25/10/2017 07:27 GMT+7

Săn 'ma cà rồng', hơn 200 người bị bắt

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Cảnh sát Malawi đã bắt giữ hơn 200 thành viên của các nhóm "săn ma cà rồng" tự phong, do đã giết hại ít nhất 9 người và gây ra các cuộc bạo động trong thời gian gần đây ở nước này.

Săn ma cà rồng, hơn 200 người bị bắt - Ảnh 1.

Bạo lực vì tin đồn ma cà rồng hút máu người khiến cuộc sống của nhiều người dân Malawi bị đảo lộn - Ảnh chụp màn hình

Miền nam Malawi, nơi đa số người dân vẫn tin có phù thủy, đã trở thành khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tin đồn ma cà rồng hút máu người. Ít nhất 9 người đã bị giết tại đây bởi những "thợ săn ma cà rồng" tự phong, theo Hãng tin Reuters.

Các cuộc "săn ma cà rồng" bắt đầu lan nhanh hồi tuần trước tại Blantyre, thành phố lớn thứ hai của Malawi. Ít nhất hai người đàn ông, trong đó có một người 22 tuổi, đã bị ném đá rồi thiêu sống với cáo buộc nói họ là loài quỷ hút máu.

Bất chấp sự phủ nhận của các chuyên gia y tế và các nhà khoa học, "ma cà rồng" vẫn là thứ gì đó gieo rắc nỗi kinh hoàng ở Malawi.

Ông Amos Daka - người đứng đầu Hiệp hội y khoa Malawi, khẳng định chưa có bất kỳ bằng chứng lâm sàng nào để chứng minh những người bị buộc tội là ma cà rồng.

Tình hình tại Malawi nghiêm trọng đến nỗi đã bùng phát thành bạo động chỉ vì các tin đồn quỷ hút máu người. 

Nhiều bác sĩ ở Malawi bị hành hung vì đám đông tin rằng họ dùng ống nghe để hút máu người. Xe cộ và các thiết bị y tế cũng bị đập phá trên đường cấp cứu bệnh nhân, theo thông tin từ hiệp hội của các bác sĩ.

Bạo lực đã khiến Đại sứ quán Mỹ và phái đoàn Liên Hiệp Quốc tại Malawi phải tuyên bố các vùng cấm đi lại đối với các nhân viên tại Malawi.

Trước đó, ngày 9-10, đại diện Liên Hiệp Quốc tại Malawi cho biết đã rút nhân viên khỏi hai khu vực ở miền nam Malawi do tình hình trở nên bất ổn, theo Reuters.

Một đợt bạo động liên quan đến những tin đồn về ma cà rồng cũng từng bộc phát tại Malawi vào năm 2002.

Tổng thống Peter Mutharika, trong khi bày tỏ lo ngại trước tin đồn, đã đến thăm một số khu vực bị ảnh hưởng bởi tình trạng bạo lực.

Sau các nước phương Tây, tin giả đã lan tới châu Phi và ngày càng trở nên phổ biến, khiến cuộc sống của không ít người bị đảo lộn.

Hiện vẫn chưa rõ kẻ nào đã tung tin đồn lần này. 

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên