Từng đàn hải âu bám theo ghe Nghinh ra khu vực làm lễ - Ảnh: T.T.D.
Sáng 18-9 (ngày 16-8 âm lịch), đông đảo người dân huyện Cần Giờ và du khách đứng dọc theo các tuyến đường chào đón đoàn đưa - rước Nghinh Ông (tức đưa - rước kiệu Nam Hải Đại tướng quân từ Lăng Ông Thủy tướng ra biển làm lễ, rồi trở về lăng).
Hàng trăm ghe ngư dân đưa - rước Nghinh Ông
Đưa - rước Nghinh Ông được xem là nghi thức dân gian quan trọng và được người dân vùng biển Cần Giờ chờ đợi nhất trong Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ hằng năm.
Đông đảo người dân Cần Giờ và du khách tham gia lễ đưa rước Nghinh Ông
Hàng trăm ghe đánh cá của ngư dân huyện Cần Giờ và khu vực lân cận tham gia đoàn đưa - rước Nghinh Ông, tạo nên hình ảnh đẹp trong người dân và du khách đến với Cần Giờ dịp đặc biệt này.
Hoạt động đưa - rước Nghinh Ông là nét đẹp văn hóa, không thể thiếu trong đời sống của người dân huyện Cần Giờ cầu cho mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu.
Hội Vạn lạch thị trấn Cần Thạnh đảm nhận phần điều hành nghi lễ đưa - rước Nghinh Ông.
Địa điểm Nghinh Ông trên biển là nơi giáp nhau của ba con nước (cách bờ biển khoảng 4 hải lý), được người dân địa phương gọi là "tam giang khẩu".
Đoàn ghe của ngư dân chạy theo ghe Nghinh ra khu vực làm lễ - Ảnh: T.T.D.
Người dân lập bàn hương án chờ Nghinh Ông về
Ông Phan Văn Chấn - vạn phó Hội Vạn lạch thị trấn Cần Thạnh - nói với Tuổi Trẻ Online: "Đội hình rước Nghinh là điểm nhấn trung tâm của Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ. Nghi thức cúng thực hiện theo phong tục truyền thống".
Điều gây chú ý của lễ hội năm nay là các hộ dân dọc theo hai bên đường đoàn Nghinh Ông đi qua đều lập bàn hương án và mâm cỗ (gồm gạo, muối, rượu, trà, hương đèn, hoa quả) trước cửa nhà, để chờ Nghinh Ông về.
Trong quá trình đưa - rước Nghinh Ông, trời nhiều lần đổ mưa nhỏ trong thời gian ngắn, người dân cho đó là lộc, báo hiệu một vụ mùa may mắn. Cuối buổi đưa, rước Nghinh Ông trời mưa lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận