Ngày 9-8, ông Phạm Tuấn Anh - phó Ban thường trực Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh - cho biết đang triển khai lực lượng để sẵn sàng di tản dân khẩn cấp nếu hồ Đắk N'ting vỡ đập.
"Hiện tỉnh đã ban bố tình trạng thiên tai khẩn cấp tại hồ Đắk N'ting (xã Quảng Sơn, Đắk Glong) nên ngành chức năng đang tập trung mọi nguồn lực để sẵn sàng với kịch bản vỡ đập", ông Tuấn Anh nói.
Nguy cơ vỡ đập, sạt trượt chưa dừng lại
Nói về tình trạng đập Đắk N'ting, ông Nguyễn Văn Nghĩa - giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông (chủ đầu tư) - cho biết tính đến thời điểm chiều 9-8, tình trạng sạt trượt đã tạm thời ổn định nhưng lệch hơn nhiều so với thời điểm ban đầu.
"Theo số liệu quan trắc, kể từ khi ghi nhận hiện tượng sạt trượt đến nay, tràn xả lũ đã bị dịch chuyển về phía đập đất khoảng 83cm, bị đẩy lên cao 38,4cm và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại", ông Nghĩa thông tin.
Ngoài ra, hiện mực nước trong hồ chứa đang ở mức cao là +801,8m (đã vượt quá cao trình mực nước dâng bình thường theo thiết kế), tiềm ẩn nguy cơ lớn vỡ đập, gây ngập lụt vùng hạ du trên diện rộng. Chủ đầu tư yêu cầu đơn vị tính toán xả lượng nước phù hợp để an toàn cho công trình, không gây nguy hiểm cho hạ du.
Ngoài ra, theo ông Nghĩa, hiện đơn vị đã yêu cầu 2 nhà thầu thi công thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố, ngăn chặn việc sạt trượt ở quả đồi 10ha phía phải đập tràn, để hạn chế nguy cơ vỡ đập.
Nếu hồ Đắk N'ting vỡ đập, di tản dân ra sao?
Đồng thời với nỗ lực cứu hồ, tỉnh Đắk Nông cũng đã có phương án di tản dân khẩn cấp trong trường hợp vỡ đập. Ông Lê Trọng Yên - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - cho biết tỉnh tập trung mọi nguồn lực để cứu hồ nhưng cũng đã có sẵn kịch bản vỡ đập để đảm bảo tính mạng người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản.
Đập tràn hồ Đắk N'ting đang chịu áp lực xô lệch bởi quả núi phía vai phải đập tràn đang có nguy cơ sạt trượt - Ảnh: TRUNG TÂN
"Kịch bản di tản dân được giao cho Ban phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tìm kiểm cứu nạn và địa phương thực hiện trong tình huống khẩn cấp", ông Yên nói.
Theo đó, UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu chủ đầu tư phải tổ chức trực ban tại công trình 24/24 giờ để theo dõi diễn biến thiên tai, sự dịch chuyển, nứt gãy các hạng mục công trình. Tính toán lại kịch bản vỡ đập, đường đi của dòng nước ảnh hưởng đến hạ du trong thời điểm hiện tại, cung cấp cho địa phương để tổ chức thông báo di tản dân đến nơi an toàn.
Nói về việc này, ông Nguyễn Văn Hợp - phó chủ tịch UBND huyện Đắk Gong - cho biết thực hiện chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, địa phương đang triển khai các biện pháp ứng phó với tình huống hồ Đắk N'ting bị vỡ đập.
"Hiện có 34 hộ dân ở ngay phía dưới cửa xả của hồ đã được di tản ra khỏi vùng có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, có hơn 100 hộ dân khu vực hạ du cũng đã được thông báo về việc sẵn sàng phương án di tản khi có thông báo của địa phương", ông Hợp nói.
Còn ông Trần Đình Tuấn - chủ tịch UBND xã Quảng Sơn - cho biết xã đang cho toàn bộ cán bộ, lực lượng dân quân, công an túc trực 100% suốt ngày đêm tại trụ sở để sẵn sàng phương án di tản dân trong tình huống vỡ đập.
"Ngoài 34 hộ nguy cơ cao đã di tản thì xã lập tổ xung kích canh giữ ở vị trí sạt trượt, tuần tra và đến từng nhà trong số hơn 100 hộ có nguy cơ ảnh hưởng để nhắc nhở gói ghém đồ đạc, sẵn sàng di tản nếu chẳng may vỡ đập. Xã cũng lập nhóm Zalo với các hộ dân, chủ hồ để thường xuyên cập nhật tình trạng vết nứt ở đập, tình trạng sạt trượt của quả đồi", ông Tuấn nói.
Không để xảy ra sự cố bất ngờ gây thiệt hại tính mạng nhân dân
Trước đó, tối 8-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có công điện yêu cầu các địa phương tập trung các giải pháp phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc địa phương bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, nhất là hồ đập xung yếu, hồ đập đã xảy ra sự cố trong mưa lũ vừa qua (như hồ Đắk N'ting, tỉnh Đắk Nông,…), không để xảy ra sự cố bất ngờ gây thiệt hại về tính mạng của nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường huy động chuyên gia, nhà khoa học khẩn trương tổ chức nghiên cứu, đánh giá cụ thể nguyên nhân sạt lở, nguy cơ tai biến địa chất tại khu vực Tây Nguyên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận