31/10/2016 11:15 GMT+7

Sáng kiến nhỏ, thay đổi lớn

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Chỉ là những sáng kiến nhỏ, nhưng cách mà hai bạn trẻ ấy đã làm chứng minh rằng những thói quen trong công việc hằng ngày hoàn toàn có thể thay đổi và đem lại nhiều hiệu quả bất ngờ.

Hai công nhân Nguyễn Thị Lương và Đỗ Ngọc Cẩn vừa nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi năm 2016 của Thành đoàn TP.HCM vì sáng kiến hiệu quả trong công việc - Ảnh: Q.L.

Đỗ Ngọc Cẩn đến nay có 10 năm gắn bó với phân xưởng da bột, còn Nguyễn Thị Lương đã bước qua năm thứ 12 ở phân xưởng trà tại Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre.

Họ không chỉ được biết đến là những công nhân lành nghề, mà còn góp những cải tiến làm thay đổi quy trình sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cho đơn vị nhiều năm qua.

Tìm tòi để thay đổi

Nhiều năm làm việc tại phân xưởng da bột, Đỗ Ngọc Cẩn nhận thấy việc dùng khuôn cắt da hoành thánh không thật sự mang lại hiệu quả cao, vì mỗi lần chỉ có thể cắt được một lớp bột. Do chất liệu bột làm da hoành thánh khá dai, chỉ cần xếp vài lớp chồng lên nhau thì khi cắt sẽ tạo ra những vết cắt hình răng cưa.

Từ gợi ý của trưởng phân xưởng da bột Nguyễn Thị Huyền, Cẩn đã thử nghiệm và tìm ra cách cắt da hoành thánh đầy bất ngờ.

“Sáng kiến xuất phát từ từng cá nhân, song lại góp phần tạo sự liên kết trong từng nhóm sản xuất, tạo không khí thi đua giữa các phân xưởng nên hiệu quả không chỉ ở khoản tiết kiệm kinh phí, làm lợi cho công ty mà còn nâng ý thức chủ động đi tìm cái mới trong chính công việc hằng ngày của công nhân

Ông VÕ QUANG VINH (phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre)

Thay vì dùng khuôn cắt từng lớp bột, Cẩn đã xếp chồng nhiều lớp bột lên nhau, dùng khung định hình và cắt bằng dao. Cách làm này vừa tiết kiệm sức lao động, thao tác gọn nhẹ, vừa giúp năng suất của mỗi công nhân trong một giờ tăng từ 2,27kg lên 4,09kg thành phẩm, đủ nhu cầu nguyên liệu cho bộ phận chế biến các sản phẩm cần đến da hoành thánh, công ty không phải mua bên ngoài như trước.

“Mình chỉ gợi ý chứ thật ra cũng chưa tìm ra cách làm, thế nhưng sau khi nghe xong Cẩn đã có ý tưởng và xin cho thử nghiệm rồi. Thực tế áp dụng cách mới từ đầu năm 2016 đến nay cho hiệu quả rõ rệt” - chị Huyền đánh giá.

Dù hào hứng song khi nhận đơn hàng trà khổ qua đến hàng tấn, phó trưởng phân xưởng trà Nguyễn Thị Lương cũng lo lắng vì việc cắt khổ qua bằng tay chắc chắn không thể làm nhanh và sản phẩm cũng không thể có kích cỡ như nhau.

“Mình thấy chiếc máy cắt thực phẩm có sẵn và nghĩ đến việc thay bộ dao cắt sẽ dùng được nên mạnh dạn đề xuất lãnh đạo xin làm thử” - Lương nói về đề xuất cải tiến của mình.

Và đúng như suy tính của Lương. Sau khi gắn bộ dao cắt mới theo kích cỡ hạt trà khổ qua như đặt hàng, một công nhân đứng máy đã cắt được đến 800 kg/giờ trong khi nếu cắt bằng tay, năng suất cao nhất cũng chỉ được 60kg khổ qua tươi mỗi giờ.

Trà khổ qua phải sản xuất theo mùa do phụ thuộc nguồn nguyên liệu, nên cải tiến của Lương giúp tận dụng thiết bị của công ty. Khi không sản xuất trà, chỉ cần thay bằng bộ dao cắt khác là có thể tận dụng máy cho các khâu sản xuất khác, không để tình trạng trống máy.

Truyền ngọn lửa đam mê

Đi lên từ một công nhân, trải qua nhiều công việc khác nhau, hiện là phó trưởng phân xưởng trà, song cô công nhân Nguyễn Thị Lương nói mình vẫn gắn bó với công việc sản xuất trực tiếp, chỉ là ở một trọng trách khác.

Hai năm qua, cô gái ấy đảm nhiệm vai trò bí thư Đoàn của công ty, gầy dựng, tổ chức hoạt động phong trào cho công nhân trẻ tại đơn vị.

Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre Võ Quang Vinh nói thành tích của Lương không những ghi nhận nỗ lực của chị tại công ty, mà còn có sức lan tỏa đến nhiều công nhân trẻ khác của đơn vị.

“Ở vị trí đầu tàu trong hoạt động Đoàn, thành tích của Lương đã góp phần truyền đi ngọn lửa đam mê cho nhiều đoàn viên thanh niên khác, để mỗi bạn luôn tự ý thức tìm tòi sáng kiến mà lãnh đạo công ty luôn ghi nhận, dù là những điều nhỏ nhất” - ông Vinh nhận định.

Trong khi đó, Đỗ Ngọc Cẩn rất kiệm lời khi nói về đóng góp của mình, bảo rằng đó chỉ là nhiệm vụ hằng ngày và “tìm ra cái mới giúp nhóm nâng cao năng suất cũng chính là giúp năng suất của bản thân nâng lên, tăng thêm thu nhập cho anh em”.

Chia sẻ về đồng nghiệp, trưởng phân xưởng da bột Nguyễn Thị Huyền phân tích thêm: “Cải tiến của Cẩn (với vai trò nhóm trưởng) giúp cả nhóm 37 người đều có mức lương cao hơn mức bình quân của công ty. Cụ thể mức lương cơ sở của công ty là 19.140 đồng/giờ thì nhóm của Cẩn thường là 22.000 đồng, có lúc 23.000 đồng/giờ”.

Ông Võ Quang Vinh cho rằng có thể sáng kiến nhỏ, nhưng hiệu quả mang lại khá lớn và lâu dài. “Hiệu quả rõ nhất mà lãnh đạo công ty thấy được là mỗi sáng kiến được ứng dụng trở thành động lực thúc đẩy phong trào sáng kiến, cải tiến thực tiễn sản xuất trong đội ngũ công nhân trẻ, dù áp lực làm việc hằng ngày của các bạn trong ngành chế biến thực phẩm luôn căng thẳng” - ông Vinh nói.

Gương sáng công nhân

Nếu Đỗ Ngọc Cẩn lần đầu tiên được vinh danh ở Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi năm 2016 của Thành đoàn TP.HCM dành cho những thanh niên công nhân có nhiều sáng kiến hiệu quả trong lao động sản xuất, thì Nguyễn Thị Lương lần thứ hai vinh dự có tên trong giải thưởng này. Trước đó, Lương từng là chủ nhân của một trong những Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi vào năm 2012.

Ngoài ra, nữ bí thư Đoàn Nguyễn Thị Lương còn là thủ lĩnh thanh niên công nhân tiêu biểu cấp TP năm 2016, điển hình thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác được tuyên dương tại Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác TP.HCM 2016.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên