TTCT - "Cái mũ" - một chương trong cuốn Livret de famille (Sổ hộ tịch, 1977) của Patrick Modiano. Patrick Modiano sinh năm 1945, là nhà văn người Pháp, tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết trong đó có Quảng trường ngôi sao, Phố những cửa hiệu u tối, Từ thăm thẳm lãng quên, Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối. Ông đoạt Giải thưởng lớn cho tiểu thuyết của Viện hàn lâm Pháp năm 1972 và giải Goncourt năm 1978, được trao giải Nobel văn chương năm 2014. Năm mười tám tuổi mẹ tôi bắt đầu sự nghiệp điện ảnh ở thành phố quê hương Antwerp. Trước đó bà làm việc cho công ty khí đốt và tham gia vài khóa học diễn thuyết, nhưng khi người ta dựng một xưởng phim ở Pyckestraat theo sáng kiến của một người tên là Jan Vanderheyden, bà bước vào và được tuyển.Chẳng mấy chốc một nhóm được thành lập quanh Vanderheyden, ông này luôn sử dụng cùng một đoàn diễn viên và một đoàn làm phim. Ông kiêm cả sản xuất lẫn đạo diễn, và quay các bộ phim của mình trong thời gian kỷ lục. Xưởng phim Pyckestraat hoạt động nhộn nhịp đến mức các nhà báo gọi nó là "de Antwerpsche Hollywood", Hollywood của Antwerp.Mẹ tôi là nữ chính rất trẻ trong bốn phim của Vanderheyden. Ông làm hai phim đầu, Người đàn ông này là một thiên thần và Janssens đối đầu Peeters, năm 1939. Hai phim sau, Janssens và Peeters hòa giải và Chúc may mắn, Monika, làm năm 1941. Ba trong số này là các phim hài nổi tiếng, lấy bối cảnh ở Antwerp, biến Vanderheyden - như một nhà phê bình nhận xét lúc đó - thành "Pagnol của sông Schelde". Phim thứ tư, Chúc may mắn, Monika, là phim ca nhạc.Thời điểm đó, công ty sản xuất Vanderheyden đã nằm dưới sự kiểm soát của Đức, và mẹ tôi được cử đến Berlin vài tuần, nơi bà đóng một vai nhỏ trong bộ phim Bel Ami của Willi Forst.Năm 1939, mẹ tôi cũng ký hợp đồng với Nhà hát Empire của Antwerp. Bà làm vũ công. Từ tháng 6 đến tháng 12, họ dựng một vở chuyển thể từ vở Không, không, Nanette, mẹ tôi cũng xuất hiện trong đó. Rồi từ tháng 1-1940, bà tham gia một chương trình tạp kỹ "thời sự" tên là Ngày mai sẽ tốt lên. Bà đứng giữa trong nhóm diễn viên hoạt cảnh cuối cùng. Khi các vũ công khác nhảy với những chiếc ô "Chamberlain", người ta có thể thấy mẹ tôi đứng dậy trong một chiếc giỏ, đầu đội những tia nắng vàng. Từ từ bà được kéo lên cao, mưa tạnh, những chiếc ô cụp xuống. Bà là hình ảnh mặt trời mọc, ánh sáng của nó xua tan mọi bóng tối của năm đương tới. Từ trên giỏ bà vẫy tay chào khán giả, và dàn nhạc chơi một bản liên khúc. Màn hạ. Lần nào cũng thế, để chọc bà, đoàn hậu đài lại kệ bà trên giỏ, lơ lửng trên cao, trong bóng tối.Bà sống trên tầng hai một ngôi nhà nhỏ gần ke Van Dyck. Một cửa sổ nhìn ra sông Schelde và lối đi dạo ven sông, quán cà phê lớn nằm ở cuối. Có Nhà hát Empire, với phòng thay đồ nơi bà trang điểm mỗi tối. Có nhà hải quan. Có những con phố chạy dọc bờ sông, cảng và các bến tàu. Tôi trông thấy bà băng qua đại lộ khi một chiếc xe điện chạy qua, ánh đèn vàng của nó tắt dần trong màn sương. Bây giờ là đêm. Những chiếc tàu thủy chạy bằng hơi nước kéo còi.Ông giám đốc phục trang ở Empire ái mộ mẹ tôi và đề nghị làm quản lý của bà. Một người đàn ông cằm nọng, đeo kính gọng sừng to bản, nói rất chậm. Nhưng ban đêm, ở một quán rượu thủy thủ ở khu phố Hy Lạp, ông hát trong một tiết mục âm nhạc trong vai Bà Bướm. Theo ông, các bộ phim của Vanderheyden, quyến rũ và nhiều, không làm nên sự nghiệp diễn viên. Cưng ạ, cưng phải nhìn xa trông rộng lên. Và tình cờ ông quen mấy nhà sản xuất phim quan trọng sắp quay một bộ phim nhưng vẫn đang tìm một cô gái vào vai thứ chính. Ông đưa mẹ tôi đến gặp họ.Mấy nhà sản xuất này hóa ra là một người đàn ông tên là Félix Openfeld và cha ông ta, mà người ta gọi là Openfeld Già. Một nhà buôn đá quý ở Berlin, Openfeld Già di tản về Antwerp khi Hitler thâu tóm quyền lực ở Đức và các mối làm ăn của người Do Thái bị đe dọa. Ông con, từng là giám đốc sản xuất tại hãng phim Đức Terra Film, tìm được việc làm ở Hoa Kỳ.Họ ưng mẹ tôi. Họ còn không bảo bà thử vai, chỉ yêu cầu bà đọc một cảnh trong kịch bản, ngay tại đó. Bộ phim có cái tên tiếng Anh là Các tay bơi và các thám tử, viết theo đề xuất của nhà vô địch bơi lội Olympic trẻ tuổi người Hà Lan Willy den Ouden, anh ta muốn đích thân đóng phim. Theo mẹ tôi kể thì cái cốt truyện thám tử khá sơ sài này được mượn làm cớ cho nhiều cảnh lặn và múa ba lê dưới nước là chính. Mẹ tôi vào vai bạn thân nhất của Willy den Ouden.Tôi có bản hợp đồng mẹ tôi ký hôm đó. Hai tờ giấy dày dặn màu xanh da trời, có dấu mờ, trên cùng có dòng chữ Openfeld-Films. Chữ O trong Openfeld rất to, một vòng lặp nhã nhặn bằng chữ viết tay nét thanh nét đậm. Bên trong chữ O là một Cổng Brandenburg thu nhỏ, được in rất tinh xảo. Tôi đồ rằng nó ở đó là để gợi nhớ gốc gác của hai nhà sản xuất ở Berlin.Bà mẹ tương lai của tôi sẽ nhận được một khoản tiền cố định bảy mươi lăm ngàn franc Bỉ, trả thành nhiều đợt bắt đầu mỗi tuần quay. Và hai bên hiểu rằng khoản phí này sẽ không tăng không giảm cho đến khi hợp đồng hết hạn hoặc được gia hạn khi đến lúc. Nó cũng quy định thời gian trang điểm và chuẩn bị trang phục sẽ được coi là thời gian chuẩn bị chứ không tính vào giờ làm việc.Cuối trang là chữ ký cẩn thận của mẹ tôi. Rồi đến chữ ký phắt ngang của Félix Openfeld. Chữ ký thứ ba ngoáy hơn thế nữa, bên dưới có người đánh vào đó: Ông Openfeld Già.Hợp đồng ký ngày 21 tháng 4 năm 1940.Họ mời mẹ tôi dùng bữa với họ tối hôm đó. Ông giám đốc phục trang cũng có mặt, và biên kịch Henri Putmann, không rõ quốc tịch: Bỉ? Anh? Đức? Đáng lẽ ra Willy den Ouden cũng đến gặp mẹ tôi nhưng bị giữ chân vào phút chót. Buổi tối rất vui. Hai người nhà Openfeld - nhất là Félix - có cái vẻ lịch thiệp, vừa cứng nhắc vừa vui tươi, rất đặc trưng của người Berlin. Félix Openfeld kỳ vọng cao vào bộ phim. Một hãng phim Mỹ đã bày tỏ sự quan tâm. Chẳng phải ông ta luôn nói họ nên cho ra mắt một xê ri phim hài trinh thám mang một "góc độ thể thao" đấy sao? Một lúc nào đó trong bữa tối họ đã chụp một bức ảnh mà tôi có đây, trên bàn làm việc của mình. Người đàn ông tóc đen chải ngược ra sau là Félix Openfeld. Hai người đàn ông béo, hơi hơi đứng về phía sau ông ta là Putmann và ông giám đốc phục trang. Ông già có cái mặt chồn nhưng mắt tròn tuyệt đẹp là Openfeld Già. Và cô gái trông giống Vivien Leigh là mẹ tôi.Trong cảnh đầu phim bà sẽ xuất hiện một mình. Bà sẽ dọn dẹp phòng ngủ, tự hát và trả lời điện thoại. Félix Openfeld, đạo diễn phim, quyết định quay các cảnh theo trình tự thời gian. Ngày quay đầu tiên được ấn định vào thứ sáu, 10 tháng 5 năm 1940, tại Sonor Studios dưới Brussels. Mẹ tôi sẽ đến lúc mười rưỡi. Vì sống ở Antwerp nên bà phải bắt tàu rất sớm.Trước hôm đó bà nhận được một khoản trả trước mà bà đã đem đi mua một chiếc túi trống làm bằng da và mấy món mỹ phẩm của hãng Elizabeth Arden. Bà về nhà vào cuối buổi chiều, tập dượt một chút, ăn tối rồi đi ngủ.Khoảng bốn giờ, bà tỉnh giấc vì tiếng động mà bà nghĩ là tiếng sấm. Nhưng tiếng động này lớn hơn thế - một tiếng gầm dài, bít bùng. Xe cứu thương chạy trên ke Van Dyck, mọi người nhoài ra ngoài cửa sổ. Còi hú khắp thành phố. Người đàn bà ở căn hộ bên cạnh run rẩy giải thích rằng không quân Đức đang đánh bom cảng. Tiếng ồn ào ngưng lại, mẹ tôi đi ngủ tiếp. Lúc bảy giờ chuông báo thức reo. Bà vội vã xuống nhà đợi xe điện, ở quảng trường nhỏ, tay xách cái túi trống. Xe điện không đến. Những nhóm người đi ngang qua, xì xầm nói chuyện.Cuối cùng bà tìm được một chiếc taxi, và cả chặng đường đến nhà ga tài xế cứ nhẩm đi nhẩm lại, như thể nói những lời đáp trong thánh lễ, "Thôi xong rồi… thôi xong rồi… thôi xong rồi".Nhà ga chật cứng người, mẹ tôi phải cố hết sức mới chen được vào sân ga để lên tàu xuống Brussels. Mọi người búa xua quanh người điều hành xe lửa, tấp vào ông những câu hỏi: Không, tàu không chạy. Ông đang đợi hướng dẫn. Và cùng một câu trên môi mọi người: "Quân Đức vượt biên giới rồi… Quân Đức vượt biên giới rồi".Trên đài, bản tin sáu rưỡi sáng thông báo Wehrmacht vừa xâm lược Bỉ, Hà Lan và Luxembourg.Mẹ tôi cảm giác có ai đó động vào cánh tay bà. Bà quay lại - đó là Openfeld Già, đội mũ nỉ đen. Râu ông không cạo, cái mặt chồn của ông đã teo mất nửa, mắt ông to lắm. Hai con mắt xanh to đùng giữa cái đầu nhỏ xíu, kiểu đầu mà thổ dân Jivaro sưu tập. Ông kéo mẹ tôi ra khỏi ga."Chúng ta phải gặp Félix ở xưởng - Brussels - taxi - mau lên - taxi".Ông nuốt một nửa những lời ông nói.Các tài xế taxi không chịu chở xa như vậy vì sợ bị đánh bom. Openfeld Già thuyết phục được một người bằng tờ một trăm franc. Trên taxi, Openfeld Già bảo mẹ tôi:"Ta chia đôi tiền".Mẹ tôi phân bua bà chỉ có hai mươi franc."Không sao. Đến xưởng rồi tính".Trên xe ông nói rất ít. Thỉnh thoảng ông tra sổ địa chỉ và sốt ruột lục túi áo khoác và áo khoác ngoài."Cô không còn cái va li nào à?", ông bảo mẹ tôi, hất đầu chỉ cái túi da trên đầu gối bà."Va li ạ?""Thứ lỗi cho tôi - phải rồi… cô sẽ ở lại đây…"Ông lẩm bẩm gì đó nghe không rõ. Ông lại quay sang mẹ tôi:"Chả bao giờ nghĩ được chúng nó lại không tôn trọng sự trung lập của Bỉ".Ông gằn từng tiếng, sự-trung-lập-của-Bỉ. Rõ ràng cho đến ngày hôm đó ông vẫn bám vào những từ này như một niềm hy vọng mơ hồ, và hẳn là ông đã nhẩm đi nhẩm lại nó, không tin, nhưng đặt niềm tin. Giờ thì nó đã bị cuốn phăng đi, cùng tất tật mọi thứ khác. Sự trung lập của Bỉ.Taxi đưa họ đến Brussels xuống đại lộ de Tervueren, nơi nhiều tòa nhà đã bị thiêu rụi. Các đội lính cứu hỏa đang lục đống đổ nát. Tài xế hỏi có chuyện gì - một vụ đánh bom vào khoảng tám giờ.Trong sân Sonor Studios họ nhìn thấy một chiếc xe tải và một chiếc xe mui trần lớn chất đầy hành lý. Lúc Openfeld Già và mẹ tôi bước vào Phim trường B thì Félix Openfeld đang chỉ đạo các thành viên đoàn làm phim thu dọn máy quay và máy chiếu."Chúng ta sẽ đến Mỹ", Félix Openfeld tự tin nói.Mẹ tôi ngồi xuống một chiếc ghế đẩu. Openfeld Già chìa một hộp thuốc lá ra."Cô không đi cùng chúng tôi à? Ta sẽ tìm cách quay bộ phim bên đó"."Cô sẽ không gặp chuyện gì ở biên giới đâu - Félix Openfeld nói - Có hộ chiếu còn gì".Kế hoạch của họ là đến Lisbon nhanh nhất có thể, qua Tây Ban Nha. Félix Openfeld đã xin được giấy tờ từ tay lãnh sự ở Bồ Đào Nha, một người bạn tuyệt vời của ông ta, ông ta nói."Ngày mai Đức sẽ vào Paris, hai tuần nữa sẽ vào London", Openfeld Già tuyên bố, lắc đầu.Họ chất đồ đoàn lên xe tải. Có ba người, hai người nhà Openfeld và Grunebaum, một cựu quay phim cho hãng phim Tobis, tuy là người Do Thái nhưng trông rất dễ nhầm với Wilhelm II. Mẹ tôi biết ông này vì tuần trước đó ông đã cho bà làm thử nghiệm ánh sáng cho các cảnh quay cận cảnh. Grunebaum trèo lên ngồi sau vô lăng xe tải."Marc, theo tôi", Félix Openfeld nói.Ông ta nhảy vào chiếc xe mui trần. Mẹ tôi và Openfeld Già chen chúc trên ghế trước, cạnh ông ta. Ghế sau chất đầy va li và một cái hòm.Đoàn làm phim chúc họ thượng lộ bình an. Félix Openfeld lái khá nhanh. Chiếc xe tải bám theo sau."Ta sẽ tìm cách quay bộ phim bên Mỹ", Openfeld Già lại nói.Mẹ tôi không trả lời. Bà cảm thấy hơi bối rối trước những diễn biến này.Ở quảng trường de Brouckère Félix Openfeld đậu xe trước Hôtel Métropole. Chiếc xe tải cũng dừng lại."Đợi đây - tôi quay lại ngay".Ông chạy vào khách sạn. Vài phút sau ông trở lại với hai chai nước khoáng và một cái bịch lớn."Sandwich ăn dọc đường."Họ sắp sửa đi tiếp thì bất thình lình mẹ tôi nhảy xuống xe."Tôi… tôi phải… ở lại đây", bà nói.Hai người đàn ông nhìn bà với một điệu cười mơ hồ. Họ không nói lời nào hòng khiến bà đổi ý. Bà có gì để mất cơ chứ, hẳn là họ đã nghĩ như thế. Và suy đi tính lại thì tại sao bà phải rời đi? Bố mẹ bà đang đợi bà ở Antwerp. Chiếc xe tải lái đi trước. Hai bố con nhà Openfeld vẫy tay chào tạm biệt mẹ tôi. Mẹ tôi vẫy lại. Félix Openfeld đánh xe ra khỏi chỗ đậu với một cú giật vô lăng - hay vừa có một cơn gió thốc? Openfeld Già đánh rơi cái mũ nỉ của mình, nó lăn xuống vỉa hè. Nhưng một cái mũ thì đáng gì đâu. Họ không được phí phạm một giây phút nào.Mẹ tôi nhặt cái mũ lên và bắt đầu đi mà không biết nên đi về đâu.Trước ngân hàng tín dụng một hàng dài bất tận đàn ông và phụ nữ đang chờ rút tiền. Mẹ tôi đi bộ theo đại lộ Nord đến nhà ga.Ở đó bà thấy cảnh huyên náo, đám đông sững sờ y hệt như bà đã thấy ở nhà ga Antwerp. Một người cửu vạn bảo bà có một chuyến tàu sẽ khởi hành về Antwerp vào khoảng ba giờ chiều hôm đó, mặc dầu có thể phải đêm khuya mới tới được.Trong căng tin bà ngồi sụp xuống một chỗ ngồi trong góc. Mọi người đi ra đi vào, đàn ông đã bận quân phục. Bà loáng thoáng nghe thấy người ta kháo lệnh tổng động viên đã được ban hành lúc chín giờ. Một chiếc radio ở cuối phòng phát bản tin. Ở Antwerp, cảng đã bị đánh bom lần hai. Pháp vừa vượt qua biên giới. Đức đã chiếm Rotterdam. Ngồi xổm bên cạnh bà, một người phụ nữ thắt dây giày cho một cậu bé. Một số du khách gọi giục cà phê, một số người thì chen chúc xô đẩy, những người khác thì kéo sền sệt va li, thở hổn hển.Bà còn phải đợi đến ba giờ chiều. Bà cảm thấy một cơn đau đầu nhẹ sắp đến. Hốt nhiên bà nhận ra mình đã làm mất cái túi trống, trong đó đựng mấy đồ mỹ phẩm Elizabeth Arden và kịch bản. Có thể bà đã bỏ quên chúng ở Sonor Studios, hoặc trên xe. Thứ bà cầm trên tay mà không hề nhận ra cho đến tận lúc đó, là cái mũ nỉ đen, vành quăn của Openfeld Già. Nguyễn Huy Hoàng (dịch từ bản tiếng Anh của Lorin Stein) Tags: Truyện ngắnSáng tácVăn học Pháp
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
TP.HCM nằm trong nhóm 5 thành phố lún nhanh nhất thế giới THANH HIỀN 22/11/2024 Nghiên cứu mới đây của tạp chí khoa học Nature Sustainability cho thấy TP.HCM nằm trong nhóm 5 thành phố bị lún nhanh nhất thế giới.
KOL Huyền Phi từng ở nhà dột, hút hàng triệu người theo dõi để bán hàng Việt thế nào? BÔNG MAI 22/11/2024 Gắn liền với bộ đồ bà ba giản dị, giọng nói dễ mến, Huyền Phi đưa hàng triệu người xem trải nghiệm cuộc sống thôn quê bình dị qua video nấu ăn, đi ruộng... Sau tháng ngày ở nhà dột, kiếm ăn từng bữa, cô đổi đời, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Nhân viên quán bia kể lúc đập khóa, dập tắt ngọn lửa trong căn nhà bốc cháy HỒNG QUANG 22/11/2024 Phát hiện đám cháy bùng lên trong căn nhà khóa cửa, 3 người đàn ông làm việc ở quán bia gần đó đã tiếp cận để phá khóa. Họ sau đó dùng bình cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.