Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận phiên họp - Ảnh: V.G.P.
Nội dung chính là tập trung khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt trên 5%, với hàng loạt giải pháp đề xuất miễn giảm nhiều loại thuế phí, tín dụng được đưa ra hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch COVID-19, sẵn sàng tâm thế đón sóng chuyển dịch vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên thế giới.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định với kết quả chống dịch vừa qua, Việt Nam được các nước đánh giá rất cao. Trong khi đó, các tập đoàn xuyên quốc gia đang xem xét dịch chuyển, đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cực kỳ tốt cho Việt Nam.
"Cần phải chuẩn bị đón làn sóng đầu tư, bởi Việt Nam là một trong những điểm đến tin cậy, điểm sáng, môi trường đầu tư an toàn, hiệu quả thành công" - ông Dũng nhấn mạnh, đồng thời cho biết ngày 9-5, Thủ tướng sẽ đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để lắng nghe các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khởi động lại nền kinh tế, đặc biệt là chuẩn bị nguồn lực, tâm thế sẵn sàng đón cơ hội từ làn sóng chuyển dịch đầu tư.
Trước đó, phát biểu kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày, Thủ tướng yêu cầu phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, chứ không phải như dự báo của IMF là Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng 2,7%. Kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Muốn như vậy, thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa là 5 mũi đột phá để tăng trưởng, phát triển, vượt qua khó khăn giai đoạn này.
Thủ tướng lưu ý rằng việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công khoảng 700.000 tỉ đồng trong năm nay là vô cùng quan trọng.
"Các đồng chí phải xông vào trận, nếu có vướng mắc thì báo cáo kịp thời, bám ngày, bám đêm để triển khai cho được" - Thủ tướng đề nghị, đồng thời yêu cầu từng lãnh đạo bộ, ngành, địa phương sâu sát hơn, giải quyết kịp thời các bức xúc của người dân và doanh nghiệp, "không phải quyền anh, quyền tôi lúc này mà chính là vì đất nước, vì dân tộc, vì 100 triệu dân".
Cũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết ngoài chính sách hỗ trợ đã được triển khai, dự thảo nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công... cũng đã đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực.
Chẳng hạn, sẽ miễn 100% lệ phí môn bài năm 2020 cho các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng dịch; giảm 30% tiền thuê đất trong thời gian 6 tháng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh bị ngừng sản xuất kinh doanh.
Thuế giá trị gia tăng đối với nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành chịu ảnh hưởng như dệt may, da giày, sản xuất đồ uống... cũng được đề xuất hoãn nộp đến tháng 9-2020.
Giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc đối tượng ưu tiên của quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa: giảm lãi suất ủy thác cho vay khoảng 3%; giảm lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp khoảng 2%...
Thuế thu nhập cá nhân được đề xuất gia hạn nộp đến tháng 9-2020 đối với các khoản phải nộp của cá nhân làm việc tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 phát sinh từ tháng 3-2020.
Dự thảo nghị quyết của Chính phủ cũng yêu cầu cắt giảm 30% kinh phí hội họp, đi công tác trong nước; 50% kinh phí đi công tác nước ngoài của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận