19/05/2006 21:20 GMT+7

Sang Anh tìm tấm bản đồ cổ mang hai chữ Việt Nam

PHÙNG NGUYÊN
PHÙNG NGUYÊN

TTCT - “Việt Nam địa dư đồ” là một tấm bản đồ cổ do tác giả Trung Quốc Xa Khâu Từ Diên Húc ở đời Thanh biên soạn.

vkMP50S9.jpgPhóng to
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải và cuốn sổ chép lại “VN địa dư đồ” ở Bảo tàng London

Tấm bản đồ này chứa đựng những giá trị lịch sử rất quí bởi trong đó lần đầu tiên đất nước láng giềng khổng lồ phương Bắc dùng hai chữ VN để gọi tên nước ta.

Nhưng chẳng hiểu lịch sử ba đào thế nào mà tấm bản đồ quí ấy lại lưu lạc tới tận trời Âu, yên vị tại thư viện Vương quốc Anh.

Vừa đặt chân tới đất Anh, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải vội tìm đến ngay thư viện. “VN địa dư đồ” là một tài liệu được bảo quản cực kỳ cẩn thận, bên ngoài là một hộp giấy bọc vải lụa màu xanh nước biển, bên trong là tấm bản đồ giấy bản được bồi trên lụa. Tấm bản đồ với kích thước 103x62cm, cỡ tương đương mặt bàn uống nước, được gấp làm đôi, rồi gấp hai lần thành sáu.

Đối với những loại tài liệu này, bảo tàng qui định chỉ có thể ngồi đọc trước mặt thủ thư và không được mang máy ảnh hay camera vào. Phải dùng bút chì để ghi chép chứ không được sử dụng bút bi, bút mực bởi chỉ cần một chút mực dây vào có khi sẽ làm hỏng cả những nét vẽ, dòng chữ cổ từ hàng trăm năm trước.

Tấm bản đồ này được vẽ theo lối hiện đại, phía bắc ở trên, phía nam ở dưới, bên phải là phía đông, bên trái là phía tây. Bản đồ có những chi tiết ghi tất cả các tỉnh của nước ta vào thời Nguyễn lúc bấy giờ như Cao Bằng, Tuyên Quang, Sơn Tây, Quảng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Phú Xuân, Quang Ngãi, Biên Hòa, Gia Định... Đặc biệt, tác giả bản đồ đã vẽ một vòng tròn ở tỉnh Phú Xuân, tô đậm và viết “VN quốc kiến đô” (chỗ đóng đô của VN).

Chữ nhỏ, nét bút rất sắc. Chếch lên phía bên trái có dòng chữ “Nguyễn Quang Trung phụ tử cư” (Nơi ở của cha con Nguyễn Quang Trung). Sau đó, tác giả bản đồ lại đề “Thử Việt vương Nguyễn Phúc Ánh diệt chi, tọa đô thử” (Việt vương Nguyễn Phúc Ánh diệt họ rồi lấy đó làm kinh đô). Như vậy, những biến thiên lịch sử của thế kỷ 18 đã được phản ánh trong tấm bản đồ cổ của vương triều nhà Thanh, Trung Quốc.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, các đường biên giới phía bắc phân định Trung Quốc với VN gần giống với hiện đại. Riêng bờ biển không giống lắm. Trên vùng biển có hàng chữ rất quan trọng, phía đông nam của biển đề “Tiểu Trường Sa hải khẩu”, phía dưới lại đề “Đại Trường Sa hải khẩu”. Rõ ràng, lúc bấy giờ nhà Thanh coi như đã công nhận vùng biển đảo Hoàng Sa là của VN, vì theo một số nhà bản đồ học cổ, tiểu Trường Sa là chỉ Hoàng Sa, còn đại Trường Sa chỉ quần đảo Trường Sa hiện nay.

Tấm bản đồ còn có những dòng chú thích rất dài ghi “VN quốc toàn đồ thuật lược” (Lược thuật tóm tắt nguồn gốc bản đồ VN).

Trong gần hai ngày nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đã ngồi lì trong bảo tàng, trước mặt cô thủ thư người Anh chép lại bằng chữ Hán toàn bộ những dòng chữ ghi trong bản đồ và phần “thuật lược”. Đĩa CD scan tấm bản đồ đó sẽ gửi qua đường bưu điện về VN cho ông.

PHÙNG NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên