28/05/2021 13:30 GMT+7

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 2: Nhớ lắm, ngôi trường đất miệt bưng biền

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Hằng năm cứ vào đợt những trận mưa đầu mùa tầm tã giội xuống miệt đất bưng biền nghèo khó huyện Đức Huệ, Long An là tôi biết hè đã đến rồi.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 2: Nhớ lắm, ngôi trường đất miệt bưng biền - Ảnh 1.

Nhóm bạn học trò nghèo năm nào. Tấm hình hiếm hoi vì chụp hình thuở đó là “quá xa xỉ” - Ảnh: THANH TUẤN

Mùa học trò phập phồng chờ những con số chấm điểm màu đỏ trên bài thi. Mùa của hồn nhiên chơi đùa suốt cả ba tháng hè mà không hề bận bịu chuyện học thêm như bây giờ. Nhưng đó cũng là mùa của xa cách, nhớ nhung trường lớp, bạn bè và cả cái sân trường quê đẫm bùn đất.

Sân trường đất rộn tiếng cười vui

Đó là năm 1989, đất nước sang trang đổi mới nhưng cái nghèo vẫn hiện diện ở khắp mảnh đất phèn chua, cây lúa còi cọc giữa ngút ngàn rừng tràm quê tôi. Ngôi trường cấp II tôi học có cái tên ngồ ngộ Bình Hòa Bắc trùng với tên xã, mà sau tôi biết chữ Bắc được đặt là để phân biệt với một ngôi trường và xã khác mang tên Bình Hòa Nam.

Sau này được lên TP.HCM học cấp III, đại học ở trường xây khang trang, rồi nghề nghiệp cầm bút cho tôi nhiều dịp vào các trường học trên các miền đất nước, nhưng tôi vẫn nhớ mãi ngôi trường thân thương của mình. Ngôi trường đúng nghĩa bằng đất với đường đất, sân đất, nền đất và cả vách lớp cũng bằng đất. Ban đầu, một số mái lớp còn lợp bằng lá cỏ bàng, dần mới được thay mái tôn.

Có biết bao ký ức về ngôi trường của thời hoa niên nghèo khó, nhưng hình ảnh tôi không thể quên được chính là sân trường. Vì ở quê nên trường tôi ngày ấy có đến hai cái sân. Một cái sân bóng rộng mênh mông phía sau trường và một cái sân trung tâm giữa các dãy lớp. Và tất nhiên sân nào chỉ là nền đất, thậm chí sân bóng còn có cả những... vũng trâu đằm vì mùa hè vắng học sinh, người dân thả trâu vào ăn cỏ. 

Tôi còn nhớ những trận mưa đầu mùa cuối tháng 5 như thế này, thi thoảng những đứa học sinh tinh nghịch như chúng tôi còn bắt được cả con cá rô lội ngược nước lên bãi cỏ sân bóng. Trò chơi bắt cá như không thể có gì thú vị hơn với đám học trò miệt bưng biền.

Khi tôi vào lớp 1 năm 1981, ngôi trường Bình Hòa Bắc đã có rồi. Tôi chỉ được nghe kể lại trường được dựng lên sau ngày đất nước thống nhất năm 1975 để dạy chữ cho con em dân địa phương và dòng người thành phố đi kinh tế mới như gia đình chúng tôi. Tuy nhiên, chẳng biết từ bao giờ mà sân trường quê ấy đã có những cây điệp cổ thụ rất to, phải to bằng cả vài vòng tay học trò chúng tôi, tỏa bóng xanh mát rượi sân trường.

Học sinh thành phố ngày nay có nhiều thứ hiện đại để giải trí, có lẽ khó trải nghiệm được cái sân trường quê ngày ấy là "trung tâm" với đám học trò nghèo chúng tôi như thế nào. Giờ ra chơi, các lớp túa hết ra sân trường. Học sinh lớp nhỏ có thú lò cò, bắn bi, búng vòng thun, ném hạt điều của tuổi nhỏ. Lứa lớn hơn mải mê bóng đá, bóng chuyền, hoặc đơn giản là túm tụm trò chuyện, nô đùa tự do quanh các gốc cây. 

Kể cả những đôi mắt nam, nữ e ấp nhìn nhau mà không dám nói nên lời. Tình cảm nhẹ nhàng, xao xuyến đầu đời của tuổi học trò. Có đôi giấu kín được, nhưng nhiều đôi thường bị bạn bè trong lớp phát hiện. Thế là đầy những lời chọc ghẹo vô tình và cố ý làm cho bạn trong cuộc mắc cỡ đến đỏ mặt, thậm chí ngại cả vào lớp.

Năm tôi học lớp 9 đã thích chơi bóng chuyền và sân trường rợp tán xanh là cả một bầu trời đam mê. Học trò nghèo miệt bưng biền, đến trái bóng cũng là thứ vô cùng quý giá. Ngày nay, mấy bạn trẻ tin được hồi đó cả năm chúng tôi chỉ có một trái bóng mà vẫn chơi "máu lửa" đến mức đứt chỉ, sút da làm quả bóng tròn biến dạng như quả bóng... bầu dục.

Thế mà chúng tôi vẫn vui vẻ đánh bóng chuyền, đánh cho đến khi không thể đánh được nữa thì hè nhau lấy dây cước cần câu vá tạm lại để đánh tiếp. Thật khó quên cảm giác những đứa trai mới lớn được "biểu diễn" trước các bạn nữ vui vẻ ngồi dõi theo chúng tôi chơi bóng chuyền.

Sau này, bạn bè trưởng thành mỗi đứa một phương. Thi thoảng tụ họp được, chúng tôi vẫn nhắc nhớ kỷ niệm trường lớp năm xưa. Quanh đi quẩn lại toàn ôn những chuyện "nghèo mà vui, vui mà nghèo". Những năm cuối thập niên 1980 đó, hầu hết học trò quê chúng tôi đều bụng đói đến trường mỗi sáng. 

Ít đứa có ăn thì cũng chỉ là củ mì, củ khoai lang luộc hoặc chén cơm nguội với muỗng nước mắm, muối ớt hay ngon lắm là tí cá kho của ngày trước thừa lại. Ấy vậy mà chẳng biết chúng tôi vẫn lấy đâu ra sức để đùa giỡn tưng bừng. Cái sân trường bùn đất trước giờ vào học, giờ ra chơi, tan lớp lúc nào cũng rộn rã tiếng cười.

Ngoài học hành, đám học trò năm tháng đó còn có một thú vui "rất lớn" là thỉnh thoảng có ngày "lao động xã hội chủ nghĩa" vào chủ nhật. Ôi thôi, được rời quyển vở, đứa cầm cái cuốc, đứa vác cái liềm, đeo bao bố đi làm việc "người lớn" ở sân trường mà vui như hội hè. Học sinh cấp III thì có thể tham gia đào ao, đào kênh. 

Còn lứa cấp II thì dọn cỏ, trồng cây quanh trường. Tiếng nói cười như vỡ tung lồng ngực và cả những đôi mắt len lén nhìn nhau khi lao động. Cái thuở thiếu miếng ăn mà không hiểu năng lượng học trò đâu ra vẫn lắm thế.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 2: Nhớ lắm, ngôi trường đất miệt bưng biền - Ảnh 2.

Ngôi trường đất ngày xưa nay đã được xây khang trang nhưng những gốc cổ thụ vẫn còn đó - Ảnh: THANH TUẤN

Trò nghèo, thầy cũng khổ

Trò nghèo, thầy cô ngày ấy cũng rất khổ. Giáo viên trường tôi hầu hết là người địa phương khác đến dạy, phải ở lại "ký túc xá" là dãy nhà vách đất xập xệ, tối om om sau trường. Cái thuở lương giáo viên ba cọc ba đồng. Tôi không quên ngày tôi và người bạn được tập trung về huyện để thi học sinh giỏi văn tỉnh Long An. Thầy giáo mời chúng tôi cùng ăn sáng với một món duy nhất là trái khổ hoa kho mặn với nước mắm ớt. 

Sau này, đời nghề rong ruổi cho tôi nhiều dịp bên những mâm cơm đạm bạc miền núi hay ê hề thức ăn ngon ở nhà hàng sang trọng, nhưng tôi vẫn nhớ mãi bữa cơm của thầy trò trong một buổi sáng cách đây 32 năm ấy. Bữa cơm nghèo mà vô cùng ngon miệng, ấm áp nghĩa tình thầy trò. Những kỷ niệm đó khiến hình ảnh thầy cô không bao giờ phai nhạt trong tôi!

Ngày nay, hầu hết học trò thành phố tan trường đều về nhà ngay để tiếp tục "chạy sô" với học thêm hoặc không thì vùi đầu với các thú vui điện tử. Còn đám học trò quê chúng tôi thuở ấy tìm nụ cười hồn nhiên trên bàn chân đẫm bùn. Ở lại chơi bóng trong sân trường đến quá trưa, chúng tôi về lại mải mê câu cá, tát đìa. 

Nó vừa là thú vui tuổi thơ quê nghèo không có điều kiện gì khác để giải trí, vừa cũng là cách giúp thêm miếng ăn cho gia đình. Những đứa trẻ cứ chân trần phăm phăm bước trên đồng ruộng, bưng biền để kiếm con cá, con cua. Chuyện chân giẫm phải gai hay xóc gốc cây, miểng chai "nhỏ xíu" như bị kiến cắn, cứ để vậy tự cho nó lành.

Mùa hè năm 1989, tôi chuẩn bị rời trường để về thành phố học cấp III. Kỷ niệm cuối cùng của tôi với bạn bè và trường lớp là hai ngày cắm trại không thể nào quên. Học trò mỗi đứa đóng một chút tiền để góp nhau nấu bữa cơm chung, nhưng nhiều đứa vẫn không có tiền để đóng. Tôi được bà nội nói mang vài lít gạo ra chợ đổi lấy ít đồng đóng tiền cắm trại.

Bà chủ quán thường ngày rất thương tôi do là học sinh giỏi của địa phương, nhưng hôm đó đã nhìn tôi bằng cặp mắt rất khác lạ. Mãi sau tôi mới hiểu thời nghèo khổ đó hay có chuyện các ông lén vợ, vác gạo nhà đi bán lấy tiền mua rượu uống. Tôi cũng vô tình cầm bọc gạo nhà đi bán...

Tình cảm học trò lãng đãng như hoa phượng đỏ

Ngày ấy ở quê nghèo, sách báo khan hiếm, điện đuốc, tivi cũng không. Nhiều học sinh cuối cấp II và cấp III đã lãng đãng tình cảm hoa niên đầu đời. Bạn trai này thầm thích bạn nữ kia hoặc chỉ từ những lời trêu ghẹo "ghép đôi" làm mắc cỡ rồi đến ngày thầm mên mến nhau.

Lớp 9 tôi học cũng có vài đôi như thế, tình cảm hồn nhiên, trong sáng như màu hoa phượng đỏ ở sân trường. "Sâu đậm" nhất cũng chỉ là lá thư tay lén nhét vào quyển vở học trò. Đường đời sau này, mỗi người một phương, các bạn gặp lại vẫn đùa nhau: "Sao hồi đó bạn không thử nắm tay tui một lần?".

------------------------

Kỳ tới: Ngát xanh một sân trường thành phố

Ở ngay TP.HCM đất chật người đông, vẫn có cái sân trường rộng mênh mông mà đám học trò có thể trèo cây, bắt ốc như ở quê.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 1:  Hè 1985, nước mặn, sắt vụn và đổi tiền Sân trường kỷ niệm - Kỳ 1: Hè 1985, nước mặn, sắt vụn và đổi tiền

TTO - Đó là mùa hè năm 1985 - năm có những sự kiện không thể quên của đất nước. Năm đó, chúng tôi 16 tuổi, vừa học xong lớp 10 và bước vào một mùa hè đầy nhọc nhằn.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên