20/07/2019 08:02 GMT+7

Sản xuất ở nước ngoài nhưng nhập về ghi sẵn 'made in Vietnam'

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Nhiều hàng hóa được sản xuất ở nước ngoài, khi nhập về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ 'made in Vietnam', 'sản xuất tại Việt Nam', 'xuất xứ Việt Nam' để đánh lừa người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu sang Mỹ, EU... để hưởng ưu đãi thuế.

Sản xuất ở nước ngoài nhưng nhập về ghi sẵn made in Vietnam - Ảnh 1.

Da giày và dệt may nằm trong 15 nhóm hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ, các nước “mượn” Việt Nam làm nơi trung chuyển để lẩn tránh thuế - Ảnh:T.V.N.

Ông Âu Anh Tuấn, quyền cục trưởng Cục giám sát quản lý hải quan (HQ), Tổng cục HQ, đã cho biết như vậy tại cuộc họp báo về công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ của ngành HQ vào chiều 19-7. 

Theo ông Tuấn, qua công tác kiểm tra, giám sát, quản lý, cơ quan HQ đã phát hiện nhiều doanh nghiệp (DN) có phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa với hàng hóa gian lận đa dạng từ bút bi, khóa, gạch ốp lát, gỗ ép...

Có nhiều hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài hoặc không thể hiện nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa. Tuy nhiên, khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa, doanh nghiệp thay nhãn mới ghi "made in Vietnam" hoặc "sản xuất tại Việt Nam" hoặc "xuất xứ Việt Nam"... Đây là hành vi lừa dối người tiêu dùng!

Ông Âu Anh Tuấn, quyền cục trưởng Cục giám sát quản lý hải quan

Gắn mác hàng Việt, đánh lừa người tiêu dùng

Theo ông Âu Anh Tuấn, nhiều loại hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài nhưng khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ "made in Vietnam", có nhiều lô hàng nhập khẩu về Việt Nam ghi "sản xuất tại Việt Nam", "xuất xứ Việt Nam"... hoặc trên sản phẩm và/hoặc bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở DN, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu.

Cũng theo ông Tuấn, có DN thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước nhằm đánh lừa người tiêu dùng hoặc xuất khẩu.

Ông Nguyễn Phi Hùng - cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục HQ - dẫn chứng Công ty TNHH xuất nhập khẩu Trần Vượng (TP.HCM) khai báo HQ là loa kết hợp với máy ghi và tái tạo âm thanh, hàng mới 100% có xuất xứ Trung Quốc, trị giá hàng hóa là 10.217 USD, tương đương 238.880.655 đồng. 

Nhưng khi kiểm tra, cơ quan HQ phát hiện có 600 loa thùng kéo và 1.200 micro với thùng cactông và micro có ghi tiếng Việt, nội dung: Loa NANOMAX; Công ty CP xây dựng và điện tử Sơn Tùng (Tân Phú - TP.HCM; made in Việt Nam).

Chúng tôi đã ban hành quyết định khởi tố hình sự với Công ty Trần Vượng về tội buôn lậu. Vụ án này đã được cơ quan HQ bắt giữ từ năm 2018, sau đó có bàn bạc rất kỹ với Viện KSND tối cao để tiến hành xem xét đánh giá hành vi vi phạm của DN. Hàng hóa đặt ở Trung Quốc, sản xuất ở Trung Quốc nhưng đã có các hành vi lợi dụng để nhập hàng vào Việt Nam, giả mạo xuất xứ hàng Việt.

Ông Nguyễn Phi Hùng - cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu

Nhiều nguy cơ bị đưa vào "danh sách đen"

Ông Tuấn cũng cho biết qua kiểm tra, giám sát, cơ quan HQ "khoanh vùng" 15 nhóm hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ. Đó là nhóm dệt may; da giày và túi xách; máy vi tính; điện tử và linh kiện; điện gia dụng và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhôm; sắt thép và các sản phẩm sắt thép; xe đạp, xe đạp điện và linh kiện của xe đạp; gỗ và các sản phẩm gỗ...

"Bởi các nhóm hàng gia tăng đột biến về kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu sang thị trường như Mỹ. Do đó, chúng tôi đưa vào nhóm hàng rủi ro cao" - ông Tuấn giải thích. 

Cũng theo ông Tuấn, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ tăng đột biến, đạt trị giá xuất khẩu 22,72 tỉ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện tăng mạnh nhất 92%, đạt 3,7 tỉ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,79 tỉ USD (tăng 72%)... 

Đây là những mặt hàng nằm trong nhóm hàng mà Việt Nam nhập khẩu mạnh từ Trung Quốc. Dự báo 6 tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ vẫn tăng và tiềm ẩn nguy cơ bị đưa vào diện kiểm soát và áp thuế phòng vệ thương mại.

Ông Nguyễn Phi Hùng khuyến cáo rằng các nước đã có những chính sách thay đổi lớn như tăng thuế, áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước. 

Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) nên nguy cơ hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo hợp thức hóa xuất xứ Việt Nam, sau đó xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản... để lẩn tránh mức thuế suất cao.

"Hành vi này dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam, mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này nếu bị nước nhập khẩu phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại" - ông Tuấn cảnh báo.

Công ty Sơn Tùng nói gì?

Cùng ngày, trả lời Tuổi Trẻ liên quan đến lô hàng 600 loa thùng kéo và 1.200 micro nhập từ Trung Quốc nhưng gắn mác hàng Việt với nội dung "Loa NANOMAX; Công ty CP xây dựng và điện tử Sơn Tùng (Tân Phú - TP.HCM); made in Việt Nam", do Công ty TNHH XNK Trần Vượng nhập khẩu, ông Nguyễn Văn Chương - giám đốc Công ty CP xây dựng và điện tử Sơn Tùng - cho biết Công ty Trần Vượng chào bán các mặt hàng này và DN đồng ý, nhưng sau đó lô hàng này bị HQ tạm giữ.

Giải thích về việc chỉ mới chào hàng nhưng Công ty Trần Vượng lại nhập về đến 600 sản phẩm loa kéo và đều ghi thương hiệu NANOMAX, ông Chương nói: "Công ty đó chủ động làm như thế để tạo ấn tượng cho tôi, chứ nó đâu báo cho tôi nó sẽ làm sẵn như vậy đâu".

Vì sao Công ty Sơn Tùng có hợp đồng ủy thác cho Công ty Trần Vượng nhập mặt hàng này?

Ông Chương cho rằng mục đích chỉ để giúp Công ty Trần Vượng giải quyết các thủ tục, nhanh được lấy hàng về sau khi bị HQ thu giữ hàng. "Giấy ủy quyền tôi không đọc, tôi cứ nghĩ là mình quen thì ký cho nó, nó lấy hàng ra thôi. Tôi hoàn toàn không biết gì về Công ty Trần Vượng" - ông Chương nói.

Dù trên thị trường hiện nay bán nhiều loại loa kéo di động dùng pin, ghi nhãn hiệu NANOMAX, model SK-15A2 nhưng ông Chương cho biết Công ty Sơn Tùng không thể sản xuất các loại loa kéo dùng pin này mà chỉ mua bên ngoài rồi bán lại. Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, loa kéo model SK-15A2 mà DN này đang bán trên thị trường cũng trùng khớp với model và kiểu dáng của 600 loa mà phía HQ thu giữ.

NGỌC HIỂN

Vụ Asanzo: Tổng cục Hải quan vẫn đang điều tra

lanhdaohaiquan

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan trả lời thông tin liên quan đến các vụ gian lận xuất xứ tại buổi họp báo - Ảnh : L.THANH

Về vụ việc Công ty Asanzo, tại cuộc họp báo, ông Âu Anh Tuấn cho biết cơ quan HQ đã thành lập đoàn kiểm tra sau thông quan DN này và các DN liên quan nhập các linh kiện về bán lại cho Asanzo. Kết quả sẽ được báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng.

Trả lời câu hỏi về việc Asanzo nhập khẩu thiết bị linh kiện điện tử, hàng hóa Trung Quốc về gắn nhãn mác Việt Nam có sai hay không? Ông Tuấn cho biết còn nhiều vấn đề cần làm rõ.

Tại nghị định 43 của Chính phủ có quy định ghi nhãn mác "made in Vietnam", nhưng nghị định 31 năm 2018 chỉ ghi tiêu chí xuất xứ để xác định nhãn mác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chưa có đối với hàng hóa lưu thông trong thị trường nội địa.

Trường hợp DN nhập nguyên chiếc bếp từ, nồi cơm điện, bàn ủi từ Trung Quốc, sau đó ghi nhãn mác "made in Vietnam" là hoàn toàn sai.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thu Nhiễu - phó cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục HQ) - cho biết cơ quan HQ có được danh sách 51 DN đầu vào bán hàng, linh kiện cho Asanzo do báo Tuổi Trẻ và Bộ Công an chuyển sang.

Tuy nhiên, quá trình xác minh có sự trùng lắp giữa 2 danh sách này, còn lại 31 DN. Trong số này có 3 DN không còn hoạt động và bị cơ quan công an khởi tố (Công ty Sa Huỳnh). Cơ quan này đã ban hành 27 quyết định kiểm tra các DN còn lại. Đến thời điểm này chưa có kết quả cuối cùng, dù một số công ty đã có kết quả sơ bộ.

Với 56 DN chuyên tiêu thụ hàng cho Asanzo, cơ quan này đã kiểm tra và xác định chỉ còn 16 DN đang hoạt động, 40 đơn vị đã ngừng hoạt động. "Quá trình xác minh, kiểm tra các DN này vẫn đang diễn ra, chưa có kết luận cuối cùng" - bà Nhiễu nói.

Phó thủ tướng: Thu hút FDI gắn với ngăn chặn đầu tư chui, gian lận xuất xứ

TTO - Cần phải thực hiện có hiệu quả đề án chống lẩn tránh thương mại, gian lận xuất xứ, đầu tư chui và núp bóng để hưởng ưu đãi xuất xứ gắn với thu hút đầu tư FDI chất lượng cao.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên