Ảnh minh họa: TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG
Tốt nghiệp trường sư phạm, tôi được phân công về dạy tại Trường phổ thông cơ sở Tân Tập, một xã miền hạ của huyện Cần Giuộc, Long An. Đa số các em học sinh miền hạ có học lực rất yếu, bù lại các em chăm học và rất kính trọng thầy cô.
Nhiều ngày mưa bão, dù lặn lội trên con đường trơn trượt, quấn áo sách vở lấm lem, các em vẫn không bỏ học. Ngoài giờ học, các em phải phụ cha mẹ bắt còng nuôi vịt hay câu cá, câu tôm. Chính vì vậy các em không có thời gian học bài, làm bài, dẫn đến kết quả học tập yếu.
Vậy mà nhiều em, khi thấy tôi và một số giáo viên dạy xa nhà phải ở lại trường trong nhà tập thể, thỉnh thoảng bắt còng hay bắt cá được là đem vào tặng thầy cô, giúp thầy cô có được bữa ăn ngon.
Thấy học sinh học yếu, tôi thường dạy kèm các em vào buổi tối và không thu tiền. Nhờ vậy nhiều em dần dần lấy lại căn bản và học rất giỏi những năm sau này như em Nguyễn Ngọc Hùng, từ một học sinh mất căn bản môn toán năm lớp 8, năm lớp 9 trở thành học sinh giỏi toán nhất lớp.
Cảm động trước tình cảm của thầy, thỉnh thoảng các em mời tôi cùng các thầy cô khác đến gia đình mình dùng bữa cơm hay ăn dừa nước. Những buổi chiều học sinh chèo đò đến trường rước thầy cô đến nhà chơi là những kỷ niệm rất đẹp mà suốt đời này tôi không thể nào quên.
Năm 1986, Trường Tân Tập cũng tổ chức Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11. Nhằm giúp học sinh thể hiện lòng tôn kính thầy cô, nhà trường thông báo khi dự lễ, các lớp phải chuẩn bị những bó hoa, hoa do các em trồng tại nhà đem vào tặng thầy cô chứ không được mua, tốn tiền.
Trong buổi lễ, sau khi các thầy cô được mời lên, các em sẽ mang hoa lên tặng. Vậy là thầy cô nào cũng đón nhận được những bó hoa tươi thắm của các em.
Những bó hoa ấy tuy không giá trị về vật chất nhưng với thầy cô, nó có giá trị vô giá về mặt tinh thần vì đó là công các em trồng ở nhà và trang trí. Nhiều em còn viết "Kính tặng thầy cô nhân ngày 20-11, kính chúc thầy cô sức khỏe".
Tôi còn nhớ sau khi buổi lễ kết thúc, em Ngọc Hùng hối hả vào trường. Em xách giỏ cá đến bên tôi và nói: "Thưa thầy, từ sáng giờ em đi bắt cá nên không dự lễ được. Em cố gắng lắm nhưng chỉ bắt được ba con cá lóc và một số tôm, em kính tặng thầy".
Nhìn em với bộ quần áo cũ rụt rè đến trường tặng tôi giỏ cá, tôi xúc động không nói nên lời. Tôi vuốt tóc em: "Thầy cảm ơn em nhiều. Em làm thầy cảm động quá. Thôi thầy nhận giỏ cá này, nhưng nhớ tối nào cũng phải vào trường cho thầy dạy nha em. Nếu được thầy dạy kèm, thầy tin chắc em sẽ thi đậu lớp 10". Em đáp: "Dạ nhờ thầy dạy mà em học giỏi toán, em rất cám ơn thầy".
Làm nghề dạy học, bất kỳ giáo viên nào cũng có nhiều kỷ niệm đẹp trong Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11. Cuộc sống ngày càng nâng cao, quà tặng của học sinh dành cho thầy cô nhân ngày này cũng vậy.
Những món quà đắt tiền, những phong bì tiền trao tặng cho thầy cô ngày nay, xem qua thì rất có giá trị về vật chất nhưng tôi thấy chạnh lòng khi nghĩ về tinh thần "Tôn sư trọng đạo" đã không còn được như xưa.
Còn ý nghĩa gì đâu khi hằng ngày học sinh vô lễ với thầy cô để rồi đến Ngày nhà giáo phụ huynh mua nhiều quà giá trị để tặng? Bây giờ nhiều phụ huynh còn tặng tôi tiền vào ngày 20-11 nhưng tôi cương quyết không nhận. Tôi cần tình cảm của học sinh, tôi cần sự tôn kính thầy cô chứ không phải tiền bạc.
Tôi dạy trên 30 năm, vậy mà những bó hoa, giỏ cá của học trò tặng tôi vẫn còn lưu trong ký ức. Bó hoa hay giỏ cá ấy có giá trị với tôi, nó giúp tôi có động lực vượt qua bao khó khăn để ngày ngày đến lớp dạy cho các em.
Kỷ niệm về giỏ cá của em Nguyễn Ngọc Hùng tặng tôi vào năm 1986 mãi là kỷ niệm đẹp mà tôi sẽ nhớ từ bây giờ và mãi mãi về sau...
Dưới mái trường thân thương, hẳn thầy cô, học sinh đều có những kỷ niệm xung quanh Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11. Những kỷ niệm ấy, với nhiều người, là hành trang khó quên trong đời. Mời quý thầy cô, bạn đọc chia sẻ những câu chuyện kỷ niệm của mình đến Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ: [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận