Đã có không ít bạn bị cuốn vào cơn lốc săn sale vì cho thế là tiết kiệm, nhưng lại tiêu tốn vào các đợt khuyến mãi, đại hạ giá mà không nhận ra.
Cái bẫy "ảo tưởng tiết kiệm"
Vũ Thùy Linh (21 tuổi, ở TP.HCM) khoe để được giá hời vào những ngày đôi (11-11, 12-12), bạn đã cùng bạn bè thức đến 0h, sẵn sàng chốt sạch các món cần mua cất sẵn trong giỏ hàng.
Nhưng trong lúc cao hứng, Linh không cưỡng lại được nên chốt thêm nhiều món khác cũng đang giảm giá, dù chưa thấy quá cần thiết.
“Giá rẻ quá, không mua thì tiếc. Nhiều lần mình đặt cả chục món, nhận hàng xong lại không biết dùng để làm gì, nhưng vì ham rẻ nên cứ đặt”, Linh kể.
Dù chỉ mua những món vài chục ngàn đồng, cô vẫn sốc khi nhận ra mình đã thanh toán cho shipper số tiền đến hàng triệu đồng vì tới hơn 20 đơn hàng.
Liên tục chuyển tiền thanh toán, Linh cạn sạch túi, phải vay của bạn thân để cầm cự dù mới là giữa tháng.
Thanh Xuân (20 tuổi, sinh viên Trường đại học Tài chính - Marketing) lại săn sale theo kiểu "làm tròn". Cô kể nhiều lần săn được mã giảm giá 20 - 30% cho đơn hàng 1 triệu đồng. Nhưng vì chưa đủ điều kiện sử dụng mã, buộc cô phải mua thêm vài món nhỏ.
Cứ thế, từ nhu cầu ban đầu khiêm tốn thôi, Xuân đã tiêu nhiều hơn chỉ vì không muốn bỏ lỡ cơ hội giảm giá lớn.
Chỉ vì để đủ điều kiện xài voucher, Xuân cho biết từng nhận “trái đắng” khi mua chiếc quần jeans 350.000 đồng được giảm 40%.
Trên hình, chiếc quần thời thượng, nhưng khi nhận hàng là sản phẩm có chất vải thô, cả màu và size đều không như mô tả. “Mình nghe nhiều cảnh báo về các chương trình khuyến mãi ảo để xả hàng tồn kho, hàng dỏm. Nhưng không ngờ có lúc mình trở thành nạn nhân của chiêu trò này”, Xuân nói.
Muốn săn sale hiệu quả, cần quản lý tài chính
Làm nhân viên văn phòng một công ty start-up với mức lương thấp, Phương Thảo (24 tuổi, ở TP.HCM) quyết tiết kiệm bằng mọi cách, trong đó có canh săn sale mỗi tháng.
Chiến lược của cô là cứ tới ngày đôi hay cuối tháng sẽ để sẵn món cần mua trong giỏ hàng rồi canh giờ để áp mã giảm giá. Nhờ vậy là Thảo tiết kiệm được một số tiền đáng kể.
Thế nhưng hồi mới tham gia đường đua săn sale, cô cũng từng mua hàng quá tay. Sau vài lần thâm hụt ngân quỹ, Thảo có kinh nghiệm hơn nên mỗi tháng đều đặt ra khoản chi cho mua sắm, săn sale cố định, không ngẫu hứng nữa.
“Phải phân biệt giữa nhu cầu thực sự và mong muốn tức thời, bởi mua một món đồ vì cảm giác tiếc rẻ khi giảm giá có thể đẩy chúng ta vào tình trạng kiệt quệ tài chính chỉ trong đôi tuần”, Thảo cười.
Còn Thu Ngân (23 tuổi, ở TP.HCM) đã tối ưu hóa việc săn sale bằng cách lập danh sách những thứ cần mua. Tới đợt sale, cô chỉ xuống tiền cho những món theo danh sách, tuyệt đối không mua thêm gì, dù có được giảm giá mạnh.
Ngoài ra, Ngân tiết lộ chỉ dùng thanh toán không tiền mặt khi săn sale trên sàn thương mại điện tử. Một phần để có thêm mã giảm giá, miễn phí vận chuyển, phần khác để kiểm soát được số tiền mình đã chi qua con số thống kê trên tài khoản.
Thường xuyên xem livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, Hoàng Phúc (20 tuổi, ở TP.HCM) hay chọn mua những món đồ theo xu hướng.
“Có hôm thấy đồ giảm giá mạnh, nhiều người tranh nhau "giật deal" làm mình không cưỡng lại được cũng đành mua vài món, dù thật sự không cần lắm”, Phúc thổ lộ.
Trường hợp của Phúc được xem là biểu hiện của hội chứng tâm lý FOMO (Fear Of Missing Out - chứng sợ bỏ lỡ). Đây cũng là một nguyên nhân khiến nhiều người tiêu dùng dễ rơi vào trạng thái mua sắm quá đà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận