16/10/2013 13:29 GMT+7

"Sạn" trong SGK Tiếng Việt lớp 1: NXB Giáo dục tùy tiện "chữa cháy"?

NGUYỄN THANH LÂN (lanvh2005@...)
NGUYỄN THANH LÂN (lanvh2005@...)

TTO - “Biên tập lại cho phù hợp với nội dung bài học” hay đó là hành động tùy tiện chữa cháy? - đó là câu hỏi của bạn đọc đặt lại cho ông Nguyễn Văn Tùng, phó tổng biên tập NXB Giáo Dục, liên quan vấn đề “sạn” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, tập 1.

EYqstwIj.jpgPhóng to
Trích dẫn không chính xác Viết hoa tùy tiện - Ảnh: Như Hùng - chụp từ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, tập 1, Nxb Giáo Dục 2003

Tuổi Trẻ online trích đăng:

Cách hiểu, làm, và áp đặt tùy tiện

Tôi không đồng ý với ý kiến của ông Nguyễn Văn Tùng, phó tổng biên tập NXB Giáo Dục và TS. Lê Hữu Tỉnh về việc lấy lý do "biên tập ngữ liệu" mà "sáng tạo" tùy tiện, cụ thể là việc sửa "tuổi thơ" thành "chiều chiều" trong bài thơ Quê hương của tác giá Đỗ Trung Quân.

Việc thiếu tôn trọng đối với tác giả bài thơ không thể biện minh bằng lý do "ngữ liệu". Việc biên tập tùy tiện đó là sự sai lầm: người biên tập đã máy móc và tùy tiện hiểu việc thả diều chỉ diễn ra vào buổi chiều mà thôi. Xin thưa, (các) vị này đã rất méo mó khi hiểu như vậy bởi có thể vốn sống hoặc trải nghiệm tuổi thơ của họ không được phong phú và giới hạn trong một không gian đô thị hoặc một "không gian nhận thức" phi xúc cảm nào đó.

Bởi việc thả "cánh diều tuổi thơ" không nhất thiết phải đợi đến lúc chiều chiều (có những buổi chiều miền quê đứng gió, mưa dầm...) mà có thể thả diều lúc sớm trưa gió lộng, trời hanh nắng - vì vậy mới có chuyện sáo diều vi vu. Việc biên tập đặt định một tọa độ thời gian "chiều chiều" phản ánh tư duy thiển cận, tùy tiện, một vốn sống nghèo nàn.

Sở dĩ phải nói như vậy là lâu nay các nhà giáo dục hay "đổ thừa" việc làm văn một cách máy móc là do lỗi của các em học sinh (ví dụ các em không thể tả đồng lúa, vườn chuối một cách chân thực...). Chúng ta đều biết, lời ru, ca dao ngấm sâu vào con người ngay lúc nằm nôi.

Việc trích dẫn văn, thơ vào sách giáo khoa tiểu học là điều hết sức cần thiết để học sinh có cơ hội thuộc lòng nhưng phải đàm bảo một sự cảm nhận tinh tế - ít nhất là hòa nhịp với ý thơ của tác giả - chứ không phải hiểu sai máy móc và tùy tiện như vậy.

Thiết nghĩ, các "học giả" đã biên tập đoạn thơ của Đỗ Trung Quân, những người có trách nhiệm phát hành nên xin lỗi tác giả, xin lỗi các phụ huynh và học sinh có liên quan vì đã áp đặt lối tư duy tùy tiện của mình lên xúc cảm của học sinh.

Nếu không nhận lỗi và có hướng khắc phục mà cứ sáng tạo ra các giáo trình "tuân thủ các quy ước sư phạm" vậy thì các vị đang giết chết xúc cảm của các em học sinh thay vì nuôi dưỡng và phát triển chúng.

Sửa một chữ cũng giảm giá trị bài thơ

Thế còn các nhà thơ "cổ" khi bị sửa, ai có ý kiến giùm họ? Ở đây tôi muốn nói đến một từ trong bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan. Nguyên văn có 2 câu: Lom khom dưới núi, tiều vài chú/ Lác đác bên sông rợ mấy nhà. Sách giáo khoa sau này in thành :...chợ mấy nhà.

Tác giả ở đây muốn tả cảnh vắng vẻ, đìu hiu của Đèo Ngang khi ấy còn rất thưa thớt với ít dân tộc thiểu số. Sửa lại chữ "chợ" nghe nhẹ nhàng hơn nhưng làm giảm đi giá trị bài thơ. Bởi nơi vắng vẻ đầy cỏ, cây, hoa, lá, non, nước...như thế thì làm sao có chợ, mà nếu có chợ thì đâu thể chỉ mấy nhà (phải nhiều chứ), mà cũng nhiều người nữa, đâu chỉ "tiều vài chú"...

Biết tôn trọng người khác

Sau khi các tác giả có tác phẩm đưa vào sách giáo khoa trả lời, đại ý không hề có ai liên hệ về việc trích dẫn, sửa chữa tác phẩm khi đưa vào sách, đại diện NXB Giáo dục sẽ tiếp tục phản hồi sao nữa nhỉ?

Thiết nghĩ, điều quan trọng nhất là phải biết tôn trọng tác giả. Bạn sử dụng "con" của người ta, bạn muốn chỉnh sửa gì, bạn cũng cần phải xin phép người ta, và sau đó chỉ chỉnh sửa, nếu được sự đồng ý. Đó là phép lịch sự tối thiểu.

Ông Nguyễn Văn Tùng (phó tổng biên tập NXB Giáo Dục) đã trả lời chi tiết về những “hạt sạn” mà bạn đọc “nhặt” ra trên các số báo ngày 11-10 và 14-10. Cụ thể như sau:

1. Câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân, chữ “Tuổi thơ” trong nguyên tác được sửa thành chữ “Chiều chiều” như văn bản in trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1, là do câu thơ đã được “biên tập” lại cho phù hợp với nội dung bài học.

Trang cuối sách người biên soạn có ghi chú điều ấy với tính chất xin phép các nhà văn, nhà thơ như sau: “Sách giáo khoa Tiếng Việt 1, tập 1 đã trích nguyên văn hoặc có biên tập cho phù hợp với yêu cầu từng loại bài học - tác phẩm của các tác giả sau đây: Võ Thanh An, Hoàng Minh Châu, Định Hải, Xuân Hoài, Phạm Hổ, Ngô Văn Phú, Đỗ Trung Quân, Bế Kiến Quốc, Nguyễn Hoàng Sơn, Trần Hồng Thắng, Lê Xuân Thọ, Tạ Hữu Yên. Trân trọng cảm ơn các tác giả”.

Trích Vụ “Sạn trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1”: NXB Giáo Dục nói gì?

NGUYỄN THANH LÂN (lanvh2005@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên