Sáng thức giấc mí mắt sưng rồi lan xuống chân, coi chừng mắc bệnh về thận

Phù là biểu hiện thường gặp ở người bệnh mắc hội chứng thận hư, thường xuất hiện ở mặt (như mí mắt sưng) vào buổi sáng, sau đó lan xuống chân.

Sáng thức giấc mí mắt sưng rồi lan xuống chân, coi chừng mắc bệnh về thận - Ảnh 1.

Hội chứng thận hư có thể điều trị giảm tình trạng bệnh, người bệnh không tự ý dừng thuốc - Ảnh minh họa: BVCC

Theo bác sĩ Đào Thị Thu - Trung tâm thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai - hội chứng thận hư xuất hiện khi có tổn thương ở cầu thận do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Đặc trưng bởi 3 dấu hiệu là protein niệu cao (trên 3,5g/24h), giảm albumin máu và phù. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn, có thể nguyên phát (tổn thương tại thận) hoặc thứ phát do các bệnh như tiểu đường, lupus, nhiễm trùng, ung thư…

"Phù là biểu hiện thường gặp và rõ nhất, thường xuất hiện ở mặt (như mí mắt sưng) vào buổi sáng, sau đó lan xuống chân. Phù tiến triển nhanh, trường hợp nặng có thể gây tràn dịch đa màng như tràn dịch ổ bụng, màng phổi, màng tim.

Ngoài ra bệnh nhân có thể tiểu ít, nước tiểu nhiều bọt do protein niệu cao, một số bệnh nhân có thể tiểu máu. Khi thấy các dấu hiệu này, cần đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời", bác sĩ Thu khuyến cáo.

Hội chứng thận hư nếu không kiểm soát tốt có thể gây nhiều biến chứng đe dọa tính mạng. Đáng chú ý nhất là nhiễm trùng (như viêm phổi, viêm mô tế bào, viêm phúc mạc tiên phát..), huyết khối (tắc mạch chi dưới, tắc mạch phổi, mạch não…), suy thận (suy thận cấp, suy thận mạn), rối loạn điện giải và cả biến chứng liên quan đến tác dụng phụ của thuốc.

Để điều trị hội chứng thận hư, bác sĩ Thu cho hay cần xác định hội chứng thận hư nguyên phát hay thứ phát để quyết định có điều trị đặc hiệu bằng các liệu pháp ức chế miễn dịch hay không?

Đảm bảo cân bằng giữa lợi ích điều trị và tác dụng phụ của thuốc. Bên cạnh lựa chọn phác đồ phù hợp cho từng đối tượng bệnh nhân thì việc giáo dục tư vấn cho bệnh nhân cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Bên cạnh đó người bệnh cần tuân thủ các khuyến cáo sau:

- Tuân thủ điều trị: Đừng tự ý ngưng thuốc dù thấy đỡ phù. Việc tự ý bỏ thuốc sẽ làm bệnh tái phát nặng hơn, khi đó sẽ phải dùng lại corticoid liều cao.

- Tái khám định kỳ: Cần tái khám theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, trước khi hết thuốc 1 ngày, bệnh nhân cần làm xét nghiệm máu, nước tiểu để điều chỉnh phác đồ kịp thời, không tự ý mua thuốc uống theo đơn cũ.

- Dinh dưỡng khoa học: Ăn đủ đạm (1-1.5g/kg/ngày), giảm muối (<2g/ngày), hạn chế đồ ngọt và chất béo xấu.

- Tiêm phòng: Tiêm phòng cúm hằng năm, tiêm vắc xin phòng phế cầu, viêm gan B là "áo giáp" bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng.

"Thực tế nhiều người bệnh mắc hội chứng thận hư tái phát do bệnh nhân tự ý ngừng thuốc. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do bệnh nhân lầm tưởng rằng khi hết phù hoặc xét nghiệm cải thiện là đã khỏi bệnh.

Ngoài ra một nguyên nhân khác cũng hay gặp đó là bệnh nhân đọc các thông tin về tác dụng phụ của thuốc, bệnh nhân lo lắng và tự ý ngừng thuốc mà không trao đổi với bác sĩ. Điều này dẫn đến những biến chứng đáng tiếc.

Vì vậy người bệnh tuyệt đối không tự ý ngừng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ dù đã hết phù", bác sĩ Thu nhấn mạnh.

Sáng thức giấc mí mắt sưng rồi lan xuống chân, coi chừng mắc bệnh về thận - Ảnh 2.Những thói quen và thực phẩm có thể làm hư thận

Hội Thận Quốc Gia Hoa Kỳ chia sẻ ăn quá nhiều đạm, không uống đủ nước, mất ngủ, hút thuốc, uống quá nhiều rượu, và ngồi quá lâu có thể làm hại đến thận.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên