Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một lần khảo sát đê bao ngăn mặn tại thị xã Vị Thanh (Hậu Giang) - Ảnh: CHÍ QUỐC
Theo kế hoạch của Bộ Tài nguyên và môi trường thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được phát đi, hội nghị "Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu" sẽ được diễn ra trong ngày 26 và 27-9 tại TP Cần Thơ.
Hiệu triệu các tư tưởng lớn giúp Chính phủ
Đặc biệt là sự tham gia của rất nhiều tổ chức quốc tế đến từ Hà Lan, Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc… cùng nhiều đại diện các định chế tài chính quốc tế và tổ chức quốc tế là đối tác phát triển chính cho ĐBSCL như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại VN (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB)...
Theo Bộ Tài nguyên - môi trường (cơ quan được giao chủ trì tổ chức hội nghị), đây được xem là "hội nghị Diên Hồng" về ĐBSCL, nhằm hiệu triệu các tư tưởng lớn giúp Chính phủ VN và các địa phương vùng ĐBSCL xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững cho vùng này tầm nhìn đến năm 2100.
Ngoài ra còn thảo luận về cơ chế điều phối hiệu quả cho việc thực hiện các hoạt động có quy mô lớn, mang tính chất liên vùng và liên ngành tại ĐBSCL; xác định nhu cầu nguồn lực cho việc chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL; các giải pháp huy động từ các nguồn khác nhau bao gồm cả ngân sách nhà nước, nguồn hỗ trợ quốc tế và sự tham gia của khối tư nhân, cơ chế điều phối nguồn lực phù hợp để thực hiện chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cuộc sống người dân ĐBSCL trở nên khó khăn hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Người dân ở huyện Hòn Đất (Kiên Giang) mót lúa vì thất mùa trong đợt hạn mặn cuối năm 2015 đầu năm 2016 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Mổ xẻ nhiều vấn đề "nóng" ở ĐBSCL
Nội dung của hội nghị là đánh giá tổng quan về các thách thức mà ĐBSCL gặp phải trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay tới năm 2100, trong đó đặc biệt là các thách thức xoay quanh việc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; nhận định về các cơ hội mở ra cho phát triển bền vững ĐBSCL...
Ngoài ra, còn có hàng loạt định hướng gồm: định hướng xây dựng quy hoạch tích hợp phát triển kinh tế - xã hội vùng này phù hợp với quy luật tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu; định hướng về giải pháp hạ tầng thủy lợi ĐBSCL, các dự báo về việc sử dụng nước xuyên biên giới và quy hoạch tích hợp ĐBSCL.
Đặc biệt, các vấn đề đang "nóng" ở ĐBSCL như sạt lở bờ sông, bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn, hạ tầng giao thông vận tải, nguồn nhân lực cho vùng trong điều kiện biến đổi khí hậu… cũng sẽ được đưa ra bàn thảo về định hướng và giải pháp.
Hội nghị sẽ có ba phiên thảo luận chính, trong đó ngày đầu tiên (26-9) sẽ diễn ra các hoạt động chuyên đề gồm: Tổng quan về thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL (do Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì); Quy hoạch tích hợp, phát triển hạ tầng và cơ chế điều phối vùng (do Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì); Chuyển đổi sinh kế bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai, sạt lở do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì.
Ngày hội nghị thứ hai (27-9), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì phiên họp toàn thể để lắng nghe, xem xét kết luận về những giải pháp tổng thể có tầm nhìn chiến lược cũng như giải pháp cụ thể về mô hình phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL.
Ứng phó biến đổi khí hậu còn rời rạc, đơn lẻ
Theo thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về công tác tổ chức hội nghị nêu trên do Văn phòng Chính phủ phát đi vào ngày 11-9, Thủ tướng kết luận ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm, vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn nhất cả nước.
Khu vực này đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, trong đó đáng kể nhất là tác động của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông, lâm, thủy sản cũng như ảnh hưởng đến phát triển ổn định, bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường, đe dọa trực tiếp đến sinh kế, đời sống người dân vùng ĐBSCL.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận