28/06/2022 07:59 GMT+7

Sàng lọc trong Đảng, cần những giải pháp quyết liệt hơn

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Trong nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng có chủ trương thường xuyên rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng, đảng viên thiếu gương mẫu, uy tín thấp… Thực hiện việc này nên như thế nào?

Các chuyên gia cho rằng nghị quyết 21 này thêm một lần nữa giúp các tổ chức đảng, đảng viên nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm của mình để xây dựng tổ chức đảng, đảng viên vững mạnh. Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến mang tính giải pháp liên quan vấn đề này.

* Bà Nguyễn Thị Bích Ngà (nguyên ủy viên Ủy ban Kiểm tra trung ương): Mỗi cán bộ đảng viên "đừng để tay nhúng chàm"

Anh Box 2

Tinh thần chung trong toàn Đảng với hơn 5 triệu đảng viên là phải thường xuyên rà soát, sàng lọc. 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ nên chúng ta không lo việc ai đó có vi phạm nhưng lại được tổ chức đảng bao che, dung túng.

Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành trung ương thêm một lần nữa giúp các tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm. 

Trong đó mỗi cán bộ, đảng viên phải có ý thức tự rèn, tự phòng, "gột rửa, làm mới bản thân, đừng để tay nhúng chàm".

* Ông Lê Như Tiến (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục): Cần những giải pháp đi kèm quyết liệt hơn

Anh Box 3

Việc rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng đã được nêu ra không ít lần nên sau nghị quyết 21 này rất cần những giải pháp đi kèm quyết liệt hơn để xử lý triệt để. 

Thời gian vừa qua có nhiều cán bộ cao cấp thuộc diện trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị xử lý kỷ luật hoặc phải đứng trước vành móng ngựa và đó là những bài học rất nhãn tiền.

Chúng ta đã có khá đầy đủ hành lang pháp lý trong công tác quản lý cán bộ, đảng viên, phòng chống tham nhũng, bên cạnh đó còn "giăng mắc" rất nhiều cơ quan kiểm tra, thanh tra, giám sát các cấp… song thực tế vẫn xảy ra tình trạng "lọt lưới" hay "những con voi chui lọt lỗ kim".

Do đó, thời gian tới cùng với việc bịt kín các kẽ hở pháp luật, các cơ quan thanh tra, kiểm tra cần làm thường xuyên, liên tục hơn và phải xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan đơn vị. Đặc biệt cần tăng cường kiểm soát quyền lực, chống việc lạm quyền, lộng quyền và chuyên quyền của cán bộ, người đứng đầu.

* PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên viện trưởng Viện Lịch sử Đảng): Kỷ cương từ chi bộ đâu rồi?

Anh Box 1

Các bộ dù ở cấp nào cũng đều phải sinh hoạt ở một tổ chức đảng cơ sở (chi bộ) nhất định. Trước đây với các cán bộ, kể cả người lãnh đạo sinh hoạt thì chi bộ, người đứng đầu chi bộ thường nắm rất rõ xem đảng viên có vấn đề, có dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực hay không để nhắc nhở, khuyến cáo.

Nhưng thực tế vừa qua việc xử lý các cán bộ cấp cao vi phạm cho thấy đều không phải do tổ chức đảng nơi các cán bộ đó sinh hoạt phát hiện mà chủ yếu là do Ủy ban Kiểm tra trung ương vào kiểm tra, phát hiện tiêu cực, đưa ra xử lý kỷ luật đảng, chính quyền, thậm chí hình sự. 

Có thể hoạt động của những cán bộ cấp cao vi phạm này tinh vi, sử dụng nhiều phương cách dẫn đến tổ chức đảng đó không biết nhưng cũng không loại trừ việc biết nhưng ngại va chạm, không dám nhắc nhở, góp ý…

Điều này đặt ra bài học là cần phải nâng cao chất lượng, kỷ luật, kỷ cương, quản lý cán bộ, đảng viên, kiểm soát quyền lực từ ngay tổ chức đảng cơ sở. Tổ chức đảng cơ sở phải mạnh, nắm rất sát cán bộ, đảng viên của mình, kể cả cán bộ cấp cao sinh hoạt để phòng ngừa, nhắc nhở, ngăn chặn tham nhũng, vi phạm, còn để xảy ra rồi mới xử lý vừa mất cán bộ lại mất tiền bạc, của cải.

Hoàn thiện thể chế để cán bộ không dám tham nhũng

anh box ong Thuong bao giay 3(Read-Only)

Cử tri Đà Nẵng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri - Ảnh: HỮU KHÁ

Chiều 27-6, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đã tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu. Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm hoàn thiện thể chế, bịt các lỗ hổng trong quy định pháp luật để phòng chống tham nhũng và việc thu hồi tài sản do tham nhũng còn quá thấp.

Trả lời các kiến nghị của cử tri, ông Võ Văn Thưởng - thường trực Ban Bí thư - cho biết công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ tiếp tục được chỉ đạo làm quyết liệt, mạnh mẽ trong thời gian tới với tư tưởng không có vùng cấm, bất kỳ người đó là ai nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. "Tham nhũng gắn với quyền lực, vì vậy quyền lực phải được kiểm soát" - ông Thưởng nói.

Ngoài ra, theo ông Thưởng, để đấu tranh phòng chống tham nhũng đạt kết quả thì sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế để cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng; bịt các lỗ hổng về pháp luật trong phòng chống tham nhũng; tăng cường kiểm soát quyền lực, kể cả ở các cơ quan làm nhiệm vụ phòng chống tham nhũng.

HỮU KHÁ

Tổng bí thư ký ban hành nghị quyết: Rà soát, sàng lọc đưa ra khỏi Đảng đảng viên không đủ tư cách Tổng bí thư ký ban hành nghị quyết: Rà soát, sàng lọc đưa ra khỏi Đảng đảng viên không đủ tư cách

TTO - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên