Đã hơn nửa thế kỷ sống chết với nghề dạy học, dạy học tại nhiều vùng miền của đất nước trong hòa bình và chiến tranh, chứng kiến, nghe kể về biết bao tấm gương thầy cô quên mình vì học trò, vậy mà có nhà giáo già đã không sao ngăn được những giọt nước mắt xúc động khi đọc những dòng tâm sự buồn trên Facebook mà thầy Ninh Văn Dậu rút ruột viết ra khi người học trò của mình bỏ học, lên rẫy xa kiếm ăn.
Nhưng thầy Dậu không chỉ buồn rồi thụ động chờ đợi cậu học trò trở lại học, thầy Dậu còn buông một quyết định sắt thép - “nhất định thầy sẽ vào rẫy “lấy” em về!” nếu cậu học trò của mình không chịu rời rẫy mì trở lại trường.
Thầy đã không bỏ cuộc, cuối cùng cậu học trò Ksor Gôl đã trở lại trường trong niềm vui vỡ òa của mọi người.
Những dòng suy nghĩ chân thật của thầy Dậu về một đứa học trò lớp 12 bỏ học, trở lại lớp rồi lại bỏ học lần nữa với câu nói duy nhất “em bỏ học thầy ạ” đã nhắc các nhà giáo về một tình huống hay gặp trong cuộc đời dạy học: buông tay khi học sinh của mình phải quyết thôi học, bất lực nhìn dòng lũ mưu sinh cuốn phăng em đi hay kiên trì đi “rước em về” với trường lớp, bạn bè, với sự học.
Trong hoàn cảnh phải mải mê chạy theo đời sống thường ngày, khi mà sự quan tâm trước nỗi đau người khác tưởng đã thành một hiện tượng hiếm hoi thì suy nghĩ và hành động của thầy Ninh Văn Dậu là một tiếng chuông khiến nhiều người trong và ngoài ngành giáo dục phải tự nhìn lại mình, tự vấn mình.
Người dân bình thường ai cũng ấm lòng nhận thấy hóa ra cuộc đời còn nhiều người tốt, đáng kính, đáng trọng, từ đó mà tin tưởng vào con người, mà vui sống. Phụ huynh học sinh trước suy nghĩ và hành động đầy tính nhân văn của thầy Dậu phải tự xem lại mình có “vơ đũa cả nắm” hay không, khi bực bội phát biểu trước một số tiêu cực trong nhà trường.
Có nhà giáo không khỏi tự thấy xấu hổ vì mình dạy học ở nơi thuận lợi biết bao so với thầy Dậu, từng nhận nhiều danh hiệu nhỏ lớn vậy mà chưa một lần trực tiếp gặp gỡ cha mẹ các học sinh cá biệt của mình, chưa hề đặt chân tới nhà của một học sinh đã thôi học để vận động trở lại trường, chưa hề vượt qua cuộc thử thách nào được như thầy Dậu.
Nhà quản lý xã hội thì suy nghĩ cách làm sao để giảm bớt, đi đến triệt tiêu hoàn cảnh đã khiến những học sinh “có ánh mắt tinh anh và cách nói chuyện lanh lợi” như Ksor Gôl phải thôi học.
Những người hoạch định chính sách đối với giáo dục cần tự hỏi chính sách dân tộc đang thực thi còn những mặt yếu gì cần phải khắc phục, chính sách đãi ngộ với nhà giáo cần được thay đổi như thế nào để những người như thầy Ninh Văn Dậu được tôn vinh trên thực tế chứ không chỉ trên khẩu hiệu, bởi người ta “đọc tương lai của một quốc gia qua nền giáo dục; đọc tương lai của nền giáo dục qua cách cư xử với nhà giáo”.
Ai cũng biết câu đúc kết nổi tiếng của đại văn hào Ấn Độ Tagore: “Giáo dục được một người đàn ông thì được một con người. Giáo dục được một người đàn bà thì được một gia đình. Giáo dục một người thầy giáo thì được một thế hệ”.
Đội ngũ những người thầy có tấm lòng sáng trong như thầy Ninh Văn Dậu càng đông thì phúc của dân tộc Việt Nam càng lớn. Mà tôi tin rằng chúng ta đang còn nhiều nhà giáo như thế và sẽ còn thêm nhiều người nữa, nếu nhà giáo được tôn vinh trên thực tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận