Jho Low rất thích tiệc tùng với các diễn viên Hollywood - Ảnh: Getty Images
Jho Low đào tẩu ra nước ngoài gần 5 năm nay trong lúc đang bị Malaysia, Mỹ và Singapore truy nã.
"Không thể mua chuộc tôi vì sứ mạng của tôi là phụng sự đất nước và nhân dân. Nỗ lực đưa Jho Low ra trước công lý vẫn tiếp tục.
Tổng thanh tra cảnh sát Malaysia ABDUL HAMID BADOR
Từ cuộc gặp mặt trên siêu du thuyền
Trong đại án quỹ đầu tư 1MDB có hai nhân vật cộm cán là cựu thủ tướng Najib Razak và Jho Low. Năm 2009, ít lâu sau khi nhậm chức thủ tướng, ông Najib Razak đã chỉ đạo thành lập quỹ 1MDB với danh nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế. Quỹ 1MDB trực thuộc Bộ Tài chính nhưng thủ tướng Najib Razak lại có quyền phê duyệt các hạng mục đầu tư và quyết định nhân sự lãnh đạo.
5 năm sau, quỹ 1MDB mắc nợ lên đến 11 tỉ USD. Chuyện thua lỗ của quỹ 1MDB bị bại lộ vào năm 2015 khi trang web Sarawak Report của nhà báo điều tra Clare Rewcastle Brown tiết lộ sự việc. Clare Rewcastle Brown chào đời tại bang Sarawak, mang quốc tịch Anh. Bà có được tài liệu mật từ Xavier Andre Justo, người Thụy Sĩ, nguyên cán bộ Công ty dịch vụ dầu mỏ PetroSaudi ở London (Anh).
Đầu năm 2015, Xavier Justo đã tuồn cho bà 90GB dữ liệu gồm 227.000 email lấy từ máy chủ của PetroSaudi. Tài liệu rò rỉ gây chấn động dư luận. Nửa tá quốc gia có liên quan đã mở cuộc điều tra. Bà Loretta Lynch, bộ trưởng tư pháp Mỹ lúc bấy giờ, từng gọi đây là "vụ gian lận lớn nhất lịch sử Mỹ".
Theo điều tra riêng của Bộ Tư pháp Mỹ, vào tháng 8-2009 (tức 4 tháng sau khi ông Najib Razak giữ chức thủ tướng Malaysia), một cuộc gặp mặt bí mật đã được tổ chức trên siêu du thuyền dài 92m ngoài khơi Monaco. Tham dự cuộc gặp có những người sáng lập Công ty PetroSaudi cùng với thủ tướng Najib Razak và cánh tay phải Jho Low.
Vài tuần sau, một thỏa thuận liên doanh giữa PetroSaudi và quỹ 1MDB trị giá 2,5 tỉ USD được ký kết. Đầu tiên, quỹ 1MDB chuyển 1 tỉ USD trên danh nghĩa đầu tư vào liên doanh quỹ 1MDB - PetroSaudi.
Thật ra chỉ có 300 triệu USD được chuyển vào tài khoản liên doanh, còn 700 triệu USD còn lại đã chạy vào tài khoản công ty bình phong Good Star ở Thụy Sĩ mà Jho Low là người thụ hưởng. Đến giữa tháng 9-2010 và tháng 5-2011, quỹ 1MDB tiếp tục cho liên doanh vay thêm 830 triệu USD. Trong số này có 330 triệu USD chạy vào tài khoản Thụy Sĩ của Jho Low.
Cuộc điều tra của Mỹ kết luận quỹ 1MDB đã bị rút ruột hơn 4,5 tỉ USD trong 6 năm (từ năm 2009-2015). Tiền rút ruột được chuyển vào các tài khoản ở Thụy Sĩ, Singapore và quần đảo Virgin, và được rửa tiền qua hệ thống tài chính Mỹ để mua sắm tài sản ở Mỹ.
Bộ Tư pháp Mỹ xác định nhân vật chủ chốt trong kịch bản tham nhũng từ quỹ 1MDB chính là Jho Low, một gã sống xa hoa, thích mua sắm và tổ chức tiệc tùng cùng với các diễn viên Hollywood.
Jho Low sinh ra trong một gia đình giàu có trên đảo Penang. Cha từng làm giám đốc Công ty đầu tư MWE Holdings Bhd. Ông nội người gốc Quảng Đông gầy dựng cơ nghiệp trong ngành khai thác quặng sắt và nhà máy chưng cất rượu ở Trung Quốc và Thái Lan.
Lớn lên, "cậu ấm" Jho Low theo học trường nội trú Harrow nổi tiếng ở London (Anh). Tại Anh, Jho Low đã kết bạn với Riza Aziz, con trai riêng của cựu thủ tướng Najib Razak.
Sau đó, trong quá trình theo học tại Trường kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ), Jho Low lại có dịp kết bạn với một số con cháu hoàng gia Trung Đông. Do đó sau này Jho Low đã xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với nhiều nhân vật có thế lực ở Malaysia rồi dần dà trở thành "đệ tử ruột" của thủ tướng Najib Razak lúc còn cầm quyền.
Tháng 10-2018, tòa án Malaysia công bố lệnh bắt giữ Jho Low theo Luật chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và thu lợi bất chính năm 2001 cùng Luật ủy ban chống tham nhũng Malaysia 2009 (sửa đổi năm 2018). Tháng 6-2019, đến lượt Interpol phát lệnh truy nã đỏ. Jho Low phải đối mặt với 13 cáo buộc về các tội tham ô và rửa tiền.
Ánh mắt thất thần của cựu thủ tướng Najib Razak trong phiên tòa ngày 28-7-2020 ở Kuala Lumpur - Ảnh: Getty Images
Cựu thủ tướng và "đệ tử ruột"
Cuối tháng 7-2020, tòa án cấp cao ở Kuala Lumpur đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu thủ tướng Najib Razak. Công tố viên nhận định bị cáo Najib Razak giữ vai trò chủ chốt trong đại án quỹ 1MDB.
Ông Najib Razak nhận tội nhưng biện bạch đã bị Jho Low lừa và Jho Low mới chính là người dàn dựng tất cả. Tòa kết luận bị cáo Najib Razak đã phạm bảy cáo buộc về các tội rửa tiền, lạm quyền, lạm dụng chức vụ và quyền hạn, tuyên án 12 năm tù và buộc bị cáo nộp phạt 210 triệu ringgit (49 triệu USD). Ngày
23-12, vụ án này sẽ được đưa ra xử phúc thẩm.
Cùng bị truy tố vắng mặt với Jho Low còn có Patrick Andrew Marc Mahony, người Anh và Tarek Essam Ahmad Obaid, người Saudi Arabia, hai cựu giám đốc Công ty PetroSaudi bị buộc tội rửa tiền và thông đồng với cựu thủ tướng Najib Razak để nhận hoa hồng. Luật pháp Malaysia quy định người không phải công dân Malaysia vẫn bị buộc tội vì bất kỳ hành vi tham nhũng hình sự nào thực hiện tại Malaysia.
Hiện thời các nước liên quan đang tiếp tục nỗ lực thu hồi nhiều tỉ đôla Mỹ thất thoát từ quỹ 1MDB trong khi "con cá lớn" Jho Low vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Tháng 11-2019, báo chí tiết lộ Jho Low từng được cấp quốc tịch Cyprus theo chương trình thu hút vốn đầu tư Golden Visa của Cyprus năm 2015. Kế đến lại có thông tin Jho Low được cấp hộ chiếu đảo quốc Saint Kitts và Nevis (vùng Caribbean).
Trong lần hiếm hoi trả lời báo The Straits Times (Singapore) từ một nơi bí mật vào đầu năm 2020, Jho Low cho biết đã được một quốc gia châu Âu đồng ý cho tị nạn hồi tháng 8-2019, nhưng không nêu rõ nước nào mà chỉ tiết lộ đó là một quốc gia đã gia nhập Công ước châu Âu về nhân quyền (ECHR - có 47 quốc gia ký kết).
Tháng 2-2020, cảnh sát Malaysia thông báo tin tình báo cho biết Jho Low có mặt ở Vũ Hán (Trung Quốc) nhưng không rõ có rời Vũ Hán trước khi có lệnh phong tỏa do đại dịch COVID-19 hay không. Ngoài ra, lại có tin đồn Jho Low lánh mặt ở nơi nào đó tại Hong Kong hoặc đã đến Los Angeles (Mỹ). 5 tháng sau, cảnh sát Malaysia tuyên bố nghi ngờ Jho Low đang lẩn trốn ở Macau. Đại sứ quán Trung Quốc tại Malaysia khẳng định đây là thông tin vô căn cứ.
Theo điều tra riêng của kênh truyền hình Al Jazeera (Qatar), Jho Low đã lưu trú qua nhiều nơi trên thế giới như Bangkok (Thái Lan), Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), Ahmedabad (Ấn Độ) và từ tháng 2-2018 đã lấy "thủ đô cờ bạc châu Á" Macau làm chốn dung thân...
Sau khi nghỉ hưu sớm, ông Xavier Justo đến Thái Lan mua đất xây khách sạn trên đảo du lịch Koh Samui. Tháng 6-2015, trong lúc Justo chờ cấp phép kinh doanh khách sạn, bất ngờ cảnh sát Thái Lan ập vào khách sạn quật Justo xuống đất, còng tay và khám xét văn phòng.
Cảnh sát thông báo Justo bị bắt vì đòi Công ty PetroSaudi chung chi 2,5 triệu USD để đổi lấy dữ liệu bị lấy cắp. 2 tháng sau, Tòa án hình sự Nam Bangkok (Thái Lan) kết án Justo 3 năm tù về tội tống tiền. Sau 1 năm giam giữ, ông được trả tự do, trở về Thụy Sĩ sống rất kín tiếng.
Đến ngày 25-4-2018, Justo tổ chức họp báo ở Zurich tố cáo Công ty PetroSaudi thao túng báo chí để bôi nhọ uy tín ông, rồi kiện hai giám đốc điều hành của PetroSaudi về nhiều tội danh như đe dọa, tống tiền.
***********
Vài tháng trước khi rời chức vụ bộ trưởng, Dan Etete cấp quyền thăm dò lô dầu khí béo bở cho công ty cánh hẩu. Tiền bán chác lô dầu đã được Dan Etete chuyển ra nước ngoài để mua nhà đất, máy bay.
Kỳ tới: Sống xa hoa nơi xứ người
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận