Sản phẩm đã xuất sắc đáp ứng các yêu cầu về tính sáng tạo, có khả năng thương mại hóa cao, góp phần tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm cá ngừ cũng như hỗ trợ ngành thủy sản nước nhà phát triển bền vững.
Targeted Innovation Challenge toàn quốc 2016 là cuộc thi do Frontier Law & Advisory (TIC) khởi xướng và tổ chức nhằm khuyến khích tính sáng tạo và năng động của sinh viên cũng như các nhà sáng chế Việt Nam qua việc cách thách thức các đội chơi đưa ra một giải pháp đối với một vấn đề môi trường-xã hội cụ thể. Ở cuộc thi năm nay, Frontier đã lựa chọn vấn đề đánh bắt cá ngừ bằng phương pháp câu tay làm chủ đề, và bài toán đặt ra là trên nền tảng sáng chế gốc mà Frontier cung cấp, các đội cần đưa ra một sáng chế mới nhằm mục đích bảo quản lạnh và truy xuất thông tin về cá ngừ.
Đội tuyển HQT - ĐH Duy Tân với giải Nhất Cuộc thi Targeted Innovation Challenge Toàn quốc 2016 |
Trong số nhiều đội tuyển trong cả nước đã gửi sáng chế, có 4 đội tuyển xuất sắc nhất được lọt vào Vòng Chung kết diễn ra vào ngày 10-12 vừa qua tại Không gian làm việc chung (DNC) - Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) gồm: Đội tuyển HQT đến từ ĐH Duy Tân, Dreamers đến từ ĐH Khoa học & Công nghệ Hà Nội và 2 đại diện từ ĐH Bách Khoa Đà Nẵng là The Law Breakers và The Salt Pepper Breads. Các đội tuyển có 30 phút để trình bày về sản phẩm của mình, 20 phút để thuyết phục nhà đầu tư và 10 phút để trả lời các câu hỏi của Hội đồng giám khảo.
Nhóm HQT - ĐH Duy Tân thuyết trình giới thiệu sản phẩm tại Cuộc thi |
Kết quả, đội tuyển HQT của ĐH Duy Tân gồm 3 thành viên là Lê Quang Thành, Lê Nhật Hưng và Nguyễn Ngô Anh Quân đã được Hội đồng giám khảo đánh giá cao và trao giải nhất cùng phần thưởng 1.000 USD. Ban Tổ chức cũng đã trao giải nhì cho đội Dreamers của ĐH Khoa học & Công nghệ Hà Nội với phần thưởng trị giá 400 USD.
Lê Quang Thành, sinh viên năm 3 Khoa Điện - Điện tử, Trưởng nhóm HQT chia sẻ: “Khi lên ý tưởng cho sản phẩm, chúng tôi đã tạo ra một quy trình gồm hai phần: bảo quản cá ngừ ở nhiệt độ thấp trong thùng làm lạnh và thu thập, xử lý và truy xuất thông tin cá ngừ. Vật liệu chúng tôi sử dụng là xốp và nhựa composite trên nền tảng ý tưởng thùng xốp và mũ bảo hiểm - đây là những vật liệu rất rẻ tiền nhưng có thể giúp sản phẩm đảm bảo độ bền cơ học, có khả năng cách nhiệt và có giá thành thấp. Ngoài ra, thùng bảo quản còn được thiết kế với màu sắc dễ nhận biết, khi rơi xuống nước vẫn có thể nổi và phát tín hiệu SOS. Sản phẩm này được thiết kế đơn giản nhưng rất chính xác, giúp tạo ra một quy trình chuyên nghiệp, hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng và giá trị của cá ngừ với chi phí đầu tư thấp. Việc sản phẩm có cơ hội thương mại hóa sẽ là động lực để chúng em tiếp tục phát huy với tinh thần khởi nghiệp cao nhất”.
Trước đó, tại Sự kiện “Diễn đàn Khoa học Công nghệ Lần thứ 3” và Startup 2 được tổ chức tại ĐH Duy Tân, các thành viên trong nhóm HQT đã tham dự sân chơi Khởi nghiệp với sự góp mặt của nhiều đội chơi đến từ các trường đại học trên địa bàn TP Đà Nẵng. Sinh viên Lê Quang Thành thuộc nhóm IWRobot đã giành giải nhất với sản phẩm “Robot kiểm tra mối hàn vỏ tàu” và sinh viên Lê Nhật Hưng thuộc nhóm SmartGlasses đã giành giải nhì với sản phẩm “Kính dành cho người khiếm thị”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận