02/06/2021 08:07 GMT+7

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 7: 'Trường làng' trong phố

PHÚC TIẾN
PHÚC TIẾN

TTO - Ai cũng có quê nhà, ai cũng có trường học đầu tiên. Nhưng mấy ai có được niềm vui ngỡ ngàng khi thấy những ngôi trường đầu đời của mình sau hơn 50 năm bể dâu vẫn còn đó.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 7: Trường làng trong phố - Ảnh 1.

Thầy và trò Trường tiểu học Phan Đình Phùng trước năm 1975 - Ảnh tư liệu

Những chú "gà con" đi học

Có lẽ "đám trẻ" U-60 xóm Bàn Cờ của tôi đều được hưởng may mắn ấy! Bởi hai ngôi trường "ngày xửa ngày xưa" là Trường mẫu giáo Minh Tâm và Trường tiểu học Phan Đình Phùng đến nay vẫn hoạt động. Cả hai ngôi trường cách nhau không xa và là một phần ký ức liền lạc, không thể thiếu của một xóm bình dân trong lòng một Sài Gòn nguy nga từ thế kỷ trước.

Tôi là chú "gà con", mỗi sáng ôm lưng mẹ trên yên xe đạp đến trường. Tôi có cái cặp nhỏ xíu đeo chéo áo, thích lắm. Bọn nhỏ xóm tôi cũng có những chiếc cặp tí hon bằng giấy cứng đủ màu như vậy. 

Chúng giống y chang cái hình trong sách dạy đánh vần: vẽ con gà be bé đeo cặp, đội lá sen vào lớp. Thay cho lá sen, tôi có chiếc nón mềm của mẹ cho nhưng thường quên đội. Nhà tôi trong hẻm 549 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), cứ sáng ra lại nghe chíu chít tiếng đàn "gà con" ở nhà này nhà kia: "Chào nội, chào ngoại, chào ba má, con đi học".

Ngày ấy, nhà phố hai bên đường phần lớn là "nhà cây" - nhà gỗ nhỏ hẹp, vừa là nơi ở vừa là cửa tiệm các loại. Còn Trường Minh Tâm lại là khu nhà lớn giữa phố Nguyễn Thiện Thuật, ngay sát một con hẻm dẫn vào chợ Bàn Cờ. 

Tôi nhớ lúc đầu phần lớn trường là nhà gỗ, nhưng vài năm sau đã hóa thành nhà xây mấy tầng. Cổng vào của trường có hai cánh cửa sắt sơn màu xanh lá cây luôn mở rộng khi đón học trò vào.

Các cô giáo mặc áo dài đủ màu, vẻ mặt tươi vui đứng bên cửa tiếp nhận lũ "gà con". Sân trường, trong mắt chúng tôi thuở ấy, rộng mênh mông và "ăn đứt" đường đi trong các con hẻm. Dường như sân trường ban đầu lót gạch Tàu, về sau tráng ximăng láng coóng, là nơi lũ trẻ tha hồ chạy nhảy và giành nhau cái xích đu.

Tôi nhớ đám "gà con" có đủ con trai, con gái, phải đến 20 đứa. Ấn tượng nhất là một chàng "cao kều" hay mặc bộ bà ba trắng, trông như "ông hội đồng" trong kịch trên tivi. Thêm một bạn nữa "phì lũ", dáng to mập nhưng hiền khô. Lớn lên đi chợ Bàn Cờ, tôi vẫn thấy "phì lũ" trông hàng tạp hóa cho nhà mình. 

Thời đó, đám "gà con" đến lớp đều đi guốc, ai sang lắm mới đi dép nhựa. Con trai mặc áo vải cộc tay và quần "xà lỏn". Bọn con gái phần nhiều mặc áo bà ba hay áo cổ lá sen, quần vải bông hay quần đen bóng như các bà, các chị trong xóm. Hết thảy học trò của trường đều là dân chợ Bàn Cờ hay quanh đấy.

Tôi rất tiếc chỉ nhớ mài mại cô mẫu giáo của mình có lẽ bằng tuổi mẹ tôi cỡ 40, mập mạp và phúc hậu. Cô dạy chúng tôi học vần, làm toán, tô màu, tập hát và cả chơi bóng ngoài sân nữa. Tuy nhiên, người tôi nhớ nhất ở Trường Minh Tâm lại là "Bà Đốc"! (mọi người đều gọi bà đầy kính trọng như thế). 

Chắc bà là hiệu trưởng hoặc là người quản lý trường. Bà có mái tóc hoa râm, người nhom nhom, gương mặt nghiêm nghị. "Bà Đốc" luôn mặc áo dài màu sáng, thường đứng ở sân trường chào đón và quan sát đám "gà con" vào học hay ra chơi. Học trò lười biếng hoặc gây lộn nhau, làm lỗi gì đấy, đều phải lên gặp "Bà Đốc". 

Không cần roi vọt, nhìn dáng vẻ đầy "uy quyền" của bà, bọn "gà con" chúng tôi lập tức trở nên ngoan ngoãn.

Trường Minh Tâm chính ra là trường tiểu học tư thục nhưng mở thêm mẫu giáo. Học phí của trường thuộc loại "bình dân", thua xa trường tư kiểu Tây như Aurore (Rạng Đông) hay Collete trong quận ba. Trường còn nổi tiếng về kỷ luật, có lẽ qua truyền thuyết về "Bà Đốc"! Cho nên, bà con khu lao động Bàn Cờ, Vườn Chuối, Ngã Bảy đều ưng gởi con cháu vào học.

Sau tháng 4-1975, Trường Minh Tâm trở thành trường công. Hiện trường là một trong nhiều cơ sở của Trường Mầm Non 3. Bây giờ mỗi lần đi qua trường, đám "gà con" ngày ấy chắc không khỏi bùi ngùi khi không còn thấy cái tên Minh Tâm. Không biết "Bà Đốc" và thầy cô xưa, bạn bè cũ bây giờ ở đâu rồi?

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 7: Trường làng trong phố - Ảnh 2.

Đàn "gà con" hồn nhiên, ngoan học ngày ấy - Ảnh tư liệu

Ngôi trường tung cánh bướm

Sau mẫu giáo Minh Tâm, chúng tôi chuyển lên bậc tiểu học ở Trường Phan Đình Phùng. Nói vui, không hiểu vì sao "số phận" trường gắn với số 3?

Đầu tiên, đó là trường học "3 ca" - vì sỉ số rất lớn nên trường phải chia học sinh làm 3 nhóm để đi học vào 3 khoảng thời gian khác nhau trong ngày. Kế đến, trường có đến 3 khu phòng học riêng rẽ. Khu chính bao gồm 3 dãy phòng học một tầng, lợp mái tôn fibro, vây quanh sân cờ hình chữ U. 

Đến khoảng năm 1972, dãy phòng học bên trái được xây cất mới thành nhà 3 tầng (lại số 3) khang trang hơn hẳn. Khu phòng học cuối có vẻ "ọp ẹp" nhất vì là nhà gỗ hai tầng, nằm trong một con hẻm nhỏ bên hông trường chính. 

Trường nằm trong hẻm lớn số 491 đường Phan Đình Phùng, phía đối diện với đường Bàn Cờ. Gần đây, xem báo cũ, tôi mới biết Trường Phan Đình Phùng và đường Bàn Cờ đều có chung "khai sanh" vào năm 1957, nghĩa là sắp 65 năm rồi đó!

Tôi học lớp một ở khu thứ 2, còn lớp nhì - ba - tư đều ở khu thứ 3. Tại khu này, tôi có một năm lớp ba nếm mùi "ca trưa" - đi học từ 10 giờ sáng đến khoảng 2 giờ chiều. Học ca này, học trò vừa dễ đói bụng vừa hay buồn ngủ. 

Lại thêm hơi nóng từ mái tôn tỏa xuống nên học trò ở các phòng trên lầu đều bị gọi đùa là dân "heo quay". Nói thế nhưng ba năm học ở khu "ọp ẹp" vẫn đem cho tôi nhiều kỷ niệm vui buồn, trong đó có chuyện cái lan can của cầu thang gỗ dẫn lên lầu. 

Đấy là nơi bọn tôi biến thành "cầu tuột" để thi nhau trượt nhanh nhất, vào giờ ra chơi hay giờ về! Và rồi sau đấy cả bọn thường xuyên bị thầy giáo và bác lao công đét roi đến phát khóc.

Các thầy ở lớp hai và lớp ba đều lớn tuổi, cử chỉ khoan thai nhưng lời nói rắn rỏi. Nhất là khi dạy chúng tôi về Việt Sử, Cách Trí ( môn khoa học và vệ sinh phổ thông ). Tôi không quên thầy lớp hai là người đầu tiên dạy chúng tôi về quan niệm quân - sư - phụ của Khổng giáo. 

Thầy còn giảng giải nguồn gốc miền Nam xưa, tên Sài Gòn do đâu, Phan Đình Phùng và Cao Thắng là ai? Còn thầy lớp ba luôn nhắc học trò ra đường phải mặc quần áo tề chỉnh, đi đường gặp đám tang phải đứng lại, bỏ nón, tỏ lòng cảm thông.

Sang lớp năm là lớp chót, chúng tôi được ưu tiên chuyển qua học ở khu nhà ba tầng mới xây, "oách nhất". Lúc này, chúng tôi đã lớn ti tí, bắt đầu "thẹn thùng" với con gái. Mỗi lần thầy lớp Năm la rầy, kể cả phạt roi, học trò không làm bài hay "đánh lộn" mà có nữ sinh của lớp con gái bên cạnh bước vào hay đi ngang qua thì "đương sự" cảm thấy "quê một cục"! 

Trường Phan Đình Phùng là tiểu học công lập, nhà nào có con đến tuổi đều được đi học miễn phí. Thuở lớp một, lớp hai thỉnh thoảng lại có xe nhà nước đem sữa cho học sinh uống tại chỗ.

Viết đến đây, tôi lại nhớ bài hát Kìa con bướm vàng quen thuộc ở mẫu giáo và tiểu học (bài hát phỏng theo bài Frere Jacques của Pháp ). Ôi chao, những ngôi trường đầu đời, dù trong cảnh sắc nào cũng cần thực sự là một không gian hay đẹp cho học trò - những cánh bướm "xòe đôi cánh" tung bay cả trong hiện tại và tương lai.

Trường chúng tôi chỉ là "trường làng", không có nhà cửa và phương tiện giàu sang. Vậy mà năm nào học sinh Trường Phan Đình Phùng cũng trúng tuyển khá nhiều vào các trường trung học lớn nhất nhì Sài Gòn như Petrus Ký, Gia Long, Chu Văn An, Trưng Vương… Có lẽ đó chỉ là một trong những điều mà thầy cô và học trò chúng tôi hãnh diện.

Thoáng đã 20 năm, trường làng quê Đông Sơn (Thanh Hóa) của tôi khi đó chưa biết đến học thêm là gì. Thầy cô mới bắt đầu nhắc học thêm giúp kiến thức chuyên sâu và giải toán nâng cao. Những lời bổ ích đó được mấy đứa học trò ham vui hơn ham học lắng nghe.

Kỳ tới: Cú đập vai nhớ đời

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 6: Giảng đường trong cõi mộng và cơn đói Sân trường kỷ niệm - Kỳ 6: Giảng đường trong cõi mộng và cơn đói

TTO - Ngay năm đầu của thời sinh viên, hoàn cảnh thiếu thốn khiến tôi loay hoay với những tính toán thực tế nhiều hơn là chăm chút cho sự lãng mạn.

PHÚC TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên