Sân tổ chức chung kết Euro 2024: Bài học lịch sử sống

BAN CẦM 06/07/2024 07:55 GMT+7

TTCT - Trận chung kết của Euro 2024, dự kiến thu hút hơn 300 triệu khán giả trên toàn thế giới, sẽ diễn ra vào ngày 14-7 trên sân Olympiastadion ở Berlin, nơi đã diễn ra tầng tầng lớp lớp những biến cố lịch sử, không chỉ của thể thao.

Đây là công trình đồ sộ được xây dựng và tài trợ ban đầu theo mệnh lệnh của Adolf Hitler.

Những vết tích lạnh sống lưng

88 năm đã trôi qua kể từ Thế vận hội mùa hè năm 1936 được tổ chức ở đây, ba năm sau khi Hitler, người đứng đầu Đảng Quốc xã, trở thành lãnh đạo tối cao của nước Đức.

Olympiastadion ngày ấy... Ảnh: the-berliner.com

Olympiastadion ngày ấy... Ảnh: the-berliner.com

...và bây giờ. Ảnh: Visit Berlin

...và bây giờ. Ảnh: Visit Berlin

Ngày nay, tất cả những gì người ta nhìn thấy chỉ là một sân vận động hiện đại khổng lồ với sức chứa 74.000 chỗ ngồi và mái vòm. Ít ai biết rằng Olympiastadion từng có một quá khứ đẫm máu.

Nằm ở ngoại ô phía tây thủ đô Đức, bìa rừng Grunewald, với hai tháp đá và biểu tượng 5 chiếc vòng của Olympic nổi bật ở cổng chào, sân Olympiastadion tạo cảm giác uy nghiêm, thậm chí đáng sợ. 

Đây là hai tháp còn sót lại trong 6 tháp được xây quanh sân, mỗi tháp đại diện cho một "bộ tộc lớn" của "giống nòi" Đức, là người Bavaria, Franconia, Swabia, Frisia, Saxon và người Phổ.

Những huy hiệu hình chữ Vạn của Đảng Quốc xã đã bị phá bỏ từ lâu, nhưng cảm giác lạnh sống lưng sẽ trở lại khi hướng dẫn viên chuyến tham quan Olympiastadion chỉ vào một ban công và giải thích rằng chỉ cách đó vài mét, Hitler từng đứng chào kiểu phát xít với đám đông và các vận động viên.

Nằm rải rác xung quanh sân, những bức tượng đồng một thời được dựng lên để khoe mẽ vẻ đẹp của "chủng tộc thượng đẳng" hoang đường. 

Không tránh né, trang web chính thức của sân giải thích trước đây, nhà thầu xây dựng từng được lệnh chỉ tuyển dụng "công nhân... có quốc tịch Đức và thuộc chủng tộc thượng đẳng" để xây công trình, và đặc biệt là người Do Thái không được tham gia.

Theo thời gian, các sự kiện thể thao trọng đại diễn ra ở Olympiastadion tạo nên một lịch sử sâu sắc và phức tạp cho sân vận động hoành tráng này.

Tại Thế vận hội 1936, vận động viên da màu người Mỹ Jesse Owens đã giành bốn huy chương vàng ngay trước mặt trùm phát xít Hitler - màn trình diễn Olympic có lẽ là kinh điển và kiêu hãnh nhất mọi thời. 

Sau Thế chiến II, khi nước Đức bị chia đôi, phần lớn công viên Olympic Berlin là nơi đóng quân của quân Anh suốt từ năm 1945 đến 1994, còn riêng sân vận động được sử dụng cho các sự kiện bóng chày và đôi khi tổ chức diễu hành mừng sinh nhật Nữ hoàng Elizabeth II.

Vòng chung kết Euro 2024 không phải là giải bóng đá quốc tế lớn đầu tiên diễn ra ở sân này. Nó từng đăng cai 5 trận ở World Cup 1974 và 6 trận, bao gồm chung kết, của World Cup 2006 - trận đấu nổi tiếng với cú húc đầu của danh thủ Zinedine Zidane (Pháp) nhắm vào trung vệ Marco Materazzi (Ý).

Năm 2015, sân là nơi diễn ra trận chung kết Champions League mà Barcelona của Lionel Messi đánh bại Juventus. Olympiastadion cũng là sân nhà của Hertha Berlin, hiện thi đấu tại Bundesliga II, và là địa điểm tổ chức các trận chung kết Cúp quốc gia Đức kể từ năm 1985 đến nay.

Giải bóng bầu dục Mỹ cũng chọn sân này để tổ chức các trận đầu tiên của mùa giải giai đoạn 1990-1994. Huyền thoại điền kinh Usain Bolt từng lập hai kỷ lục thế giới đáng kinh ngạc nhất ở đây, kể từ thời Owens - 9,58 giây ở nội dung 100m và 19,19 giây 200m, tại Giải vô địch thế giới năm 2009. Cả hai kỷ lục này hiện vẫn chưa ai chạm tới được.

Sân cũng trở thành điểm đến của các ngôi sao âm nhạc hàng đầu: hàng chục vạn người đã đến xem The Rolling Stones, Michael Jackson, Bruce Springsteen, Tina Turner và Madonna trình diễn. Khối bê tông vô hồn, vì vậy, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc khác nhau với nhiều người, nhiều thế hệ.

Một đại nhạc hội diễn ra trên sân Olympiastadion. Ảnh: The Trip Hock

Một đại nhạc hội diễn ra trên sân Olympiastadion. Ảnh: The Trip Hock

Trong ký ức tập thể

Martin Glass, giám đốc công ty kiến trúc GMP Berlin, là một trong những kiến trúc sư phụ trách quá trình cải tạo sân, bao gồm cả mái che, vào đầu thế kỷ 20. 

Ông nói với The Athletic: "Sân vận động này có vị trí lớn lao trong ký ức tập thể và đời sống hầu hết người dân Berlin. Hãy quay về nơi lịch sử khởi nguồn, vào năm 1912. Trước khi có Olympiastadion, có một sân khác được xây để tổ chức Thế vận hội năm 1916, nhưng rồi sự kiện đó không thể diễn ra do Thế chiến I".

"Khi Quốc xã lên nắm quyền, họ nghĩ cải tạo sân vận động từ thời đế chế là không phù hợp, và muốn tạo diện mạo cho Thế vận hội 1936 theo cách của họ. Vì vậy, họ quyết định xây luôn một sân mới. Thế vận hội 1936 chủ yếu trở thành sự kiện tuyên truyền để mông má bộ mặt thân thiện cho chế độ Quốc xã trước công chúng toàn cầu".

Jules Boykoff, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Pacific, Oregon, Hoa Kỳ, và tác giả của sáu cuốn sách về Thế vận hội, thì nói: 

"Các sân vận động không chỉ được tạo ra từ gạch vữa, mà có thể biểu đạt danh tính dân tộc và phát tán những giá trị văn hóa. Trong trường hợp Berlin, chúng có thể truyền đạt những quyết sách chính trị". 

"Khi tôi nghiên cứu sự kiện năm 1936, sân vận động là thứ cực kỳ quan trọng để truyền đi thông điệp. Ban đầu, Hitler không quá hào hứng tổ chức Thế vận hội. Nếu đọc Mein Kampf (cuốn hồi ký khét tiếng của Hitler) - tôi đã đọc từ đầu đến cuối không sót trang nào, và đó không phải một trải nghiệm dễ chịu - ta thấy Hitler không đả động mấy đến thể thao, ngoài môn quyền anh". 

Nhà vô địch Jesse Owens đã làm bẽ mặt Đảng Quốc xã ở Olympic 1936. Ảnh: Pittsburg Gazette

Nhà vô địch Jesse Owens đã làm bẽ mặt Đảng Quốc xã ở Olympic 1936. Ảnh: Pittsburg Gazette

"Ông ta thực ra không quan tâm đến Thế vận hội, nhưng đã bị Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels thuyết phục rằng đây là cơ hội không thể bỏ lỡ".

"Khi nhìn vào hình ảnh Thế vận hội 1936, nổi bật lên là biểu tượng chữ Vạn của Đảng Quốc xã. Nó phấp phới ở sân vận động, xuất hiện khắp Berlin, ngay bên cạnh lá cờ 5 vòng tròn của Olympic. Vì vậy, Thế vận hội 1936 hoàn toàn phục vụ cho mục đích tuyên truyền của Hitler", Boykoff nhấn mạnh.

Đó là một điều trớ trêu. Hitler hoài nghi ý tưởng tổ chức Thế vận hội chính vì không ưa các giá trị mà sự kiện thể thao đó đại diện: tinh thần quốc tế thay vì chủ nghĩa quốc gia; tư tưởng bình đẳng giữa các dân tộc, thay vì có một giống nòi thượng đẳng; quan điểm bao dung và hòa hợp, thay vì sắt máu và giết chóc. 

Tờ báo phát xít Volkischer Beobachter thậm chí cho rằng các vận động viên da màu tham gia Thế vận hội "sẽ là nỗi hổ thẹn và cạn kiệt ý tưởng chưa từng có với Olympic". Tuy nhiên, cuối cùng thì Goebbels đã thuyết phục được Hitler.

Năm 1994, đội tuyển Anh đã hủy trận đấu với Đức dự kiến diễn ra ngày 20-4 ở sân Olympiastadion, vì lý do trùng ngày sinh nhật của Hitler, và họ lo ngại trận đấu sẽ thu hút các nhóm phát xít mới đến quấy rối. Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp - tổ chức công đoàn cầu thủ ở Anh - bày tỏ lo ngại này khi cửa kính trụ sở bóng đá Đức những người biểu tình phản đối tổ chức trận đấu đập vỡ. Họ xịt sơn khắp nơi khẩu hiệu: "Không đá đấm gì hết vào ngày 20-4".

Vết thương kín miệng

Trong quá trình dài nước Đức hội nhập trở lại với thế giới, nhất là sau khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, Berlin không giấu ý định lại đăng cai các giải thể thao quốc tế. Họ đã để vuột cơ hội tổ chức Thế vận hội 2000 vào tay Sydney (Úc). 

Từ năm 1998 Đức đã đặt mục tiêu đăng cai World Cup 2006, và đã thành công. Otto Hoehne, chủ tịch Hiệp hội bóng đá Berlin, từng muốn xây dựng một sân vận động mới và hiện đại ở thủ đô, như một cách đoạn tuyệt với quá khứ. 

"Đấu trường La Mã thì hoành tráng đấy, nhưng ai lại chơi thể thao trong đó bao giờ", báo Wall Street Journal dẫn lời ông ví von sân Olympiastadion.

Kiến trúc sư Glass nhớ lại: "Chưa từng có thảo luận nghiêm túc về chuyện phá hủy sân Olympiastadion... Chúng tôi nhận thức rõ ràng mình sẽ phải cải tạo một mặt sân đầy những vết nứt lịch sử". 

"Nên song song với việc xây dựng và tái thiết, chúng tôi đã gây áp lực lớn lên Quốc hội Liên bang, cùng Bảo tàng Lịch sử và Hội đồng thành phố Berlin, yêu cầu xây một bảo tàng nhỏ hoặc triển lãm lịch sử chính trị của toàn bộ không gian này".

Cú húc đầu nổi tiếng của Zidane năm 2006. Ảnh: Fox Sports

Cú húc đầu nổi tiếng của Zidane năm 2006. Ảnh: Fox Sports

Sau đó, sân đã được cải tạo và mái che được thêm đúng tiến độ kịp cho World Cup 2006, với chi phí khoảng 242 triệu euro (260 triệu USD). Sau khi cải tạo, Olympiastadion được FIFA và UEFA xếp hạng sân bóng 5 sao.

Từ năm 1945 tới nay, nước Đức đã đối mặt với lịch sử phức tạp của họ một cách đáng suy ngẫm. Trong tiếng Đức có riêng một từ ghép - vergangenheitsaufarbeitung, có thể hiểu là "chất vấn quá khứ", để chỉ hành động không chối bỏ, mà cố gắng nhìn nhận thẳng thắn quá khứ, để sống tốt hơn trong hiện tại.

Hầm trú ẩn của Hitler ở Berlin đã được lấp bê tông để tránh nguy cơ trở thành nơi tưởng niệm ngoài ý muốn, và nhà ngục Spandau, nơi cánh tay phải của Hitler, Rudolf Hess, tự vẫn, đã bị phá hủy vào năm 1987. 

Trẻ em Đức được dạy về tội ác của phát xít trong trường học và những cảnh sát tương lai của Đức được đưa đến các trại tập trung cũ để hiểu rõ sự nghiêm trọng của nạn diệt chủng. Đài tưởng niệm nạn nhân Do Thái được dựng ngay cạnh cổng chào Bradenburg, biểu tượng của thành phố Berlin.

Và ngày 14-7 tới đây, Olympiastadion sẽ là nơi diễn ra trận đấu quyết định của Euro 2024, thêm một bước nữa trong quá trình hàn gắn vết thương quá khứ.■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận