Ngụ ở xã An Sơn, huyện Kiên Hải (Kiên Giang), ông Lữ Văn Lếnh có hơn 10 năm kinh nghiệm cắt mai rừng về chưng Tết.
Ông cho biết bên cạnh các loài hoa xuân mang từ đất liền ra đảo như hoa cúc, cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, hoa vạn thọ..., từ ngày 15 - 20 tháng chạp hàng năm, người dân xứ đảo xã An Sơn lại chuẩn bị cưa, nước uống rồi chạy xe đi săn mai rừng ở hòn Củ Tron.
Để có được cành mai rừng, ông Lếnh nói, không phải dễ, phải leo qua những dốc đá trơn trượt lên tận núi cao tìm cây. Gặp mai rừng cũng không vội, ông thường quan sát tỉ mỉ, cây mai nào có tàn nhánh đẹp, lá to, nụ bông nhiều thì ông mới cắt.
"Mai rừng ở đảo Nam Du còn nhiều. Chúng thường sinh sống dọc các con suối ở hòn Củ Tron hoặc cặp hai bên dốc Ân Tình và bãi Mến. Mai rừng có sức sống tốt lắm. Chỗ nào đá nhiều thì mai rừng càng nhiều.
Thường tôi cưa gần gốc mai (cách đất chừng 10 - 20cm) để cây còn đâm chồi, lớn lên. Cưa vậy cây không chết mà ít năm sau quay lại cắt nhánh về chưng Tết nữa", ông Lếnh chia sẻ kinh nghiệm săn mai nhưng vẫn bảo tồn được cây.
Gặp được cây mai có tàn nhánh nhiều, đẹp rất quý. Mai rừng khi đốn xong, ông đem xuống núi rất cẩn thận. Cành càng ít bị trầy xước thì bông mai sẽ nở đều, đẹp hơn.
"Nhánh mai đem về vặt lá rồi bỏ vô thùng nước để bảo quản. Ngày 29, 30 Tết mai sẽ nở bông. Tùy nụ nhiều nụ ít có khi cũng bán được 300.000 - 500.000/thùng", ông Lếnh nói.
"Gần Tết, người dân lên rừng cắt mai về chưng nhộn nhịp lắm. Có người cắt về bán, có người hào sảng cho luôn" - ngồi kế bên ông Lếnh, chị Đoàn Thị Kim Mai vui vẻ góp lời.
Làm lụng cực khổ nhưng có mai rừng bán chưng Tết người dân ở xứ đảo Nam Du rất vui.
Niềm vui đó không chỉ dừng lại ở việc bán kiếm ít tiền mua quần áo mới cho con, cũng không chỉ để chưng ba ngày Tết, mà mọi người còn hy vọng một năm mới thịnh vượng, an lành, hạnh phúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận