Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) - Ảnh: NAM TRẦN
Từ chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương tổ chức lễ khai giảng năm học mới gọn nhẹ, theo tinh thần giảm bớt những phần rườm rà của phần "lễ" mang tính hình thức, để dành thời gian cho các hoạt động mang lại không khí vui tươi, có ý nghĩa đầu năm học mới.
Sau một năm "không có ngày khai trường" do dịch COVID-19, các thầy cô giáo và học sinh đều mong đợi ngày khai giảng năm học.
Lễ khai giảng năm học mới năm nay được nhiều trường chú tâm xây dựng các chương trình đặc biệt đón học sinh đầu cấp, tổ chức các hoạt động gắn với văn hóa truyền thống, hoặc các chủ đề được ưu tiên thực hiện trong năm học.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn dự khai giảng cùng thầy trò Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) - Ảnh: NAM TRẦN
Chủ tịch HĐND TP.HCM: Học sinh hãy học sáng tạo
Tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), buổi lễ khởi động ngay lập tức bằng màn chào đón học sinh lớp 10 đậm chất trẻ. "Đây là những bạn đã xuất sắc vượt qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đầy cam go để đặt chân vào ngôi trường", MC dẫn dắt.
Lần lượt, từng lớp 10 được xướng tên cùng với giáo viên chủ nhiệm. Các tập thể khối "tân binh" tuần tự đứng lên chào cả trường trong tiếng vỗ tay reo hò của các anh chị lớp 11, 12 và thầy cô. Cùng lúc, những "chiến công" của những lớp 10 chuyên trước đây được điểm lại, tạo động lực cho các bạn tân học sinh.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ (trái) trao Huân chương Lao động hạng nhì cho em Nguyễn Việt Phong, có thành tích đoạt HCV Olympic hóa học quốc tế năm 2022 - Ảnh: HỮU HẠNH
"Giờ đây, các bạn đã chính thức là một phần của ngôi trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Hãy bắt đầu hành trình 1.000 ngày đáng nhớ của mình ở ngôi trường này", MC tuyên bố khép lại màn đón chào nồng nhiệt, bước sang phần còn lại của buổi lễ khai giảng.
Phát biểu tại buổi lễ khai giảng tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, bà Nguyễn Thị Lệ - chủ tịch HĐND TP.HCM - nhấn mạnh về chất lượng giảng dạy và học tập của một trong những ngôi trường có tuổi đời lâu nhất TP.HCM này.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5, TP.HCM) trong ngày khai giảng sáng 5-9 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Là "đầu tàu" của TP trong những kỳ thi học sinh giỏi các cấp, năm học qua 2021-2022, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đạt được một huy chương vàng trong kỳ thi Olympic quốc tế môn hóa học.
Gửi lời đến các học sinh trong năm học mới, bà Lệ nhắn nhủ các bạn trẻ nên tiếp tục tiếp bước truyền thống học tập của nhiều thế hệ đã qua. Bà nhấn mạnh học sinh nên chú trọng gắn việc học của mình với thực hành, áp dụng kiến thức vào cuộc sống.
Đặc biệt, học sinh hãy học một cách sáng tạo, từ đó có thể chủ động với hành trình học tập của mình và gặt hái thêm nhiều kết quả tốt.
Được biết, năm nay Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong có 21 lớp 10, bao gồm cả những lớp chuyên và không chuyên.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn dự khai giảng cùng thầy trò Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) - Ảnh: NAM TRẦN
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Lo chỗ ở cho giáo viên khó khăn của huyện Cần Giờ
Sáng 5-9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường tiểu học Lý Nhơn, huyện Cần Giờ.
Sau khi đánh trống khai trường, ông Mãi chúc mừng những thành tích mà nhà trường đã đạt được trong năm học qua trong điều kiện khó khăn riêng của huyện Cần Giờ và khó khăn chung của dịch bệnh COVID-19.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi (trái) trao kinh phí hỗ trợ xây dựng phòng máy vi tính tại Trường tiểu học Lý Nhơn, huyện Cần Giờ - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
"Lắng nghe phát biểu của thầy hiệu trưởng, tôi được biết dù địa bàn khó khăn nhưng nhà trường đã huy động 100% các cháu 6 tuổi ra lớp, giữ sĩ số học sinh suốt năm học đạt 100% và hiệu suất đào tạo 100%. Tôi mong năm nay và thời gian tới, toàn bộ cán bộ công nhân viên, giáo viên, học sinh của trường sẽ đạt những thành tích cao hơn, toàn diện hơn…".
Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị huyện Cần Giờ tiếp tục chăm lo, vun trồng cho giáo dục.
"Trước hết lo cho giáo viên, lo nhà ở cho thầy cô. Tôi được biết có 27 thầy cô giáo, có một thầy ở quận 12 phải ở công vụ. Cần lo nhà ở cho giáo viên, lo cho đời sống những thầy cô khó khăn để thầy cô chăm lo cho các cháu.
Tôi có mấy lời với phụ huynh. Tôi quê ở Bến Tre, rất giống Cần Giờ. Tôi mong càng khó khăn thì phụ huynh càng cố gắng cho các cháu đi học. Đưa cháu vào lớp 1 hôm nay mong các bậc phụ huynh đưa các cháu vào đại học ngày mai. Học hành để giúp các cháu có tương lai tốt đẹp hơn", ông Mãi nhắn nhủ.
Học sinh khối 12 Đà Nẵng trân quý từng phút giây lễ khai giảng đặc biệt
Lễ khai giảng năm nay là sự kiện thật đáng nhớ với các học sinh khối lớp 12 tại Đà Nẵng khi 2 năm liền trước đã không được dự lễ khai giảng trực tiếp do dịch COVID-19.
Tham dự lễ khai giảng đầu tiên và cũng là cuối cùng của 3 năm THPT, không ít bạn bồi hồi xúc động như lần đầu tiên được mẹ cha đưa tới lớp. Các bạn trân quý, cảm nhận trọn vẹn từng phút giây của buổi lễ khai giảng thiêng liêng như muốn ghi sâu kỷ niệm đẹp đẽ này vào ký ức tuổi học trò.
Các bạn nữ sinh Trường THPT Phan Chu Trinh (Đà Nẵng) tranh thủ ghi lại kỷ niệm ngày tựu trường - Ảnh: TẤN LỰC
Tại Trường THPT Phan Chu Trinh, lễ khai giảng được thầy và trò chuẩn bị tươm tất, đầy đủ nghi thức và cũng thật nhanh chóng, gọn nhẹ. Từ lúc bắt đầu buổi lễ tới lúc đánh trống khai giảng chỉ vọn vẹn chừng 30 phút. Không ít bạn đã thể hiện sự tiếc nuối khi mong muốn buổi lễ khai giảng cuối cùng của thời học sinh được kéo dài hơn chút nữa.
Bạn Huỳnh Thị Tú Anh - học sinh lớp 12/20 - bảo rằng rất xúc động khi được tham dự một buổi lễ khai giảng trang trọng và ý nghĩa như vậy trong suốt 3 năm học THPT. Các thầy cô đã cố gắng chuẩn bị mọi điều chu đáo nhất cho lễ khai giảng, từ trang phục, trang trí tới nội dung buổi lễ đều được làm trang trọng, tươm tất như thể muốn bù đắp cho các bạn khối lớp 12 trong lễ khai giảng đầu tiên và cũng là cuối cùng tại trường.
Trong khi đó, bạn Nguyễn Tuệ Giang, lớp 12/16, nói rằng đêm qua đã hồi hộp đến mất ngủ để chờ đợi giây phút này. Theo Giang, lễ khai giảng này rất đặc biệt với cô và các bạn vì sẽ để lại kỷ niệm tuyệt vời suốt quãng đời học sinh.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, cô Đỗ Thị Hồng Minh - giáo viên dạy toán Trường THPT Phan Chu Trinh - bảo rằng để có lễ khai giảng tươm tất, các thầy cô đã chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho các em. Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe học sinh trong mùa nắng nóng, lễ khai giảng được tổ chức hết sức ngắn gọn nhưng đảm bảo đủ các nghi thức cần thiết, mang tới một trải nghiệm vui tươi và ấn tượng cho tuổi học trò.
Trung ương Đoàn tặng học bổng khuyến khích học sinh đất Sen hồng
Sáng 5-9, hàng ngàn học sinh tỉnh Đồng Tháp cùng học sinh cả nước hân hoan chào đón năm học mới. Dịp này, Trung ương Đoàn tặng học sinh Trường THPT Lai Vung 3, huyện Lai Vung học bổng và máy tính khuyến khích học tập.
Ghi nhận tại Trường THPT Lai Vung 3, gần 1.000 học sinh phấn khởi bước vào năm học mới. Nguyễn Ngọc Thảo Vy, học sinh lớp 11/4, chia sẻ: "Em rất vui vì năm nay được tựu trường cùng bạn bè, thầy cô nên tinh thần học tập cũng tốt hơn. Mọi người có thể gần gũi vui chơi, học tập, không còn phải nhìn nhau qua màn hình máy tính hay lớp khẩu trang nữa".
Anh Nguyễn Minh Triết - bí thư Ban chấp hành Trung ương Đoàn - trao học bổng cho học sinh dịp khai giảng - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Ông Huỳnh Thanh Hùng - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp - cho biết ngày khai trường năm nay khá đặc biệt sau thời gian gián đoạn do dịch COVID-19.
"Lễ khai giảng diễn ra trang trọng, có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh tại các trường học. Năm nay, các trường cũng nhận được tài trợ sách chương trình mới, thẻ bảo hiểm y tế và học bổng cho học sinh từ các nhà hảo tâm", ông Hùng nói.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong (trái) và Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết tặng học bổng và quà cho học sinh Trường THPT Lai Vung 3 - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Dịp này, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết trao tặng học bổng và máy tính cho học sinh Trường THPT Lai Vung 3, tổng trị giá 150 triệu đồng. Đại biểu tham dự khai giảng cũng trao tặng sách giáo khoa và học bổng hơn 50 triệu đồng.
Trường học ngập sâu, thầy trò đi dự lễ khai giảng ở nhà văn hóa thôn
Do toàn bộ sân trường, lớp học bị ngập trong bùn đất nên Trường THCS Tạ Khoa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La phải tổ chức lễ khai giảng cho học sinh ở Nhà văn hóa bản Nhạn Nọc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 5-9, thầy Vũ Văn Tiếm - hiệu trưởng Trường THCS Tạ Khoa - cho biết trường vừa tổ chức lễ khai giảng cho học sinh tại Nhà văn hóa bản Nhạn Nọc.
Theo thầy Tiếm, cơn mưa lớn sáng 4-9 trên địa bàn khiến Trường THCS Tạ Khoa bị ngập trong "biển nước". Khuôn viên trường, lớp học bị ngập từ 0,5 - 1,5m, nơi ngập sâu nhất khoảng 2m. Khoảng 2.000 tấn gạo của học sinh bán trú bị ngập nước, nhiều đồ dùng của giáo viên cũng hư hỏng.
Học sinh dự lễ khai giảng - Ảnh: CTV
"Sau khi xảy ra ngập úng, nhà trường cùng chính quyền dọn dẹp nhưng lượng bùn đất lớn nên không kịp để tổ chức lễ khai giảng tại trường. Trước tình hình này, trường đã xin ý kiến cấp trên tổ chức khai giảng tại Nhà văn hóa bản Nhạn Nọc.
Trong tối 4-9, các thầy cô giáo cùng lực lượng tại chỗ đã tích cực chuẩn bị để ngày khai giảng năm học mới của thầy và trò diễn ra ấm cúng và vui tươi.
Sáng nay, lễ khai giảng đã diễn ra thành công. Sau khi tổ chức khai giảng xong, các thầy cô lại quay về trường dọn dẹp để học sinh đi học trong ngày 6-9" - thầy Tiếm nói.
Trường THCS Tạ Khoa ngập trong "biển nước" hôm 4-9 - Ảnh: CTV
Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 và là năm đầu tiên chương trình mới triển khai ở cả ba cấp học: lớp 1, 2, 3 (tiểu học), lớp 6, 7 (THCS) và lớp 10 (THPT).
Vừa triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, vừa tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2000 trong cùng một cấp học là thách thức đối với ngành giáo dục trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn về trường lớp, giáo viên.
Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm được bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định. Cùng với việc thực hiện chương trình mới, các nhà trường phải tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá, đặc biệt là đổi mới quản trị nhà trường, quản lý chuyên môn.
Lấy việc chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường là "trục chính" để triển khai các hoạt động đổi mới theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học...
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện và bắt tay với các em học sinh tại Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận bó hoa từ một học sinh tại Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến tham dự lễ khai giảng tại Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (giữa) tham dự lễ khai giảng tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao quà cho học sinh khó khăn tại Trường tiểu học Lý Nhơn, huyện Cần Giờ - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Học sinh Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội tươi tắn trong ngày khai giảng - Ảnh: TTXVN
Học sinh Trường tiểu học Ngô Quyền (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hào hứng thưởng thức các tiết mục văn nghệ - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Siêu (Hà Nội) háo hức trong lễ đón học sinh mới. Các bé được cô giáo đón vào lớp - Ảnh: VĨNH HÀ
Học sinh lớp 10 rạng rỡ trong lễ khai giảng tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Học sinh tươi tắn trong lễ khai giảng tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Cô Trần Phương Nhung, chủ nhiệm lớp 1E Trường tiểu học Ngô Quyền (Hai Bà Trưng, Hà Nội), chỉnh trang phục cho học sinh trong lần khai giảng đầu tiên bậc tiểu học - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Lễ đón học sinh lớp 10 trong lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành, quận 6, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Trẻ vùng sâu Tây Nguyên trong ngày vui tựu trường
Sau 2 năm dịch căng thẳng, năm nay trẻ vùng sâu Đắk Lắk, Đắk Nông dẫu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng rất vui trong ngày tựu trường 5-9.
Học sinh tại phân hiệu cụm dân cư số 8 Trường tiểu học La Văn Cầu (tại xã Đắk R’Măng, huyện Đắk Glong, Đắk Nông) trong ngày khai giảng - Ảnh: TÂM AN
Tại phân hiệu cụm dân cư số 8 Trường tiểu học La Văn Cầu, xã Đắk R’Măng, huyện Đắk Glong, Đắk Nông, có gần 170 học sinh, đa phần hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Phân hiệu này nằm cách xa trung tâm xã Đắk R'Măng hơn 30km, việc đi lại của người dân nơi đây rất khó khăn do Tây Nguyên đang vào mùa mưa.
Ông Hà Hữu Phong - hiệu trưởng Trường tiểu học La Văn Cầu - cho biết phân hiệu cụm dân cư số 8 được đưa vào sử dụng năm 2020, nay đã có hơn 170 học sinh bao gồm 2 lớp 1, 1 lớp 2 và 1 lớp 3.
"100% học sinh ở điểm trường cụm dân cư số 8 đều là đồng bào dân tộc Mông. Để có ngày khai giảng đầy đủ học sinh, trường đã phối hợp với các trưởng cụm vận động, thông báo cho phụ huynh đưa con đến trường", ông Phong chia sẻ.
Nhiều học trò chân trần, áo cũ nhưng vẫn đến trường trong tâm trạng vui tươi - Ảnh: TÂM AN
Để đến lễ khai giảng, từ tờ mờ sáng, rất nhiều em nhỏ 6-8 tuổi đã tự mình vượt những cung đường đèo dốc, lầy lội để đến trường. Cảm động nhất là việc các em đến trường nhưng không có quần áo mới, sách vở, thậm chí còn đi chân trần đến trường.
Thế nhưng, trên khuôn mặt của các em nhỏ vẫn luôn rạng rỡ, vui mừng trong ngày khai giảng năm học mới. Tại lễ khai giảng năm học mới, Trường La Văn Cầu đã tổ chức gọn nhẹ nhưng long trọng, ấm áp.
Sau khi lắng nghe thư của Chủ tịch nước chúc mừng năm học mới, thay mặt chính quyền địa phương, bà Đinh Thị Hằng, phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong, đã trao tặng 100 bộ sách giáo khoa mới cho học sinh. Những phần quà này do các cá nhân, tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ các em học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Học sinh trường tiểu học tại xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, Đắk Lắk vui mừng được nhận khu vui chơi trước lễ khai giảng - Ảnh: TÂM AN
Trong buổi lễ khai giảng năm nay, tại một số điểm trường vùng sâu huyện Lắk, Krông Bông (Đắk Lắk), trời mưa, đường sá bị chia cắt nên học sinh chưa thể đến trường. Một số em có thể đến trường nhưng hết sức khó khăn vì đường lầy lội, trơn trượt.
Nhiều thầy cô giáo để đến lễ khai giảng ở những điểm trường vùng sâu đã phải băng rừng, vượt núi từ hôm trước.
Học sinh thích thú vì có khu vui chơi được một nhóm thiện nguyện vận động, trao tặng - Ảnh: TÂM AN
Học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Trường tiểu học Yang Hăn (Krông Bông, Đắk Lắk) được nhận xe đạp để thuận lợi hơn trong việc tới trường - Ảnh: TÂM AN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận