Người dân tại khu trọ quận 7, TP.HCM nhận túi thực phẩm do Thành đoàn TP.HCM điều phối hỗ trợ sau khi gọi đến Tuổi Trẻ nhờ trợ giúp - Ảnh: VŨ THỦY
Nhận gạo rồi cũng mới vừa chia cho nhà anh bên cạnh. Nhà ảnh cũng vừa hết gạo. Ở đây có 5-6 hộ như nhau, chỉ ở tạm không có đăng ký tạm trú. Mấy bữa trước họ nhận được họ chia cho mình, giờ mình có mình chia lại cho họ.
Chị Trần Thị Lệ Quân
Khó rồi vẫn cưu mang người khó hơn
Hôm qua 4-8, khi nói chuyện cùng chị Trần Thị Lệ Quân (37 tuổi, ngụ Bình Chánh, TP.HCM), người nhận được bao gạo, thùng mì, dầu ăn, mắm muối từ hai ngày trước, chị thật thà bảo cũng không biết là của ai đưa đến giúp.
"Tôi làm bảo mẫu, có cô phụ huynh biết gia cảnh nên họ gọi giúp đến Tuổi Trẻ. Cách đây hai ngày, có người chở xuống gạo, mì tiếp tế", chị chia sẻ. Số thực phẩm này với nhiều người chẳng đáng là bao nhưng với chị Quân, nó giúp chị nhẹ nhõm hẳn nỗi lo những ngày sắp tới.
Câu chuyện của chị Quân không thiếu ở nơi vốn nhiều ngóc ngách, nhiều khu quy hoạch này. Chị kể chồng chị làm thuê làm mướn tự do, chị thì làm bảo mẫu tư thục.
Thiếu tiền trọ, một chủ vựa ve chai đã cho gia đình chị về ở đỡ trong ngôi nhà gần nơi người này làm vựa "để cho đỡ tốn tiền thuê nhà, để dành tiền nuôi 4 đứa con" như lời người chủ vựa nói.
"Chỗ tôi đang ở là mượn tạm đất chưa có giấy tờ nên không có tạm trú. Cô tổ trưởng có hỏi để làm thủ tục nhận hỗ trợ của Nhà nước mà tôi cũng trình bày không có giấy tờ tạm trú. Cái này tôi cũng chẳng trách được ai", chị Quân thật lòng cho biết.
Cũng vì lý do này nên suốt hai tháng qua, chị Quân không dám gọi đến đâu nhờ cứu trợ. Nhận tin nhắn được phụ huynh chuyển tới, báo Tuổi Trẻ đã chuyển thông tin cứu trợ của chị đến Thành đoàn TP.HCM để tìm hiểu và sau đó chị đã được hỗ trợ gói thực phẩm.
Gia cảnh 4 đứa con chưa phải là hết khi chị Quân thật tình kể thêm nhà chị còn đang cưu mang thêm 3 đứa em, gồm em ruột của chị lẫn bạn thuê trọ trước đó. "Tụi nó là công nhân. Cả năm trời nộp đơn xin vào làm khu công nghiệp mà không nơi nào nhận. Ba đứa đi làm thời vụ đóng hộp giấy, không có hợp đồng gì.
Dịch giã rồi cũng không làm tiếp được, hết tiền đóng trọ. Mấy đứa gọi tôi bảo chị thương em cho tụi em ở đỡ, hết dịch kiếm được việc tụi em lại đi thuê phòng trọ. Thấy tụi nó tội nghiệp, thôi thì mình lá rách đùm lá rách hơn, tới giờ tụi nó ở đây gần 4 tháng rồi", chị xót xa kể.
Cả xóm trọ chung một hoàn cảnh
Ở một khu trọ khác trên đường Nguyễn Thị Thập (quận 7), 9 gia đình lục tục nối nhau ra nhận quà khi thấy chiếc xe chở hàng của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân (Thành đoàn TP.HCM) chở xuống 9 túi thực phẩm. Có gạo, có bún, mắm, tương... "Bún là món tủ của anh rồi", chị Hồ Thị Mai (quê Trà Vinh, 31 tuổi), bán hàng rong, vui vẻ ghẹo chồng khi mở túi quà.
Hai vợ chồng chị đều bán hàng rong, đã nghỉ bán cả hai tháng nay. Mấy ngày trước, đọc được thông tin về Giỏ quà nghĩa tình cho người dân khó khăn do Tuổi Trẻ kết hợp với Shopee và Saigon Co.op thực hiện, anh Lương Nguyễn Đình Cơ - chồng chị Mai - đã gọi đến Tuổi Trẻ để xin hỗ trợ thực phẩm.
"Cả tháng nay sống nhờ vào gạo, mắm người ta cho. Mà dịch lâu quá nên khó khăn lắm. Cả xóm trọ này toàn thợ hồ, giúp việc, bán hàng rong, nhưng không nhận được hỗ trợ từ Nhà nước", chị Mai nói.
Lý do không nhận không phải vì không làm đơn, mà rơi vào tình cảnh oái oăm. "Mình bán hàng rong vầy. Con cái thì ở Trà Vinh với cha mẹ già. Hai vợ chồng cứ dăm bữa nửa tháng về, về một thời gian lại lên nên không làm tạm trú. Đợt rồi ở được 3 tháng, gửi đơn để xin đăng ký tạm trú thì dính dịch, đâu có lên phường hỏi được. Giờ cũng không biết có chưa", chị Mai tâm sự.
Cạnh phòng chị Mai là hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Trinh Nguyên (51 tuổi). Bà Nguyên làm giúp việc, chồng bà làm phụ hồ. Cả hai loại công việc đều không có trong danh sách 6 loại công việc tự do được nhận gói hỗ trợ 1,5 triệu đồng đầu tiên của thành phố.
"Nghe nói đợt này giúp việc, phụ hồ mới được ghi danh sách hỗ trợ. Nhưng mình cũng không mong nhận được vì cũng giống mấy người ở đây, đâu có tạm trú gì. Mấy nay chỉ ăn đồ từ thiện, người ta cho gì ăn nấy", bà Nguyên cám cảnh.
Nhắc tiền phòng trọ thì cả xóm trọ, từ phòng 1 tới phòng 9 đều tếu táo: "Hai tháng rồi chủ nhà chưa có qua thu, mà có qua chắc cũng phải về không vì cả dãy trọ này đâu ai có tiền".
"Tháng này tới ngày đóng tiền nữa rồi mà mới nhắn tin cho bà chủ nhà là giờ không có tiền đóng, nhờ bà chủ cho thiếu. Bà ấy nhắn lại là thôi cứ để đó, mấy bữa qua gặp rồi tính", bà Nguyên kể thêm về hoàn cảnh chung của 9 phòng trọ.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận