Nhân viên y tế ở Hải Dương ngồi chờ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 - Ảnh: REUTERS
Tính trong ngày 20-3, có thêm 1.446 người được tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại 7 tỉnh/thành phố.
Còn tính đến 16h chiều 20-3, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho 32.361 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương.
Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam tiếp tục ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm, hầu hết là phản ứng thông thường, điều đó cho biết cơ thể người tiêm đang tạo ra miễn dịch sau khi tiêm vắc xin để phòng bệnh.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) tại Việt Nam là 37.599, trong đó: cách ly tập trung tại bệnh viện 492; cách ly tập trung tại cơ sở khác 18.379; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 18.728.
Theo trang thống kê worldometers.info, đến 5h30 sáng 21-3, thế giới đã ghi nhận 123.398.258 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 2.720.876 ca tử vong.
Xếp theo số ca nhiễm, Mỹ vẫn đứng đầu thế giới với hơn 30,4 triệu ca, tiếp đến là Brazil tới 11,8 triệu ca. Ấn Độ đứng thứ 3 nhưng chỉ kém Brazil rất ít, hiện quốc gia Nam Á này đã ghi nhận hơn 11,5 triệu ca nhiễm.
Các vị trí khác trong 10 nước bị ảnh hưởng nhất thế giới là những nước châu Âu như Nga (4,4 triệu ca), Anh (4,2 triệu ca), Pháp (4,1 triệu ca), Ý (3,3 triệu), Tây Ban Nha (3,2 triệu), Thổ Nhĩ Kỳ (2,9 triệu) và Đức (2,6 triệu ca).
Philippines cũng đã ghi nhận 7.999 ca nhiễm mới trong ngày 20-3, ngày thứ hai liên tiếp ghi nhận mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch.
Bộ Y tế Philippines ra thông cáo cho biết: "Số ca nhiễm vẫn cao kỷ lục. Tốt nhất mọi người nên ở trong nhà nếu không có việc gì cần thiết".
Trong khi đó, Ấn Độ cũng chứng kiến số ca nhiễm mới trong ngày 20-3 ở mức cao nhất trong gần 4 tháng qua (40.953 ca), trong đó bang Maharashtra giàu có nhất chiếm hơn một nửa số ca nhiễm. Một số địa phương tại nước này đã phải tái áp đặt các biện pháp phòng dịch, trong đó có cả phong tỏa và đóng cửa nhà hàng.
Các bác sĩ cho rằng làn sóng lây nhiễm mới do người dân lơ là các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, đồng thời cảnh báo bệnh viện sắp quá tải ở những bang như Maharashtra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận