11/08/2021 16:45 GMT+7

Săn lùng thuốc điều trị COVID-19 - Kỳ 2: Gian nan bào chế thuốc điều trị

DẠ THẢO
DẠ THẢO

TTO - Cơn sốt sử dụng thuốc tẩy giun Ivermectin để điều trị cho người mắc COVID-19 ở một số nước đã phản ánh nỗi lo lắng chung của con người trước đại dịch chưa từng có. Các nhà khoa học đã lao tâm khổ tứ tìm kế sách chống lại con virus hung hãn.

Săn lùng thuốc điều trị COVID-19 - Kỳ 2: Gian nan bào chế thuốc điều trị - Ảnh 1.

Bà Marie-José ở Aulnay-sous-Bois (Pháp) bị suy giảm miễn dịch do chạy thận nhân tạo - Ảnh: LP

Không phải ai muốn tiêm ngừa vắc xin COVID-19 cũng có sẵn vắc xin để tiêm, vậy người chưa kịp tiêm vắc xin mà lỡ mắc COVID-19 thì sao, có thuốc điều trị nào giúp họ giảm triệu chứng hay tránh tử vong không?

Thuốc kháng virus điều trị COVID-19 có thể đối phó với nhiều biến thể mới mà vắc xin đang lưu hành đã giảm khả năng bảo vệ.

TS DARIA HAZUDA

Thuốc và vắc xin phải "song kiếm hợp bích"

Các nhà khoa học đều đồng ý dù vắc xin là quan trọng nhất nhưng không thể xem vắc xin COVID-19 là vũ khí duy nhất đối phó với đại dịch này vì nhiều lý do.

Thứ nhất, không phải ai cũng có thể dùng vắc xin và được vắc xin bảo vệ, ví dụ như những người nhiễm HIV hoặc những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch (thông tin về độ an toàn của vắc xin COVID-19 với nhóm đối tượng này đến nay vẫn chưa đầy đủ), thậm chí là những người tránh né tiêm vắc xin vì lý do nào đó.

GS Xavier Nassif, tổng giám đốc Viện Pasteur ở Lille (Pháp), giải thích những người bị suy giảm miễn dịch do mắc bệnh ung thư hoặc sau ca ghép nội tạng thường có sức khỏe kém hay thậm chí mất khả năng bảo vệ bằng vắc xin vì cơ thể phát triển rất ít khả năng miễn dịch. 

Hơn thế nữa, họ còn có nguy cơ phát bệnh nặng hơn. Chính vì vậy cần phải có thuốc điều trị khi họ mắc COVID-19, và họ cần phải dùng thuốc trước khi nhập viện để tránh tình trạng quá tải bệnh viện.

Trung tuần tháng 6-2021, TS Anthony Fauci - cố vấn y tế Nhà Trắng - từng tuyên bố: "Thuốc kháng virus là một bổ sung quan trọng cho các loại vắc xin COVID-19 hiện có, đặc biệt đối với những người mắc một số bệnh có thể khiến họ gặp nguy cơ cao hơn và đối với những người ít được vắc xin bảo vệ hơn".

Thứ hai, như GS Pierre Cochat - chủ tịch Ủy ban minh bạch thuộc Cơ quan Y tế cấp cao Pháp -  nhận xét: hiện thời tỉ lệ tiêm chủng vắc xin vẫn còn ít trong khi rất nhiều người tiếp tục nhiễm bệnh và cũng chưa biết chừng nào mới đạt được diện bao phủ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cần thiết. 

Do đó, ông nhận xét: "Chúng ta không thể tách rời tiêm phòng vắc xin với nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19. Có nhiều yếu tố chứng minh vắc xin và thuốc điều trị không phải là hai phương thức bảo vệ riêng biệt nhau, mà cùng bổ sung cho nhau".

Thứ ba, như báo Le Monde lưu ý, chuyện "chia ngọt sẻ bùi" vắc xin giữa các quốc gia thành viên hệ thống COVAX chưa hẳn đã thuận buồm xuôi gió, vì vậy các nước nghèo khó có đủ vắc xin để tiêm như các nước phương Tây. 

Cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp nhằm mục đích đến cuối năm 2021 sẽ tiêm vắc xin COVID-19 cho 20% dân số của mỗi quốc gia thành viên. Mục tiêu này tuy đầy tham vọng nhưng không đủ để đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng, đồng thời trên thực tế rất khó đạt được.

Thứ tư, bản thân vắc xin cũng gây nhiều lo ngại. Quy trình sản xuất vắc xin đòi hỏi nguồn nguyên liệu đôi khi khó kiếm, vấn đề khai thác công nghệ rất đặc thù. Quan trọng là xảy ra trường hợp virus SARS-CoV-2 đột biến đến mức thoát khỏi phản ứng của vắc xin. 

Lúc đó, các nhà sản xuất phải mất thời gian để điều chỉnh công thức bào chế vắc xin. Nếu có thuốc điều trị COVID-19, mọi khó khăn sẽ được giải quyết.

TS Daria Hazuda, phó chủ tịch phụ trách bệnh truyền nhiễm và nghiên cứu vắc xin của Hãng dược phẩm Merck (Mỹ), giải thích: "Thuốc kháng virus điều trị COVID-19 có thể đối phó với các biến thể mới mà vắc xin đang lưu hành đã giảm khả năng bảo vệ. Như chúng ta đã biết, virus có thể đột biến và khi có nhiều chủng biến thể xuất hiện, hiệu quả của vắc xin trong tương lai vẫn còn để ngỏ".

Ngoài chức năng điều trị, các nhà khoa học còn hy vọng sử dụng thuốc điều trị COVID-19 để ngăn ngừa mắc bệnh. Ví dụ khi một người thân trong gia đình mắc COVID-19 phải cách ly tại nhà, những người còn lại có thể dùng thuốc để tránh lây nhiễm. Kinh nghiệm trước mắt chính là thuốc Tamiflu đã phát huy hiệu quả trong ngăn ngừa bệnh cúm.

Săn lùng thuốc điều trị COVID-19 - Kỳ 2: Gian nan bào chế thuốc điều trị - Ảnh 3.

Thuốc kháng virus Tamiflu điều trị bệnh cúm ở Singapore - Ảnh: AP

Virus SARS-CoV-2 rất phức tạp về sinh học

Thuốc kháng sinh như penicillin điều trị thành công các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn nhưng lại không đạt hiệu quả chống virus. Để loại bỏ virus cần thuốc kháng virus. Trong thời gian qua, các nhà nghiên cứu và các hãng dược đã nỗ lực tìm thuốc kháng virus SARS-CoV-2 nhưng đến nay vẫn chưa thành công. 

So với bào chế thuốc kháng sinh, bào chế thuốc kháng virus cực nhọc hơn, vì vậy thông thường phải mất nhiều năm để phát triển thành công một loại thuốc kháng virus mới.

Theo nghiên cứu viên chính Christine Carson ở Trường Khoa học y sinh thuộc Đại học Tây Úc và TS Rachel Roper ở Đại học East Carolina (Mỹ) phân tích, trở ngại lớn nhất trên con đường tìm kiếm thuốc điều trị COVID-19 xuất phát từ vấn đề sinh học.

Thuốc kháng sinh tiêu diệt được vi khuẩn vì tế bào vi khuẩn có thể sống độc lập mà không cần vật chủ. Trong khi đó khác với vi khuẩn, virus SARS-CoV-2 không thể sao chép độc lập mà cần tế bào vật chủ để sao chép. Để nhân lên, virus xâm nhập vào tế bào và chiếm quyền điều khiển tế bào. 

Vào được bên trong tế bào, một số virus nằm yên, một số khác sao chép chậm rồi dần dần thoát khỏi tế bào trong thời gian dài, một số virus khác nữa nhanh chóng tạo ra nhiều bản sao đến nỗi tế bào vật chủ vỡ ra và chết. Sau đó, các hạt virus mới được sao chép sẽ phát tán lây sang các tế bào vật chủ mới.

Bất kỳ thuốc kháng virus nào cũng có thể can thiệp hiệu quả vào từng giai đoạn trong vòng đời của virus. Khổ nỗi nếu thuốc đó tấn công virus trong tế bào vật chủ thì cũng có khả năng "đầu độc" luôn tế bào con người. Nói đơn giản: tiêu diệt virus thì dễ, nhưng giữ cho tế bào bệnh nhân còn sống lại khó hơn nhiều.

Một khó khăn khác là các chủng virus hiện nay khác nhau rất nhiều giữa chúng với nhau so với giữa các vi khuẩn với nhau. Mọi vi khuẩn đều có cùng bộ gene ADN sợi đôi. Chúng sao chép độc lập bằng cách tăng kích thước rồi phân chia phân nửa. 

Trong khi đó, các chủng virus rất đa dạng. Một số có bộ gene ADN, một số khác có bộ gene ARN. Vật chất di truyền của một số chủng này được tạo thành từ các ADN và ARN sợi đơn trong khi một số khác lại mang các ADN và ARN sợi kép. Do đó, hầu như không thể bào chế thuốc kháng virus có tác dụng đấu với nhiều chủng virus khác nhau.

Thấu hiểu mức độ phức tạp về sinh học của virus SARS-CoV-2 là điều rất quan trọng trong quá trình bào chế thuốc điều trị COVID-19. Vì lẽ đó, ngày 20-4 vừa qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thông báo thành lập "lực lượng đặc nhiệm thuốc kháng virus" nhằm tập trung phát triển các loại thuốc điều trị COVID-19 giúp người mắc COVID-19 điều trị tại nhà.

Một ví dụ thành công hiếm hoi trong bào chế thuốc kháng virus là thuốc kháng virus cúm A. Virus cúm A có tài đánh lừa tế bào con người. Sau khi xâm nhập, virus "cởi quần áo" (bỏ lớp ngoài) để giải phóng ARN, sau đó ARN được đưa đến nhân tế bào để bắt đầu quá trình nhân lên của virus.

Chuỗi sự kiện dẫn đến giải phóng ARN diễn ra êm xuôi nhờ một loại protein của virus được gọi là protein M2. Vậy nếu có thuốc ngăn chặn protein M2, ARN virus sẽ không thể rời khỏi hạt virus để đến nhân tế bào, từ đó chặn luôn quá trình lây nhiễm.

Cách tiếp cận này đã mang lại thành công. Thuốc điều trị cúm amantadine và rimantadine là các thuốc kháng virus đầu tiên tấn công protein M2. Các loại thuốc mới hơn hiện nay như zanamivir (Relenza) và oseltamivir (Tamiflu).

Trong ba chiến lược nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19, con đường nhanh nhất và đơn giản nhất là tìm tác dụng mới của các hoạt chất đã sử dụng.

Kỳ tới: Ba con đường tìm “thần dược”

Săn lùng thuốc điều trị COVID-19 - Kỳ 1: Ivermectin, Săn lùng thuốc điều trị COVID-19 - Kỳ 1: Ivermectin, 'thần dược' tẩy giun

TTO - Ngoài vắc xin, các nhà khoa học đang đau đáu nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19 nhằm giảm biến chứng, tránh nhập viện và giảm tử vong để có thể dập tắt đại dịch, hay ít nhất là bước sang thời kỳ 'bình thường mới sống chung với virus'.

DẠ THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên