
Giá cà phê tăng mạnh giúp nông dân thu lời lớn, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp - Ảnh: BÔNG MAI
Giá cà phê trong nước tại các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng vẫn đang neo ở mức cao vào hôm nay, dao động trong vùng 130.300 - 132.000 đồng/kg, tương đương tăng 10% so với đầu năm và tăng tới 65% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện giá cổ phiếu của nhiều công ty cà phê cũng tăng vọt, bủa vây bởi sắc xanh tăng trưởng và sắc tím tăng kịch trần trên sàn UPCoM.
Giá cổ phiếu cà phê tăng trần 15%/phiên
Ngay khi mở đầu phiên giao dịch hôm nay (18-2), mã chứng khoán CFV của Công ty cổ phần Cà phê Thắng Lợi lập tức nhận được sự chú ý, sau đó tăng trần gần 15% lên giá 33.800 đồng/cổ phiếu.
Trong khi mới phiên đầu tuần, cổ phiếu của doanh nghiệp này cũng đã đón nhận sắc tím. Như vậy chỉ trong vòng ba phiên gần nhất, mã CFV đã tăng tổng cộng gần 35%, bất chấp đang rơi vào diện bị cảnh báo.
Niềm vui cũng đến với nhà đầu tư cổ phiếu thuộc Công ty cổ phần Cà phê PETEC (mã PCF), khi giá hôm nay cũng tăng trần xấp xỉ 15%, cán mốc 7.100 đồng/cổ phiếu. Điều này góp phần giúp mã PCF tăng tổng cộng khoảng 43% trong bốn phiên vừa qua.
Là doanh nghiệp nổi bật ở Đắk Lắk, Công ty cổ phần Cà phê Ea Pốk chuyên trồng, sản xuất và chế biến cà phê xuất khẩu, sản xuất và tiêu thụ phân hữu cơ vi sinh, thu mua chế biến cà phê xuất khẩu…
Trên sàn chứng khoán, đối lập với diễn biến phiên đầu tuần, hôm nay mã EPC của doanh nghiệp đã đảo chiều và tăng trần 15% tròn trịa, cán mốc giá 11.500 đồng/cổ phiếu.
Thua lỗ trước biến động lớn, kỳ vọng năm 2025 ổn hơn
Cà phê đột ngột tăng giá mạnh trong hai năm trở lại đây, giúp nhiều nông dân ăn nên làm ra, trả được nợ nần, giàu có. Tuy nhiên với diễn biến thị trường khó lường, nhiều doanh nghiệp thu mua nguyên liệu để chế biến và xuất khẩu cà phê lại bị rơi vào tình huống khó khăn, thậm chí thua lỗ.
Nằm trong top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu cả nước, phía Công ty cổ phần Cà phê PETEC nhận định: Riêng ngành cà phê, trong nhiều năm qua luôn là chiến lược của Việt Nam, diện tích trồng tiếp tục tăng, nhu cầu ở mức cao và hiện vẫn tiếp tục tăng.
Về tình hình kinh doanh, năm qua doanh nghiệp mang về doanh thu gần 27 tỉ đồng (-87% so với cùng kỳ năm liền trước), lợi nhuận sau thuế chỉ nằm mức gần 61 tỉ đồng (-71%). Ngoài kinh doanh cà phê, công ty này còn kinh doanh hạt tiêu, hạt điều, xăng dầu...
Tính đến ngày cuối năm vừa qua, khối tài sản của Cà phê PETEC bị giảm còn 24,5 tỉ đồng, nợ phải trả cũng hạ xuống mức 3,2 tỉ đồng, trong khi đó vốn chủ sở hữu đạt hơn 21,2 tỉ đồng.
Có gần 50 hoạt động trong mảng trồng, chế biến, thu mua và xuất khẩu cà phê, năm 2024 Công ty cổ phần Cà phê Phước An (mã chứng khoán CPA) ghi nhận doanh thu hơn 30,3 tỉ đồng (+34%). Dù vậy, sau khi trừ giá vốn và các chi phí, doanh nghiệp bị lỗ ròng sau thuế gần 17 tỉ đồng, phần lớn nguyên nhân đến từ khoản lỗ của quý cuối năm.
Theo giải trình của bà Nguyễn Huyền Trâm - tổng giám đốc Cà phê Phước An - gửi đến cơ quan quản lý thị trường chứng khoán vào đầu năm 2025, sở dĩ quý cuối năm vừa qua bị lỗ là do tăng trích lập dự phòng công nợ khó đòi đối với các hộ hụt khoán của các vụ cà phê năm liền trước. Bên cạnh đó, khoản thu nhập khác cũng bị giảm.
Tại thời điểm cuối năm qua, doanh nghiệp có khối tài sản hơn 107 tỉ đồng, nợ phải trả hơn 66 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu gần 41 tỉ đồng.
Vào đầu năm 2025 này, ông Nguyễn Công Tiến - tổng giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai (mã FGL) - cũng đã phải giải trình với cơ quan quản lý thị trường chứng khoán.
Cụ thể, phía công ty cho hay quý cuối năm qua giá cà phê nhân xô cao đột biến, mốc 131.000 đồng là giá kỷ lục trong 27 năm trở lại đây.
Vì vậy sau khi trừ các chi phí quản lý, chi phí tài chính…, doanh nghiệp vẫn còn giữ lại được gần 4 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tiến triển hơn so với mức âm trước đó.
Tổng kết cả năm, Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai đạt doanh thu gần 16 tỉ đồng (+40%). Tuy nhiên sau khi trừ giá vốn và các chi phí, doanh nghiệp bị lỗ ròng sau thuế hơn 18 tỉ đồng. Đến ngày cuối năm gần nhất, doanh nghiệp này có khối tài sản xấp xỉ 118 tỉ đồng, nợ phải trả khoảng 94 tỉ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu 24 tỉ đồng.
Tháng đầu năm 2025, giá trị xuất khẩu cà phê tăng
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, xuất khẩu cà phê nhân trong tháng đầu năm 2025 đạt gần 137.600 tấn, với giá trị gần 695 triệu USD.
Mặc dù giảm khoảng 38% về khối lượng, nhưng tăng xấp xỉ 9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu vào Đức, Ý, Tây Ban Nha...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận