Người dân tiêm vắc xin AstraZeneca tại nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11, TP.HCM trưa 25-6 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tính từ 18h30 chiều 29-6 đến 6h sáng 30-6 có 94 ca mắc mới (BN16414 - BN16507), gồm 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Ninh Bình và 93 ca ghi nhận trong nước.
Cụ thể tại TP.HCM ghi nhận 62 ca, Phú Yên (21), Nghệ An (4), Bắc Giang (3), Bình Định (3); trong đó 87 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
62 ca (BN16446 - BN16507) ghi nhận tại TP.HCM gồm 51 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly, 3 ca liên quan đến chợ Sơn Kỳ (Q.Tân Phú), 1 ca liên quan đến Khu công nghiệp Tân Phú Trung, 1 ca liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng, 6 ca đang điều tra dịch tễ.
21 ca (BN16425 - BN16445) ghi nhận tại tỉnh Phú Yên là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa. Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính ngày 28-6, các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Trung tâm Y tế thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
3 ca (BN16419 - BN16421) ghi nhận tại tỉnh Bình Định có tiền sử đi về từ Quảng Ngãi đã chủ động khai báo y tế và được cách ly. Sau kết quả xét nghiệm dương tính ngày 28-6, các ca này hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
4 ca (BN16417 - BN16418, BN16422 - BN16423) ghi nhận tại tỉnh Nghệ An là các trường hợp F1, đã được cách ly.
3 ca (BN16414 - BN16415, BN16424) ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang là các trường hợp trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa.
Tính đến 6h ngày 30-6, Việt Nam có tổng cộng 14.717 ca ghi nhận trong nước và 1.790 ca nhập cảnh. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27-4 đến nay là 13.147 ca, trong đó có 3.990 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 14 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng: Yên Bái, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Bạc Liêu, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nam.
Có 10 tỉnh thành không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Nam Định, Quảng Nam, Trà Vinh, Bắc Kạn, Gia Lai, An Giang, Kiên Giang, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đắk Lắk.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Rút kinh nghiệm sơ bộ về công tác xét nghiệm
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 - vừa có công văn về việc đánh giá, rút kinh nghiệm sơ bộ về công tác xét nghiệm của một số địa phương từ khi có đợt dịch lần thứ 4 xuất hiện tới nay.
Văn bản nêu rõ các địa phương cần tăng cường công tác chủ động phòng, chống dịch, quán triệt phương châm "4 tại chỗ", đặc biệt là năng lực, công tác tổ chức xét nghiệm; thực hiện xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng (lấy mẫu gộp cho từng nhóm với tần suất, quy mô phù hợp), đặc biệt ở các cơ sở y tế, chợ, bến xe và các địa điểm, cơ sở đông người; bám sát tình hình, có giải pháp truy vết, cách ly, khoanh vùng nhanh, hiệu quả ngay từ đầu.
Đội ngũ y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 - Ảnh: TTO
Lực lượng chức năng đặc biệt chú ý chỉ đạo công tác xét nghiệm trong trường hợp dịch bệnh lây lan, phải tổ chức nhiều mũi lấy mẫu, nhiều đơn vị tham gia lấy mẫu, xét nghiệm; tuyệt đối tránh tình trạng lấy nhiều mẫu nhưng không đồng bộ với các khâu khác; bất cập trong ghi tên, ghi mã số mẫu và khớp tên sau khi xét nghiệm… dẫn tới mẫu được xét nghiệm chậm, xét nghiệm nhưng trả kết quả xét nghiệm chậm, thậm chí trả sai kết quả hoặc không trả được kết quả xét nghiệm (thực tế có nơi phải hủy mẫu do lấy quá lâu không xét nghiệm được). Kết quả xét nghiệm phải được thông tin đầy đủ ngay cho các địa phương liên quan để tổ chức truy vết.
Bộ Y tế rà soát lại các quy định, hướng dẫn, có sửa đổi, bổ sung, tập huấn (nếu cần thiết) để nâng cao hiệu quả xét nghiệm; khẩn trương đưa các giải pháp xét nghiệm mới để giảm thời gian, chi phí xét nghiệm.
Bộ Thông tin và truyền thông chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện phần mềm và công cụ công nghệ thông tin hỗ trợ công tác xét nghiệm, truy vết… đã được Ban Chỉ đạo quốc gia giao, sớm đưa vào sử dụng để hỗ trợ các địa phương đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.
Biến thể Delta đe dọa các nước
Tình hình dịch bệnh trên thế giới đang trở nên ngày càng phức tạp với số ca nhiễm biến thể Delta (phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ) tăng mạnh.
Ở khoa cấp cứu chữa trị bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện công ở thủ đô Jakarta (Indonesia) ngày 29-6 - Ảnh: REUTERS
Theo nghiên cứu của Anh, vắc xin của Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả 88% trong phòng ngừa biến thể Delta nếu tiêm đủ 2 liều, nhưng nếu tiêm một liều chỉ đạt hiệu quả 33%.
Thống kê của trang covSpectrum cho thấy biến thể Delta tiếp tục lây lan mạnh và hiện chiếm 35,6% số ca mắc trong 2 tuần qua ở Mỹ. Giới chuyên gia cảnh báo những người chưa tiêm vắc xin (vaccine) ngừa COVID-19 có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2, đặc biệt là biến thể Delta.
Pháp thông báo biến thể Delta hiện là nguyên nhân gây ra khoảng 20% số ca mắc mới ở nước này, tăng so với tỉ lệ 9-10% số ca mắc được ước tính vào tuần trước. Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cảnh báo tương tự các quốc gia khác trên thế giới, biến thể Delta đang dần trở nên áp đảo tại nước này vì đặc tính dễ lây lan hơn so với các biến thể khác.
Đức cũng cho biết các ca mắc mới biến thể Delta đã tăng hơn gấp đôi trong hơn một tuần qua. Việc biến thể mới này lây lan mạnh trên thế giới đã khiến một số quốc gia buộc phải tái áp đặt một số biện pháp hạn chế đi lại.
Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cảnh báo sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trong thời gian gần đây đang đẩy Indonesia bên bờ vực của một "thảm họa", khi biến thể Delta đang lây lan mạnh tại nước này khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Indonesia ghi nhận thêm 20.467 ca mắc mới và 463 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 2.156.465 ca và 58.024 ca tử vong.
Tại Hàn Quốc, do lo ngại gia tăng về sự lây lan của biến thể Delta, Trung tâm An toàn và đối phó với thảm họa của nước này (CDSCH) đã công bố danh sách 21 quốc gia không được miễn cách ly 14 ngày, kể cả khi người nhập cảnh từ các nước này đã được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ. Trong số các nước này có Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Indonesia, Philippines, Nam Phi...
Campuchia đến nay phát hiện 22 ca nhiễm biến thể Delta. Nước này ngày 29-6 cũng có thêm 723 ca mắc COVID-19 và 19 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 49.255 ca và 575 ca tử vong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận