Vì thế, ở đâu tổ chức Đảng không chặt chẽ, thiếu kỷ luật nghiêm minh thì việc loại bỏ đảng viên yếu kém về đạo đức, lối sống, phẩm chất chính trị để siết chặt đội ngũ là rất cần thiết.
Những đảng viên vừa qua bị kỷ luật là những đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ, trọng trách Đảng giao cho theo từng vị trí công việc. Họ vi phạm pháp luật và tư lợi cá nhân. Đảng là một khối thống nhất, do đó khi có những đảng viên hư hỏng thì cần loại bỏ để giữ gìn kỷ luật Đảng, cũng chính là củng cố sức mạnh của Đảng.
Tăng cường công tác kỷ luật Đảng hiện nay là hợp với quy luật phát triển, giúp loại bỏ những đảng viên yếu kém như Tổng bí thư đã nói, điều đó là rất đau xót nhưng không thể không làm.
Tuy nhiên, khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên hư hỏng cần xem xét cả tổ chức Đảng. Một tổ chức Đảng đánh giá cán bộ A, B là tốt, nhưng giờ hư hỏng thì lỗi đó bản thân cán bộ một phần, tổ chức Đảng cũng phải chịu trách nhiệm một phần. Tổ chức Đảng phải chịu trách nhiệm ngay từ khi đề cử họ, theo dõi bước đường phấn đấu của họ cũng như năng lực, phẩm hạnh để đưa họ dần vào vị trí quan trọng.
Thời gian qua có nhiều vụ việc không được phát hiện sớm sai phạm, lỗi đó là do sức chiến đấu của tổ chức Đảng không mạnh, cấp ủy Đảng còn nể nang, xuê xoa. Rõ ràng một cán bộ hư hỏng không chỉ do họ, mà còn do tổ chức Đảng cơ sở và cơ quan quản lý cán bộ làm hỏng họ. Trong khi chúng ta chưa bao giờ kiểm điểm một tập thể làm hỏng cán bộ. Có tình trạng cán bộ bổ nhiệm sai ở đơn vị này lại được điều sang đơn vị khác bổ nhiệm cấp cao hơn, như vậy là 2 cơ quan làm hỏng một cán bộ.
Kỷ luật tới cùng không phải vì ghét bỏ cán bộ, mà để cán bộ đó có thể trưởng thành, phấn đấu trở lại được. Giống như không chữa trị dứt điểm thì bệnh không thể nào khỏi được. Đây là điều phải suy ngẫm, phấn đấu xây dựng Đảng cầm quyền trong điều kiện kinh tế thị trường nhiều biến động càng phải cân nhắc kỹ điều này.
Trung ương cũng vừa lấy phiếu tín nhiệm với các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, tôi nghĩ chắc tới đây các ủy viên trung ương cũng phải được lấy phiếu tín nhiệm ở ngay nơi tổ chức Đảng cơ sở đã giới thiệu vào trung ương.
Đảng bộ các cấp cũng phải lấy phiếu tín nhiệm đánh giá cấp ủy của mình, từ cơ sở lên, việc này phải làm thường xuyên.
Thật ra, việc lấy phiếu tín nhiệm bằng con số phần trăm chưa đánh giá và phản ánh đầy đủ, chính xác phẩm chất đạo đức của đảng viên đó. Bởi vì đằng sau con số phần trăm tín nhiệm ấy còn là một chuỗi sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn người đảng viên đó đảm nhiệm chức trách của mình.
Con số tín nhiệm cao, mà tổ chức cơ sở Đảng mất đoàn kết, nhiều đảng viên vi phạm pháp luật, suy thoái đạo đức, nhân dân không tín nhiệm, nhiều khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp..., lòng dân không yên thì số phiếu tín nhiệm ấy đâu có phản ánh được năng lực, phẩm hạnh của cán bộ đảng viên.
Bên cạnh việc xem xét đánh giá năng lực cán bộ qua lấy phiếu tín nhiệm, Đảng cũng phải nhìn vào thực tế cuộc sống người dân để xem xét một cách toàn diện. Có như thế mới hiểu được thực trạng, sức mạnh và tín nhiệm của Đảng với dân, với nước.
Đừng vội mừng với những con số tín nhiệm cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận