TTCT - Người tính tình sáng nắng chiều mưa là còn đỡ. Các nghiên cứu chỉ ra tính cách của nhiều người có thể thay đổi theo giờ. Ảnh: Getty ImagesMột người có thể cởi mở, dễ chịu vào buổi trưa nhưng lại trở nên tiêu cực và cứng nhắc lúc ban chiều. Từ thực tế này, nhiều chuyên gia đã nghi ngờ quan niệm phổ biến trước đó của các nhà tâm lý rằng các yếu tố hình thành tính cách là những đặc điểm tương đối ổn định, khó thay đổi.Thất thường cũng là tính cáchNăm 2004, giáo sư Peter Molenaar, chuyên gia về phát triển con người và tâm lý học tại Đại học Bang Pennsylvania (Mỹ), đã gọi tên những biến động cảm xúc nhanh, ngắn, dễ đảo ngược của một người là intraindividual variability (IIV), nôm na là tính tình lúc này lúc kia. Trên thực tế, những người có tính cách sáng nắng chiều mưa này thậm chí còn nhiều hơn những người hướng ngoại, tận tâm… quanh ta, theo tạp chí Scientific American.Theo Molenaar, các phương pháp kiểm tra tâm lý bằng bảng hỏi với giả định rằng tính cách chúng ta ổn định là sai lầm. Từ đó, nhờ các nghiên cứu khoa học có ứng dụng tri thức toán và vật lý, tầm quan trọng của loại tính cách lúc này lúc kia được chú ý nhiều hơn, chúng ta cũng có hiểu biết mới về loại tính cách này.Một trong những nghiên cứu lớn về tính hay thay đổi đã diễn ra làm 3 đợt kéo dài suốt 20 năm với hơn 3.500 người. Trong nghiên cứu này, David Almeida - chuyên gia tâm lý học phát triển của Đại học Bang Pennsylvania - và các đồng nghiệp đã hỏi các tình nguyện viên về mức độ căng thẳng và cảm xúc trong 24 giờ trước đó của họ trong 8 ngày liền. Các yếu tố gây căng thẳng được nêu gồm cãi vã với người nhà, đến hạn chót phải hoàn thành công việc, áp lực việc nhà và các rắc rối hằng ngày. Các nhà nghiên cứu cũng hỏi về cảm xúc vui, giận, sợ, lo lắng… và hoạt động thể chất và giấc ngủ của tình nguyện viên. Họ đã lặp lại khảo sát này hai lần nữa mỗi 10 năm. Almeida và nhóm nghiên cứu kết luận "các trải nghiệm hằng ngày, vốn được coi là tương đối không quan trọng với sức khỏe, có ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn đến nhiều loại cảm xúc, thể chất và nhận thức" của chúng ta.Nhóm của Almeida đã tính toán để xác định trong những đặc điểm thường được cho là tính cách cố hữu của một người, như gắt gỏng, có bao nhiêu phần trăm thực sự là bản tánh, bao nhiêu phần trăm là bộc phát. Câu trả lời, theo Almeida, là 50% sự gắt gỏng là đặc điểm tính cách cố hữu, 50% là bùng nổ bất ngờ trong ngày.Nhiều nhà nghiên cứu tiếp tục đi sâu tìm hiểu tác động của hoàn cảnh đến tâm lý bộc phát của một người, một trong số đó là Nilam Ram, giáo sư tâm lý và truyền thông của Đại học Stanford. Ram muốn biết những biến động tính cách hằng ngày, hằng giờ của một người liên quan ra sao với bối cảnh nơi chúng xảy ra, như cơ quan, nhà riêng, phòng khám bệnh…Trong nghiên cứu của ông, các tình nguyện viên báo cáo về cảm xúc mỗi giờ của họ. Kết quả nghiên cứu cho thấy cảm xúc là sự kết hợp của một số khía cạnh trực tiếp của môi trường và các yếu tố trong tính cách của mỗi người, nghĩa là họ phản ứng ở mức độ nào với tác động xung quanh và điều chỉnh cảm xúc tốt ra sao.Ảnh: Lambert/Getty ImagesHiểu người đa dạng cảm xúcTrong những năm gần đây, Michelle Newman, nhà nghiên cứu tâm lý và nhà trị liệu hành vi nhận thức của Đại học Bang Pennsylvania, càng thấy rõ tầm quan trọng của loại tính cách dễ thay đổi thất thường với nghiên cứu khoa học và điều trị.Bà Newman cho biết khi chưa có điện thoại thông minh, bệnh nhân hoặc người tham gia nghiên cứu phải điền bảng câu hỏi về cảm xúc của bản thân trên giấy hoặc một thiết bị điện tử kiểu cũ. Sự phiền toái của nhiệm vụ này khiến nhiều người mô tả qua loa, do đó dữ liệu là vô giá trị. Hiện nay, nhờ các ứng dụng trên điện thoại thông minh, các nhà tâm lý có thể theo dõi cảm xúc và trải nghiệm của mọi người ở nhiều thời điểm trong ngày và nắm bắt được các sắc thái tâm lý đa dạng của họ. Điều này đã mang đến cái nhìn mới mẻ với một số bệnh lý.Trước đây, các nhà nghiên cứu cho rằng ở những người bị rối loạn lo âu lan tỏa (generalized anxiety disorder, GAD), bệnh nhân lo lắng không ngừng là để dập tắt cảm xúc tiêu cực. Nhưng nghiên cứu của Newman gợi ý rằng sự lo lắng không ngừng là cơ chế tồn tại thiết yếu của các bệnh nhân. Họ chủ động duy trì sự lo lắng và các cảm xúc tiêu cực để tránh bị sốc khi gặp những tình huống tồi tệ thực sự. Trong một nghiên cứu, 83 người bị GAD được mời trả lời các bảng hỏi trong 8 ngày về mức độ lo lắng của họ ở thời điểm ngay trước và ngay sau các cuộc gặp từ một phút trở lên với người khác. Nhìn chung, dù lo lắng nhiều hay ít trước các cuộc gặp, các bệnh nhân đều cảm thấy tốt hơn sau đó, nghĩa là các cuộc gặp thú vị hay chí ít cũng là vô hại. Tuy nhiên, những người ít hồi hộp trước các cuộc gặp cảm thấy lo, buồn nhiều hơn sau đó. Ngược lại, những người lo nhiều trước cuộc gặp thì hạnh phúc, hài lòng hơn sau cuộc gặp.Newman giải thích: những người lo nhiều tin rằng nếu lường trước điều tệ sẽ xảy ra (dù nó khó xảy ra đến mức nào), họ sẽ không bị sốc nếu nỗi lo thành sự thật và nếu điều đó không xảy ra, họ thấy nhẹ nhõm vì mình có phòng bị. Với họ, thà lo trước còn hơn không. Sự lo lắng bảo vệ họ không bị sốc nên họ chủ động duy trì sự lo lắng liên tục. Nếu không có nhật ký chi tiết về những biến động trong suy nghĩ và cảm xúc của bệnh nhân, các nhà nghiên cứu không thể nhận ra cơ chế phòng vệ tinh vi này. Ở người lo lắng, họ không chỉ duy trì cảm xúc tiêu cực mà còn có xu hướng hạn chế cảm xúc tích cực. Do đó, nhà trị liệu cần làm giảm cảm xúc tiêu cực và tăng cảm xúc tích cực cho bệnh nhân. Để củng cố cảm xúc tích cực, nhà tâm lý Lucas LaFreniere (Đại học Skidmore, Mỹ) đề nghị bệnh nhân thử dùng ứng dụng SkillJoy. Trong ngày, vào những khoảng thời gian ngẫu nhiên, ứng dụng sẽ nhắc người dùng tập trung vào một điều tích cực trong hiện tại - như gặp một người bạn, nghe một bài hát… Một nghiên cứu gần đây cho thấy sau 7 ngày, người dùng SkillJoy bớt lo hơn so với trước khi cài ứng dụng. Dữ liệu được thu thập định kỳ thường xuyên cũng giúp các chuyên gia xác định phương pháp trị liệu phù hợp hơn cho bệnh nhân. Nhiều người không biết hoặc không nhớ điều gì gây lo lắng cho họ. Giờ đây, các nhà trị liệu có thể dò ra các nhân tố kích thích khi liên kết các mức độ lo lắng cao của bệnh nhân với các sự kiện xảy ra ở thời điểm đó. Nhờ đó, họ có thể tư vấn bệnh nhân áp dụng các chiến lược kiểm soát cụ thể chống lại sự lo lắng. Chẳng hạn, bệnh nhân có thể bình tĩnh hít sâu, phân tích vấn đề họ lo lắng với thực tế để nhận ra rằng mình đã lo lắng không cần thiết.Hiểu về các cảm xúc đa dạng trong ngày của một người khiến các nhà nghiên cứu đặt câu hỏi biến động cảm xúc cao là tốt hay xấu cho những người trời sinh có tính cách lúc này lúc kia. Newman cho rằng: "Sự thay đổi cảm xúc là tốt. Muốn nghĩ xấu cũng không được vì cho đến nay, không có bằng chứng cho thấy vào một thời điểm nào đó, đây sẽ là triệu chứng của bệnh tâm thần".Một số chuyên gia khác thận trọng hơn nhưng họ cũng cho rằng sự đa dạng về cảm xúc không hẳn sẽ tác động xấu đến cuộc đời ta. Người tính lúc này lúc kia có thể thích nghi thành công với tính cách trời ban này. Hay như chia sẻ của David Brooks, một người sinh ra với tính cách này, cho biết những người có sự đa dạng cảm xúc có khả năng tự kiểm soát bản thân tốt hơn, ít uống rượu hơn khi bị căng thẳng, ít bị kiệt sức và ít phải đi khám bệnh, nhìn chung có sức khỏe tốt.Jordi Quoidbach, phó giáo sư Trường Luật Esade Barcelona, cho rằng sự đa dạng về cảm xúc, việc đột ngột chuyển tông từ nhiệt tình, hăng hái đến buồn bã, sợ hãi giúp chúng ta thích nghi tốt hơn với các tình huống khác nhau trong ngày. Tôn trọng những cảm xúc lên xuống này giúp chúng ta hiểu mình hơn. Nhiều người trong số chúng ta có thể suy nghĩ, cảm nhận và hành xử khi ở nhà khác với khi ở cơ quan hoặc khi gặp bạn bè. Nghiên cứu của nhà tâm lý Nadin Beckmann (Đại học Durham, Anh) và các đồng nghiệp đã xác nhận điều này. Họ phỏng vấn 288 công nhân viên về các loại cảm xúc như trầm ngâm, dễ tổn thương, ủ rũ… tại một thời điểm và sau đó hỏi tối đa 5 người là người thân, bạn thân hoặc đồng nghiệp của những người này các câu hỏi tương tự. Kết quả cuối cùng cho thấy: sự thay đổi tính cách của cá nhân thay đổi có hệ thống theo môi trường. Một người có thể được coi là tận tâm ở công sở nhưng lại thờ ơ ở nhà, họ có thể hướng ngoại với bạn bè nhưng khép kín với đồng nghiệp. Tags: Tâm lý họcKiểm tra tâm lýNghiên cứu khoa họcNhà tâm lýTính tìnhTâm trạngTính cáchTâm lýSáng nắng chiều mưa
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM phải 'đá tiền đạo' khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình THẢO LÊ 23/12/2024 Ví như một đội bóng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi xác định TP.HCM phải nằm trong đội hình chính và có vai trò đá tiền đạo.
Quyền lực của tỉ phú Elon Musk lớn cỡ nào? DUY LINH 23/12/2024 Sự kết hợp giữa tỉ phú Elon Musk và Tổng thống đắc cử Donald Trump đang bắt đầu tạo ra những cơn sóng làm chao đảo chính trường Mỹ.
Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025: Đồng hành với thí sinh trong cuộc chơi mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.
Sáng nay 20 độ C, người dân TP.HCM khoác áo ấm ra đường LÊ PHAN 23/12/2024 Sáng nay 23-12, thời tiết TP.HCM lạnh, nhiệt độ giảm mạnh, người dân cảm nhận được cái lạnh rõ rệt dù trời có nắng.