi chừng biến tướng dạy thêm
Tại buổi khảo sát của Ban văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM về tình hình dạy thêm, học thêm trên địa bàn Q.Gò Vấp sáng 23-8, đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân - phó bí thư Quận ủy Q.Bình Tân - đã kể một câu chuyện từ thực tế: “Khi có lệnh cấm dạy thêm trong trường, các thầy cô giáo của con tôi chấp hành ngay. Tuy nhiên, một số học sinh trong lớp con tôi lại muốn được học thêm với một thầy giáo để bổ sung thêm kiến thức cần thiết.
Đương nhiên là thầy từ chối. Thế là các phụ huynh liên hệ với tôi rằng nhà chị gần trường nhất, cho mấy đứa nhỏ học nhóm ở nhà chị, rồi mình mời thầy về hướng dẫn cho mấy đứa học. Nếu các cơ quan quản lý đến kiểm tra thì mình sẽ bảo vệ thầy, nói thầy hướng dẫn học sinh học nhóm chứ đâu phải dạy thêm!”.
Bà Trân cảnh báo: “Nếu chúng ta cấm mà chưa có giải pháp căn cơ về chương trình, cách thi cử, thì coi chừng sẽ có nhiều hình thức biến tướng về dạy thêm, học thêm”.
Trong khi đó, cả ông Phạm Hùng Dũng - trưởng Phòng GD-ĐT Q.3 và ông Nguyễn Thanh Thủy - trưởng Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp - đều cho biết: “Lệnh cấm dạy thêm trong trường khiến đội ngũ thầy cô tâm tư”.
Ông Dũng đề nghị: “Cấm dạy trong trường thì giáo viên sẽ ra ngoài trung tâm dạy. Nhưng như thế lại thành ra làm thuê cho các “ông chủ”. Thay mặt tập thể thầy cô giáo ở Q.3, tôi đề nghị HĐND TP nghiên cứu thêm để nhà trường được tổ chức hoạt động dạy thêm một cách quy củ và đạt hiệu quả, chứ cấm chỗ này lại chuyển sang chỗ khác sẽ không hay”.
Con hiệu trưởng cũng phải học thêm
Tại buổi khảo sát ở Q.1, ông Phạm Đức Hải - phó chủ tịch HĐND TP - đặt ra vấn đề: “Mỗi lần lãnh đạo TP gặp gỡ thiếu nhi, lần nào các cháu cũng than phải học thêm nhiều lắm, mệt lắm, học suốt từ sáng đến tối, không có thời gian vui chơi, giải trí”. Cô Vũ Thị Phương Chi - hiệu trưởng Trường THCS Văn Lang, Q.1 - trả lời:
“Nếu có một cuộc khảo sát rằng các em học sinh học thêm nhiều là do ai, tôi khẳng định không phải do nhà trường mà là do cha mẹ các em, chỉ có một số ít là do thầy cô. Nhà trường tổ chức dạy thêm nhưng không dạy trước chương trình, mà chỉ rèn luyện kiến thức cho học sinh mà thôi. Riêng việc giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường thì chúng tôi không quản lý được”.
Ông Hải hỏi: “Vậy với những học sinh con nhà nghèo, không có tiền đi học thêm nhưng có nhu cầu học thêm thì sao?”. Cô Chi trả lời ngay: “Nhà trường chúng tôi miễn học phí luôn. Bởi mục đích đầu tiên của việc dạy thêm - học thêm trong nhà trường là đảm bảo chất lượng học tập của học sinh, chứ không phải vì lý do tăng thu nhập cho giáo viên”.
Cũng tại cuộc họp, cô Hồ Thị Ngọc Sương - hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, Q.1 - thừa nhận: “Học thêm xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh. Như đối với bậc THCS thì ai cũng muốn con mình thi đậu vào lớp 10 công lập. Bậc THPT thì đậu vào đại học. Con tôi vẫn phải đi học thêm, mặc dù chẳng ai dám trù dập con hiệu trưởng”.
Cô Sương phân tích: “Thực sự chương trình THCS rất nặng, đặc biệt đối với lớp 9. Ví dụ chương trình tiếng Anh lớp 9 chỉ có 2 tiết/tuần, chỉ đủ thời gian cho giáo viên chuyển tải kiến thức của bài mới. Muốn có thời gian luyện tập cho học sinh thì phải thêm tiết.
Trường tôi nằm trên địa bàn dân cư tương đối khó khăn, nhà trường chỉ thu học phí học thêm 5.000 đồng/tiết. Về chất lượng, chuyên môn: nhà trường quản lý được chương trình giảng dạy của giáo viên, đồng thời học sinh cũng tránh được sự trù dập của thầy cô. Các em chỉ học sáng - chiều trong trường, buổi tối không phải học thêm ở ngoài nhà trường nữa”.
Theo cô Sương: “Không phải giáo viên nào cũng có thể dạy thêm ngoài nhà trường. Giáo viên tốt nghiệp đại học đi dạy được năm năm sẽ có lương và phụ cấp tổng cộng 3.822.000 đồng/tháng.
Giáo viên tốt nghiệp đại học đi dạy được 20 năm có lương và các khoản phụ cấp là 6.681.000 đồng. Thử hỏi với mức sống như hiện tại ở TP.HCM, thu nhập như thế thì làm sao các thầy cô giáo có thể nuôi sống bản thân mình (chưa dám nói đến việc lo cho gia đình, con cái), và học tập nâng cao trình độ như yêu cầu của ngành GD-ĐT nếu không dạy thêm?”.
Còn khoảng cách “Tôi nghe các thầy cô nói về việc dạy thêm trong nhà trường rất thuyết phục: có đội ngũ giáo viên hiểu học sinh của mình, có cơ sở vật chất đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường quản lý được chương trình và chất lượng giảng dạy... Nếu thực sự như vậy thì không có lý do gì mà ngành GD-ĐT lại để đội ngũ các thầy cô giáo phải ra ngoài thuê mướn các cơ sở tạm bợ để dạy thêm. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tình trạng ép học sinh đi học thêm, các trường dạy là do nhu cầu này kia, chứ không phải vì học sinh... Như vậy vẫn còn khoảng cách giữa những điều rất tốt đẹp ấy với dư luận xã hội và những vấn đề phụ huynh đặt ra”. (Trích phát biểu của đại biểu HĐND TP.HCM Tăng Hữu Phong, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, tại buổi khảo sát ở Q.1) |
Đừng quản lý giáo viên như tội phạm “TP không cho học sinh học thêm trong trường thì các em sẽ đến học tại các trung tâm. Không cho học ở trung tâm, học sinh sẽ tìm gia sư. Đa số các thầy cô giáo đều rất sĩ diện và tự trọng, nhưng Nhà nước quản lý họ như tội phạm, đối xử với họ một cách gắt gao quá đáng và không cần thiết. Chính học sinh sẽ là người thẩm định khả năng của giáo viên. Nếu giáo viên dạy dở thì không học sinh nào đến học cả. Vì thế, các cấp quản lý không nhất thiết phải đề ra những thủ tục quá rườm rà khi giáo viên xin cấp phép dạy thêm”. (Trích phát biểu của ông Phạm Hồng Danh, giám đốc Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn, TP.HCM, tại buổi khảo sát ở Q.3) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận