Hằng năm cung cấp hơn 2 tỷ con cá tra giống, khiến Đồng Tháp trở thành một trong những địa điểm cung cấp giống cá tra hàng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, tỉnh đang phối hợp với Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ thực hiện đề tài xây dựng mô hình sản xuất giống cá tra chất lượng cao theo hướng VietGAP, hiệu quả bền vững trên vùng nuôi cá tra giống tại huyện Hồng Ngự với kinh phí 1,8 tỷ đồng.
Để thực hiện đề tài, huyện Hồng Ngự đã chọn các hộ sản xuất cá tra bột, cá tra giống và các hộ ương nuôi tại xã Phú Thuận A, Phú Thuận B, vùng nuôi cá tra tập trung của huyện thực hiện theo quy trình công nghệ sản xuất đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả theo tiêu chuẩn VietGAP.
Thời gian thực hiện đề tài trong hai năm 2014-2015, với mục tiêu xây dựng 03 mô hình quản lý áp dụng thực hành tốt hơn cho trại sản xuất cá tra bột và ương cá giống, khai thác chất lượng đàn cá hậu bị do Bộ NN&PTNT chuyển giao cho địa phương trước đó, hướng tới tỷ lệ thành thục đạt trên 90%, tỷ lệ thụ tinh trên 80% và nở trên 75% và tỷ lệ sống sau 3 tháng ương nuôi đạt 25-30%. Trong suốt quá trình ương nuôi, không sử dụng hóa chất và kháng sinh cấm.
Cá tra giống huyện Hồng Ngự đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa độc quyền. Đây là nền tảng quan trọng để huyện Hồng Ngự nói riêng và toàn tỉnh Đồng Tháp nói chung tiếp tục phát huy - từng bước đồng bộ và nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra giống. Bên cạnh đó, để chuẩn hóa qui trình sản xuất ngay từ đầu vào, ngành nông nghiệp địa phương đã tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn cải tiến chất lượng cá bố mẹ.
Với sự hỗ trợ của các nhà khoa học, người nuôi cá tra giống huyện Hồng Ngự đã chuyển từ thế bị động sang chủ động và cho cá nhân giống theo ý muốn, làm chủ được công nghệ, từ 2-3 ngày có thể sản xuất được 100-200 nghìn cá tra bột. Đến nay, gần 50% các cơ sở sản xuất cá bột đã có được con giống tốt. Đây chính là một bước tiến dài của nghề nuôi cá tra giống ở huyện Hồng Ngự.
Vừa qua, tỉnh Đồng Tháp cũng đã quy hoạch diện tích mặt nước nuôi cá tra đến năm 2015 là 1.500 ha với sản lượng 370.000 tấn; đến năm 2020 là 2.000 ha và sản lượng 500.000 tấn. Vùng nuôi cá tra thương phẩm trên địa bàn Đồng Tháp tập trung ở khu vực ven sông Tiền và cù lao tại các huyện Thanh Bình, Châu Thành, Hồng Ngự, Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung, thị xã Hồng Ngự, thành phố Sa Đéc, thành phố Cao Lãnh. Đặc biệt là, các vùng nuôi cá tra nằm trong nội đồng gồm các huyện Tam Nông, Tân Hồng chỉ duy trì những ao nuôi đáp ứng điều kiện theo VietGAP, không phát triển thêm các ao nuôi mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận