Phóng to |
Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Phạm Đức Hải tặng hoa chúc mừng tác giả bài viết “Người nâng cánh ước mơ tôi” Lý Thị Thủy đoạt giải nhất - Ảnh: Như Hùng |
Cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong lễ trao giải chính là “trái tim nhân ái của người thầy”. Không chỉ mang đến cho học sinh kiến thức, lòng nhân ái của người thầy đã cưu mang những học sinh khốn khó, nâng bước cho học trò vững bước vào đời.
Quả ngọt...
"Cuộc thi đã có sức lan tỏa rất lớn trong xã hội. Theo tôi, đây là một cuộc thi đặc biệt, vượt lên văn chương chữ nghĩa, yếu tố được các thí sinh tôn vinh chính là đạo làm thầy. Tính nhân văn của cuộc thi chính là thể hiện đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta..." Ông Đỗ Quốc Anh(vụ trưởng, giám đốc cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) |
Cả hội trường lặng đi khi thầy Lê Thí (bút danh Lê Bình Trị, tác giả bài “Trái tim không tật nguyền”) - nguyên giáo viên Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng - kể về cậu học trò khiếm thị, mất một nửa bàn tay trái mà thầy Thí gọi bằng... Thầy. Mặc dù hơn Đặng Ngọc Duy (nhân vật trong bài viết) 25 tuổi, mặc dù đã có thời gian trực tiếp dạy Duy nhưng trong bài viết ông xem Duy là người thầy đáng kính: “Bằng chính cuộc đời sinh động của mình, Duy đã để lại cho tôi bài học sâu sắc, thấm thía về ý nghĩa của cuộc sống. Sau ba năm học THPT, chúng tôi tiễn em ra trường mà có cảm giác như đang đưa cánh chim vào bầu trời đầy dông bão. Thế mà mấy năm sau, cả hội đồng sư phạm Trường Trần Phú như vỡ òa khi thấy Duy quay về, rạng rỡ mang tập thơ tặng các thầy cô. Làm sao không xúc động cho được khi em trình bày ý định in tập thơ do mình sáng tác để lấy vốn mở mái ấm dành cho người khuyết tật. Đến nay tôi đã về hưu được ba năm. Biết được cuộc thi “Thầy tôi” trên báo Tuổi Trẻ, tôi viết bài “Trái tim không tật nguyền” với hi vọng bài sẽ được đăng báo. Tôi mong sẽ có người đồng cảm với Duy để chia sẻ, hỗ trợ cho mái ấm do Duy lập ra”.
Lúc này, nhiều người dự khán đã phải rút khăn ra lau nước mắt. Cô Hoàng Thị Thu Hiền, giáo viên môn văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, nói trong nghẹn ngào: “Gặp hoàn cảnh nghiệt ngã, khổ đau như thế, sống cho bản thân mình đã khó. Đặng Ngọc Duy còn giúp đỡ được người khác. Đó không chỉ là nghị lực phi thường mà còn là lòng yêu thương, là vẻ đẹp của nhân cách người thầy”. Thế nên không có gì ngạc nhiên khi thầy Lê Thí trình bày về lý do “xem học trò là thầy” của mình: “Duy đã dạy tôi những bài học quan trọng về tinh thần lạc quan, về nghị lực vượt qua những khắc nghiệt của cuộc sống. Cũng chính Duy đã dạy tôi những bài học sâu sắc về lòng nhân ái. Những khi chùng lòng vì cuộc sống, tôi lại tìm đến mái ấm hay gọi cho Duy để tìm một chút niềm tin, một chút bình yên cho tâm hồn mình...”.
Thầy Lê Thí - tác giả bài viết “Trái tim không tật nguyền” - đang nói về học trò Đặng Ngọc Duy tại buổi trao giải - Ảnh: Như Hùng |
Và cái kết có hậu
"Chúng tôi cảm nhận được rằng thành công của cuộc thi không chỉ dừng ở chỗ thu hút sự quan tâm của bạn đọc về ngành giáo dục nước nhà, về những người thầy cao quý, mà còn là sợi dây kết nối biết bao trái tim thầy trò, nhen lên ngọn lửa ấm áp của truyền thống “tôn sư trọng đạo” đầy tốt đẹp của dân tộc VN" Ông Lê Thế Chữ(phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ TP.HCM) |
Đúng như tâm sự của PGS.TS Trần Hữu Tá - thành viên ban giám khảo: “Tôi không thể hình dung được trong tình hình đất nước khó khăn, trong cuộc sống bộn bề lo toan như hiện nay mà có đến 770 bài dự thi ‘Thầy tôi’ chỉ trong hai tháng. Nó chứng minh truyền thống “tôn sư trọng đạo”, truyền thống hiếu học của nhân dân ta là rất lớn. Đọc các bài dự thi có lúc tôi đã rưng rưng...”.
Phát biểu tại lễ trao giải, PGS.TS Trần Hữu Tá nhấn mạnh: “Việc nhường cơm xẻ áo cho học trò thì tôi đã làm. Thế nhưng, có người thầy đã kiên trì suốt ba năm vừa giúp đỡ học sinh về vật chất để đến trường, vừa kiên trì thuyết phục gia đình em, thuyết phục cả gia đình nhà chồng tương lai của học trò để họ đồng ý hủy hôn ước. Tất cả chỉ để học trò của mình tiếp tục được đi học, để học trò mình thực hiện ước mơ thoát khỏi đói nghèo. Xin mời thầy Trần Quốc Nhuận...”. Cả hội trường cùng hướng ánh mắt về phía nhà giáo ưu tú Trần Quốc Nhuận - nhân vật trong bài “Người nâng cánh ước mơ tôi”, giáo viên môn địa lý Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên), khi thầy đứng lên. Mất một bàn tay từ thời chiến tranh, chỉ còn một tay lành lặn nhưng ba năm nay, cứ một tuần bốn buổi tối thầy Nhuận tự chạy xe vượt qua đoạn đường hơn 30km từ thành phố Tuy Hòa đến Trường THPT Phạm Văn Đồng để dạy luyện thi cho học sinh “lớp học tình thương”. Hai năm đầu lớp học tình thương chỉ có 25 học sinh, nhưng năm nay đã lên đến 60 học sinh. Thầy Nhuận bày tỏ: “Thời đại “học lệch” như bây giờ mà có học sinh thích học địa lý, thích thi khối C là quý lắm. Xa cỡ nào tôi cũng đi được”.
Một lần nữa hội trường lại ồ lên khi nhà giáo ưu tú Trần Quốc Nhuận kể đoạn kết có hậu của câu chuyện “Người nâng cánh ước mơ tôi” (tác giả Lý Thị Thủy): “Bài viết với số chữ hạn chế nên em Thủy không thể kể hết. Thực tế, chàng trai trong câu chuyện vẫn chờ đợi em Thủy học hết phổ thông rồi đến đại học. Hiện nay chàng trai ấy và em Thủy đã thành một gia đình hạnh phúc. Không những tạo dựng được một cuộc sống tốt đẹp, Thủy còn nuôi hai em học đại học. Thời gian này em cũng đang nuôi chồng học nâng cao lên đại học”. Những tràng pháo tay rộ lên không ngớt, phía dưới hội trường nhiều người dự khán cười mãn nguyện. Trên sân khấu, thầy Nhuận cũng cười - nụ cười hạnh phúc của một người thầy. Thầy đã làm thay đổi số phận của học trò. Hơn thế nữa, thầy còn góp phần giúp người thân của học trò mình thay đổi cuộc đời. Bởi nói như tác giả Lý Thị Thủy: “Suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, có nhiều lúc tôi nản chí. Nhưng rồi thầy Nhuận lại bồi thêm nghị lực cho tôi. Nếu không gặp thầy Nhuận, có lẽ cuộc đời tôi sẽ lại giống mẹ: suốt ngày quanh quẩn rẫy nương, cuộc sống cứ nghèo khó mãi...”.
Niềm tin cho trò “Thời gian đi cai nghiện không chỉ một mình tôi mà các bạn đồng cảnh ngộ đều lâm vào tình trạng khủng hoảng. Khủng hoảng cả về tâm lý và tinh thần. Thế nhưng trong thời gian học với cô Hồi (cô Phạm Thị Hồi - hiện là giáo viên nội trú Trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM), cô đã giúp tôi lấy lại niềm tin, một niềm tin rằng mình có giá trị - giá trị của một con người” - tác giả Nguyễn Nhất Vinh (bài viết “Đi cai nghiện và... làm thầy”) tâm sự. |
Kết quả cuộc thi * Giải nhất (trị giá 20 triệu đồng): , tác giả Lý Thị Thủy (Phú Yên) * Giải nhì (trị giá 12 triệu đồng): 1., tác giả Thanh Thúy (Ðồng Nai) 2., tác giả Ðỗ Phương Thảo (Hà Nội) * Giải ba (trị giá 7 triệu đồng): 1., tác giả Nguyễn Văn Cải (TP.HCM) 2., tác giả Nguyễn Nhất Vinh (TP.HCM) 3., tác giả Lê Bình Trị (Ðà Nẵng) * Giải khuyến khích (trị giá 3 triệu đồng): 1., tác giả Nguyễn Ngọc Tùng (Bắc Giang) 2., tác giả Vũ Thị Hoa (Hà Nội) 3., tác giả Ðỗ Thành Ðồng (Quảng Bình) 4., tác giả Hải Ðăng (Phú Yên) 5., tác giả Hoàng Ninh (Ðắk Nông) 6., tác giả Trần Tuyết Hoa (TP.HCM) 7., tác giả Ngọc Diễm (Long An) 8., tác giả Phan Thị Lan Viên (Tiền Giang) 9.Hai bàn tay sạch, tác giả Nguyễn Vương Á Ðông (Vũng Tàu) * Giải khuyến khích đặc biệt: - Thí sinh nhỏ tuổi nhất vào vòng chung khảo (12 tuổi): , tác giả Nguyễn Minh Châu (TP.HCM) - Thí sinh lớn tuổi nhất (93 tuổi): Cảm ơn thầy đã dạy tôi bài học "Văn hóa nhân cách", tác giả Nguyễn Thuận (TP.HCM). BTC |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận