OTT TV nội phải khai thác triệt để nội dung đặc sắc văn hóa Việt - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thị trường OTT TV tại Việt Nam đang chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại.
Những "lợi thế" của các OTT TV xuyên biên giới đã được thể hiện rõ (không bị quản lý nội dung, không phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam…) và các phương tiện truyền thông đã nhiều lần đề cập, phân tích.
Trong khi đó, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp nội đều vừa yếu về nội dung vừa yếu về tài chính, chưa kể phải tuân thủ các quy định chặt chẽ từ cơ quan quản lý, dẫn đến rất yếu thế so với doanh nghiệp ngoại.
Lợi thế "sân nhà" duy nhất chính là các nội dung thuần địa phương và cơ quan quản lý ủng hộ và ưu tiên cho sự phát triển ngành công nghiệp OTT. Tuy nhiên tới thời điểm này là chưa thực sự rõ nét.
Để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp xuyên biên giới, doanh nghiệp nội cần khai thác triệt để sức mạnh từ những lợi thế này.
Chẳng hạn, với các nội dung mang đặc sắc văn hóa Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước cần được hỗ trợ tối đa để phân phối qua nền tảng OTT trong nước với chi phí tốt nhất.
Điều này cần sự hợp tác của các doanh nghiệp liên quan, từ sản xuất kịch bản, nội dung, đến phân phối qua nền tảng OTT, sự hỗ trợ tối đa về chính sách dành cho doanh nghiệp nội, cũng như các nguồn lực khác như vốn...
Các quốc gia khác như Hàn Quốc, Trung Quốc luôn có những chính sách hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp nội trong việc sản xuất những chương trình, phim ảnh, nội dung liên quan đến văn hóa đất nước. Khi đó, các doanh nghiệp nội mới có khả năng cạnh tranh với các OTT nước ngoài.
Từ khía cạnh quản lý, các cơ quan chức năng phải đảm bảo sự công bằng với cả OTT trong nước lẫn OTT nước ngoài. Chẳng hạn, công bằng trong quản lý giấy phép phát thanh truyền hình, VOD, về kiểm duyệt nội dung tuân theo quy định luật pháp Việt Nam.
Ngoài ra, cần có các cơ chế chính sách ưu đãi như thuế, các hợp tác làm cầu nối quốc tế, và các hỗ trợ về vốn, từ đó giúp các doanh nghiệp mạnh dạn phát triển nội dung mang đậm bản sắc Việt, phù hợp với nhu cầu giải trí của người dân trong nước.
Ngành công nghiệp sản xuất nội dung truyền hình, VOD (video theo yêu cầu hay âm thanh và video theo yêu cầu) của Việt Nam tuy chưa lớn mạnh nhưng lại vô cùng tiềm năng và có thực chất, điều đó có thể thấy qua các bộ phim truyền hình, tác phẩm điện ảnh.
Trong khi đó, hiện đang có quan điểm của một số doanh nghiệp nội hiện nay cho rằng người dùng Việt có tâm lý sính ngoại khi có vẻ “khoái” các nội dung từ các dịch vụ OTT xuyên biên giới hơn trong nước. Thực ra vấn đề không phải là sính ngoại hay không mà với người dùng, "hấp dẫn" là tiêu chí trước nhất.
Các OTT TV nội muốn có nhiều người dùng thì bản thân nội dung của họ phải hay. Hay ở đây không nhất thiết phải được đầu tư nhiều, nhưng ít nhất phải được đầu tư chỉn chu về nội dung, kỹ thuật hình ảnh, âm thanh và đặc biệt là mang dấu ấn văn hóa Việt.
Người Việt Nam nào cũng muốn xem những tác phẩm nội địa, vì ở đó họ thấy mình, cuộc sống của mình. Chẳng hạn, các phim Việt phỏng theo các tác phẩm văn học thời gian gần đây thu hút rất nhiều người xem và ủng hộ.
Người dùng có thể xem cả trăm ngàn bộ phim nước ngoài, nhưng ít ai có thể bỏ qua những bộ phim nội mang đậm bản sắc Việt, nơi có câu chuyện về cuộc sống, xã hội mà chính họ đang trải nghiệm mỗi ngày.
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn "Tìm chỗ đứng cho OTT Việt"
Loạt bài về OTT nội địa trong cuộc cạnh tranh với các nền tảng OTT xuyên biên giới đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.
Làm sao để các nền tảng giải trí trực tuyến của Việt Nam, nhất là phim ảnh, có thể phát triển bền vững hơn, thu hút thêm khán giả là câu hỏi cần rất nhiều đóng góp ý kiến từ cả giới chuyên môn lẫn người xem.
Vì thế Tuổi Trẻ tiếp tục mở ra diễn đàn "Tìm chỗ đứng cho OTT Việt".
Tham gia diễn đàn, ngoài những hiến kế, góp ý, bạn đọc có thể chia sẻ thêm những vấn đề còn băn khoăn, những giải pháp hữu hiệu hơn trong việc quản lý các sản phẩm giải trí, phim ảnh chiếu trên các nền tảng OTT...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận