Một chung cư trên địa bàn huyện Nhà Bè (TP.HCM) lập vùng xanh phòng chống COVID-19 lây lan cộng đồng, sáng 1-8 - Ảnh: TỰ TRUNG
Bản tin 6h sáng ngày 2-8 của Bộ Y tế cho biết trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.201 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 3.198 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (1.997), Bình Dương (496), Đồng Nai (189),
Cần Thơ (119), Tiền Giang (79), Đà Nẵng (76), Vĩnh Long (50), Hà Nội (46), Bình Thuận (46), An Giang (17), Kiên Giang (17), Bình Định (14), Ninh Bình (13), Đồng Tháp (11), Đắk Nông (10), Nghệ An (8), Thanh Hóa (4), Hà Tĩnh (3), Lâm Đồng (2), Gia Lai (1), trong đó có 976 ca trong cộng đồng.
Đây là ngày đầu tiên trong khoảng 10 ngày qua, số mắc trong kỳ thông báo buổi sáng của Bộ Y tế, số mắc mới tại TP.HCM xuống dưới 2.000 ca. Tính chung số mắc mới tại TP.HCM đã giảm dần trong tuần vừa qua.
Tính đến sáng ngày 2-8, Việt Nam có 157.507 ca nhiễm, trong đó có 2.265 ca nhập cảnh và 155.242 ca mắc trong nước.
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ ngày 27-4 đến nay là 153.672, trong đó có 40.383 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 4/63 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn.
Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định.
Bộ Y tế cho biết trong ngày có gần 209.160 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là gần 6.415.220 liều, trong đó tiêm 1 mũi là trên 5.756.150 liều, tiêm mũi 2 là trên 659.060 liều.
Về phân bổ vắc xin, đến ngày 31-7, TP.HCM đã được phân bổ 3 triệu liều, ước tương đương khoảng 22,3% nhu cầu tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên của TP, đạt tỉ lệ phân bổ cao nhất cả nước đến thời điểm này.
Ngày 31-7, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long làm trưởng đoàn tới làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang về công tác phòng chống dịch, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn.
Sáng 1-8, Bệnh viện K tổ chức lễ xuất quân đoàn công tác chi viện các tỉnh thành phía Nam phòng chống dịch COVID-19. Đoàn có 11 y bác sĩ đều thuộc chuyên khoa hồi sức tích cực sẽ làm việc tại Đồng Nai. Trước đó, ngày 27-7 đã có 28 y bác sĩ Bệnh viện K chi viện cho TP.HCM.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TP.HCM ưu tiên tiêm vắc xin cho người dân khu vực phong tỏa
Ngày 1-8, Sở Y tế TP.HCM có văn bản khẩn về việc triển khai tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong giai đoạn hiện nay để đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho người dân thành phố, đảm bảo độ bao phủ vắc xin trên địa bàn.
Theo đó, đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện lập danh sách tiêm chủng cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi cư trú trên địa bàn, phân nhóm theo đối tượng ưu tiên lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người nghèo yếu thế, người dân trong khu vực phong tỏa.
Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường tổ chức các điểm tiêm cố định, mỗi phường, xã tổ chức 3-4 điểm tiêm cố định thay vì 2 điểm tiêm như trước đây, đồng thời tổ chức các điểm tiêm tại các cơ sở y tế công lập (bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế) và cơ sở y tế tư nhân (các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, phòng khám đa khoa).
Ngoài ra, tổ chức các đội tiêm lưu động hoặc cơ động hơn là các xe tiêm lưu động trên địa bàn ở các khu dân cư để phục vụ cho các khu phố, tổ dân phố tại nhà, đảm bảo những người lớn tuổi, đối tượng người nghèo yếu thế, người dân ở các khu vực phong tỏa được tiêm chủng đầy đủ.
Thời gian tiêm có thể kéo dài sau 18h tùy theo nhu cầu và thực tiễn tiêm ở mỗi địa phương, không giới hạn số lượng tiêm trong một ngày tiêm cho mỗi đội, có thể hơn 200 người nếu đảm bảo được giãn cách và theo dõi chăm sóc sau tiêm.
Tại các khu phong tỏa, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng.
T.DƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận