5g thêm xe ủi được đưa đến hiện trường - Ảnh: Hà Mi |
5g sáng 17-12:
Lực lượng cứu hộ đưa thêm nhiều nhiều phương tiện, dụng cụ đến hiện trường tập trung cứu các nạn nhân trong vụm sập đường hầm thủy điện Đạ Dâng (H. Lạc Dương, Lâm Đồng).
Lực lượng cứu hộ tập kết vật liệu chuẩn bị vào hầm - Ảnh: Hà Mi |
4g30 ngày 17-12:
Liên tục các xe chở vật liệu, thiết bị dồn dập đưa đến hiện trường.
Tranh thủ thay ca cứu hộ, anh em lăn ra ngủ ngay tại chỗ - Ảnh: Hà Mi |
Gần 3g sáng 17-12:
Trời Lạc Dương tiếp tục có mưa, nhiệt độ xuống 14, 15 độ C. Khu vực đường hầm thủy điện Đạ Dâng (H. Lạc Dương, Lâm Đồng) vẫn rền tiếng máy khoan lẫn trong tiếng anh em cứu hộ hối hả trao đổi việc cứu hộ.
Dường như anh em cứu hộ làm việc chộn rộn hơn.
2g sáng 17-2:
Kĩ sư của Công ty Sông Đà cho biết với tiến độ cứu hộ như lúc này thì trong buổi sáng 17-12, có thể đưa được các công nhân ra bên ngoài.
Hiện các nhóm kĩ sư đang đưa các nẹp gỗ vào bên trong hầm để gia cố các vách hầm đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ cứu nạn để đào đất, khoét lỗ cho công nhân chui ra.
Lúc này vài người cứu hộ thay ca đã bắt đầu ngủ thiếp.
1g45 sáng 17-2:
Nhiều nhóm cứu hộ tiếp tục đắm mình trong mưa, trong giá rét đêm Lạc Dương để bằng mọi cách cứu những anh chị em công nhân đang phải ngâm các đôi bàn chân dưới nước suốt hơn 18 giờ, kể từ lúc sập hầm.
Nhóm cứu hộ bên trong cho hay các công nhân mắc kẹt bên trong báo ra anh chị em đang dựa vách ngủ.
Vì vậy khi cháo gà được đánh nhuyễn đã mang đến đường ống tiếp tế thì một anh em cứu hộ đã thét vang trong ống để đánh thức.
1g30 sáng 17-12:
Một thông báo như một tiếng reo từ 12 nạn nhân hiện vẫn còn đang kẹt trong đường hầm Thủy điện Đạ Dâng bị sập: "OK. Chúng tôi đã nhận được cháo gà rồi".
1g sáng 17-12, cháo gà nóng hổi được đưa đến cho anh em cứu hộ truyền vào 12 anh em còn bị kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng - Ảnh: Hà Mi |
Một vài anh em cứu hộ nhận tin đã tạm nguôi phần nào nỗi lo, lăn ra chợp mắt trên các vỉ sắt lạnh lẽo trong đêm cao nguyên 14, 15 độ C.
Trời lạnh buốt. Mưa lắc rắc lạnh thấu thịt da.
23g45 đêm 16-12: "Xác định 12 nạn nhân đều còn sống, chúng tôi rất mừng"
Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, đại tá Hoàng Công Thạo (Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Lâm Đồng) - Chỉ huy trưởng điều hành cứu hộ cứu nạn cho biết: "Qua đường ống nói chuyện vọng ra vọng vào thì xác định 12 người đang còn sống nên chúng tôi rất mừng và nỗ lực tiếp để cứu người".
Theo ông Thạo đã có 11 bình oxy được đưa vào để cung cấp oxy cứu số người đang ở trong nơi bị sập.
Đã huy động hơn 100 người tham gia cứu hộ cứu nạn nhưng vướng mắc trong công tác cứu hộ lức này là trời mưa, địa hình hẹp, nước mưa thẩm thấu nên công tác cứu hộ gặp không ít khó khăn.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, sau một cuộc hội ý nửa đêm, các lực lượng đã yêu cầu chở 30m3 gỗ để đưa vào hiện trường nhằm nẹp các giá chống đỡ đường vào hầm.
Anh em cứu hộ làm khẩn trương không nghỉ - Ảnh: ĐỨC TRONG |
Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực mở đường cứu công nhân bị kẹt - Ảnh: ĐỨC TRONG |
Những gương mặt căng thẳng trong đường hầm cứu hộ - Ảnh: ĐỨC TRONG |
22g15. PV Tuổi Trẻ đã lội nước vào đường hầm dài khoảng 500 sau đó tìm đến hiện trường sập có nhiều người đang tiếp tế thức ăn cho các nạn nhân.
Tại đây, nhiều vị trí nước nhỏ trên đầu nhưng các lực lượng cứu hộ vẫn dốc sức để bằng mọi cách cứu người.
Ở vị trí tiếp thức ăn, một thanh niên cứu hộ cầm ống chuyền thức ăn, đẩy dây xúc xích vào ống hô to: "Trong đó lấy được chưa!. Ngoài này tụi em chỉ thấy được ống thôi" rồi ốp tai vào ống nghe bên trong phát ra.
Cứ mỗi lần trục trặc cứu hộ lại kéo cây xúc xích. Những động tác này được lập lại nhiều lần trong hét "có lấy đươc chưa" nghe đến nhói lòng.
Ở một vị trí khác trong khu vực bị sập, các nhóm công nhân đang hàn gia cố hầm để tìm vị trí móc đất nhằm giải cứu những người bị mắc kẹt.
Có mặt tại hiện trường, đại tá Phan Văn Hùng, phó tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng, cho biết đã huy động 50 chiến sĩ công binh phối hợp với lực lượng cứu hộ để dốc sức cứu người trong đêm.
Trong đêm nay (16-12), bộ chỉ huy sẽ tăng cường lực lượng phối hợp với công binh Quân Khu 7 tiếp tục đào đất để cứu công nhân.
22g ngày 16-12:
Ông Vũ Tuấn Anh cho hay ngoài việc bơm hút nước trong hầm, các lực lượng đang móc đất theo hình tam giác. Móc đến đâu gia cố đến đó để đưa các nạn nhân ra.
"Nhưng phải cố gắng hết sức thì sáng sớm mai mới hi vọng có thể đưa được người ra" - ông Anh khẳnh định.
21g30 đêm 16-12:
Ông Vũ Tuấn Anh, trưởng Công an huyện Lạc Dương cho biết sau khi liên lạc bằng cách thông ống khi lực lượng bên ngoài áp tai đã nghe tiếng gào thét bên trong.
Lực lượng cứu hộ xác định có 12 người quê ở Nghệ An, Hà Nam đang mắc kẹt trong hầm. Trong đó có 11 nam, 1 nữ ở độ tuổi từ 25-30.
Để 12 người trong hầm chống chọi với cái đói và lạnh, lực lượng cứu hộ đã truyền nước gừng và sữa vào thông qua ống có đường kính 6cm để công nhân uống nhằm giữ thân nhiệt.
Tại hiện trường, ông Đoàn Văn Việt, chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, vẫn túc trực để chỉ đạo các lực lượng tiếp tục nỗ lực cứu sống những người đang mắc kẹt trong hầm.
Các lực lượng đã đưa thêm bình oxy vào hầm để tiếp oxy cho nạn nhân.
Thông tin này cũng cho biết, sữa cũng đã được lực lượng cứu hộ, cứu nạn đưa vào bên trong để các nạn nhân tạm thời lót dạ.
20g50 ngày 16-12:
Thông tin từ lực lượng cứu hộ cho biết đã thông sâu được ống sắt vào sâu bên trong khu vực nạn nhận bị mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng.
Đến lúc này, theo thông tin từ bên trong những người bị kẹt trong hầm chính thức xác nhận đã có 12 nạn nhân bị kẹt trong hầm và tất cả đều còn sống, sức khỏe ổn định.
19g45 ngày 16-12:
Một mũi khoan dài 35m đã được khoan xuyên dọc theo đường hầm. Khi mũi khoan thành công, đã nghe có tiếng người, tiếng động từ phía trong hầm.
Theo Công an tỉnh Lâm Đồng, khi thực hiện thành công mũi khoan đầu tiên, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã bơm dưỡng khí vào bên trong hầm.
Ghi nhận tại hiện trường, bước đầu đã nghe có tiếng người và tiếng động phát ra. Ngay lập tức, các mũi khoan khác tiếp tục đưa ống sắt vào để các nạn nhân có thể chui qua ống sắt thoát ra ngoài.
Các diễn biến trước đó - Hơn 7g ngày 16-12-2014, vụ sập hầm đã xảy ra. Xác định có 12 người (có 1 phụ nữ) đã mắc kẹt sau vụ sập hầm. - 11g15. Phương án cứu hộ được triển khai là dùng ống sắt có đường 60cm đưa vào đường hầm để thông khí và cũng là đường ống cứu hộ. - 11g30. Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Bùi Văn Sơn, Giám đốc công an tỉnh Lâm Đồng đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn. - 14g15. Công ty điện lực Lâm Đồng đã vận chuyển một máy phát điện tới, đưa máy này vào hiện trường để hỗ trợ việc khoan đống sạt lở. Lực lượng cứu hộ đã khoan được vào sâu 10m lớp đất sạt lở nhưng lớp sạt lở này dày đến 14-15m. - 15g. Một cán bộ công ty Sông Đà có mặt tại hiện trường cho biết: Nhanh nhất, phải trong hai ngày nữa, mới có thể đưa các nạn nhân ra ngoài. Công việc cứu hộ hiện đang được khẩn trương xúc tiến nhưng việc sử dụng máy móc không được thuận lợi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận