Ngày 3-2, ghi nhận của Tuổi Trẻ tại Sóc Trăng, bà con một số huyện như Châu Thành, Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên... đã bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân.
So với mọi năm, dù năng suất lúa vụ này giảm đáng kể nhưng với giá bán cao hơn cũng giúp bà con nông dân có lợi nhuận khá tốt.
Nông dân trúng mùa, được giá
Ông Nguyễn Văn Toàn (xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), vừa thu hoạch 2ha giống lúa C10, cho biết chưa khi nào thương lái "săn lùng" mua lúa gạo nhiệt tình như năm nay. Khi lúa còn chưa ngậm sữa, thương lái đã tìm đến đặt cọc.
"Năm nào cũng được thương lái chào đón như vậy thì nhà nông đỡ khổ biết mấy. Họ mua lúa tại ruộng trên 7.000 đồng/kg, tăng gần 1.500 đồng/kg so với vụ hè thu. Tiếc là năng suất vụ này khá bèo, chỉ hơn 5 tấn/ha" - ông Toàn kể.
Theo ông Toàn, năng suất lúa đông xuân năm nay giảm một phần do mưa trái mùa và tâm lý sợ lỗ của nông dân.
"Giá lúa giậm chân tại chỗ, trong khi chi phí phân bón, thuốc trừ sâu... đều tăng mạnh nên người trồng lúa không mạnh tay đầu tư. Không bón đủ phân, đủ thuốc nên năng suất không như mong đợi. Nếu biết trước lúa bán được giá, tôi đã chơi lớn rồi" - ông Toàn giải thích.
Trong khi đó, nhiều nông dân trồng giống lúa thơm ST24 được doanh nghiệp bao tiêu, trúng mùa và trúng giá. Bà Sơn Thị Út (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên) cho hay vụ này bà làm 1ha lúa ST24.
"Theo thỏa thuận, doanh nghiệp sẽ mua hết với giá trên 8.000 đồng/kg. Chưa thu hoạch nhưng tôi cũng tính được kết thúc vụ mùa sẽ lời được bao nhiêu nên tập trung chăm sóc và đầu tư. Vụ này tôi lời kha khá, khoảng 30 triệu đồng" - bà Út khoe.
Còn ông Trần Văn Dừng (xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, An Giang) cho biết vừa thu hoạch 7ha lúa IR50404 trên bờ bắc kênh Vĩnh Tế giáp Campuchia trước Tết Quý Mão. Thương lái đã thu mua lúa với giá 6.500 đồng/kg.
"Tôi điện thoại là thương lái đến nhà liền, nhanh lắm và họ cũng quyết định giá ngay, không ngã giá lâu như trước. Khi mua xong là họ quyết định ngày thu hoạch luôn. Nếu trừ hết chi phí, tôi có lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/ha" - ông Dừng chia sẻ.
Theo ông Dừng, do chi phí sản xuất lúa tăng cao nên người làm lúa có lợi nhuận nhưng không được nhiều.
"Nếu chi phí thấp, lúa không bị bệnh, không phun xịt thuốc, mình sẽ có lời nhiều lắm. Năm nay, năng suất khoảng 7,4 tấn/ha cũng được lắm. Nhờ bán lúa trước Tết nên năm nay ăn Tết hoành tráng" - ông Dừng vui vẻ nói.
Ông Nguyễn Thành Phước - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng - thông tin vụ lúa đông xuân 2022-2023, Sóc Trăng xuống giống trên 171.000ha, tập trung vào các nhóm giống lúa đặc sản, lúa thơm.
"Khác với mọi năm, vụ đông xuân này bà con xuống giống rải vụ. Điều này không tạo áp lực thu hoạch dồn cùng một thời điểm, tránh bị thương nhân ép giá. Hiện Sóc Trăng đã thu hoạch được trên 30.000ha" - ông Phước nói.
Doanh nghiệp vừa vui vừa lo
Cũng theo ông Phước, thời tiết bất lợi và chi phí tăng mạnh đã ảnh hưởng đến năng suất (bình quân chỉ khoảng 5,4 tấn/ha).
"Xuất khẩu rộng cửa nên giá lúa gạo những ngày đầu năm ở mức cao, nông dân có lời. Ngoài chuyển hướng sản xuất giống lúa chất lượng và hữu cơ, Sóc Trăng đang đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trong đầu tư và tiêu thụ sản phẩm.
Thậm chí trước khi xuống giống, nông dân đã biết được mình lời lỗ thế nào, để an tâm gắn bó với đồng ruộng" - ông Phước cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hiền, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, cho biết tính đến ngày 2-2, địa phương này đã thu hoạch lúa đông xuân được 1.823ha tại hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, chủ yếu là giống IR 50404 và OM 5451.
Giá lúa IR 50404 dao động từ 6.400 - 6.500 đồng/kg và OM 5451 dao động từ 6.600 - 6.800 đồng/kg.
"Nhìn chung giá lúa đầu vụ cao nhưng năng suất không cao so với các vụ khác vì lúa đầu vụ bị ảnh hưởng thời tiết lạnh khi lúa trổ bông hồi đầu năm. Vụ đông xuân là vụ chính trong năm, được sản xuất với quy mô lớn nhất và lúa sẽ thu hoạch rộ vào tháng 3 tới" - ông Hiền nói.
Theo ông Trương Kiến Thọ - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, với việc Trung Quốc mở cửa thị trường, nhu cầu gạo sẽ tăng, xuất khẩu có nhiều khả quan, thậm chí xuất khẩu có thể tăng nhẹ vào đầu năm.
Giá lúa đông xuân sẽ từ 5.700 đồng/kg trở lên. Trong vụ đông xuân, toàn tỉnh có 200.000ha sản xuất, ước thu hoạch đạt trên 1,7 triệu tấn lúa.
Một lãnh đạo Công ty TNHH lương thực Tấn Vương, đơn vị có vùng nguyên liệu tại An Giang, Kiên Giang và Cà Mau, cho biết đã xuất khẩu nhiều lô hàng nhỏ (khoảng 2.000 tấn) sang một số nước với giá khá tốt, dao động từ 400 - 600 USD/tấn tùy theo loại gạo.
"Nhiều người nói Trung Quốc mở cửa, nhu cầu cần gạo nhiều, nhưng chúng tôi vẫn còn lo bởi giá lúa gạo trong nước đang cao", vị này nói.
Ông Huỳnh Văn Thòn - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, đơn vị đã xuất 10.000 tấn gạo trong tháng 1-2023 và dự kiến đạt sản lượng xuất khẩu từ 50.000 - 60.000 tấn trong quý 1-2023 - cho biết xuất khẩu gạo năm nay khả quan hơn.
Tuy nhiên, giá lúa gạo trong nước đang cao, chưa kể tỉ giá biến động mạnh, nên doanh nghiệp phải có nhiều giải pháp khác để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sản xuất lúa và xuất khẩu.
Sản lượng xuất khẩu và kim ngạch đều tăng
Theo số liệu tổng hợp của Hiệp hội Lương thực VN (VFA), lượng gạo xuất khẩu từ ngày 1-1 đến 15-1-2023 đạt hơn 226.000 tấn, tăng 41,04% so với cùng kỳ năm 2022, với kim ngạch gần 115 triệu USD, tăng 41,29%.
Cũng theo VFA, trong tháng 12-2022, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 500.000 tấn với kim ngạch khoảng 257 triệu USD, nâng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo cả năm 2022 lên 7,17 triệu tấn và 3,49 tỉ USD, tăng gần 14,9% về khối lượng và 6,2% về giá trị so với năm 2021.T.Mạnh
Tăng sản xuất lúa chất lượng cao
Bên lề hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp tỉnh An Giang, ông Huỳnh Văn Thòn - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời - cho biết năm nay Lộc Trời mở rộng sản xuất lúa với quy mô trên 2 triệu tấn, đồng thời phối hợp với 11 đơn vị ký cam kết bán cho Tổng công ty Lương thực miền Bắc hơn 500.000 tấn lúa.
Do đó, ngoài 105.000ha lúa nguyên liệu/vụ trong năm nay, doanh nghiệp mở thêm 50 - 60 mã số vùng trồng trên cây lúa, thành lập mới và củng cố khoảng 40 - 50 hợp tác xã, tăng cường diện tích vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu đến các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...
Đặc biệt, doanh nghiệp này tiếp tục thực hiện cam kết giảm 1 triệu lít hóa chất xuống đồng ruộng thông qua việc ứng dụng cơ giới hóa, thiết bị bay không người lái (drone) vào tổ chức sản xuất.
Giá gạo xuất khẩu tăng
Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh An Giang, trong tháng 1-2023, địa phương này đã xuất khẩu trên 45.000 tấn gạo, tương đương 24,76 triệu USD, với giá xuất khẩu gạo trung bình khoảng 547,5 USD/tấn, tăng 2,30% về sản lượng và tăng 2,32% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Đồng Tháp đã thu hoạch trên 60.300ha, năng suất bình quân 6,8 tấn/ha ở các huyện: Cao Lãnh, Tháp Mười. Chủ yếu là giống OM18, Đài Thơm 8, IR 50404, OM 5451...
Giá dao động từ 6.300 - 7.050 đồng/kg. Lượng gạo xuất khẩu của Đồng Tháp trong tháng 1 ước đạt 27.800 tấn, kim ngạch ước đạt 14 triệu USD, bằng 94% về lượng và bằng 84% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo 5% xuất khẩu hiện vào khoảng 473 USD/tấn, tăng 15 USD/tấn so với đầu tháng 1-2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận