Những ngày gần Tết, tàu thuyền từ biển khơi trở về neo đậu sau một chuyến đánh bắt dài ở biển, cũng là thời điểm lý tưởng cho người bắt vẹm đen, họ ví von là săn lộc trời.
Chiếc ghe nhỏ chầm chậm len lỏi vào từng chiếc tàu biển cỡ lớn. Một lớp vẹm bám dày đặc quanh vỏ chiếc tàu 800CV, hai người đàn ông reo lên: "Trúng mánh rồi!".
Vừa có tiền, đáy tàu thêm sạch
Ông Nguyễn Văn Định (49 tuổi, trú Đà Nẵng) vội vã mặc bộ quần áo người nhái, ngậm một ống dây nhựa gần chục mét dẫn oxy từ chiếc máy nén oxy trên ghe, đeo kính lặn, mang hai chiếc chân vịt.
"Có khi lặn sâu xuống nước, áp suất nước khiến lồng ngực mình đau nhói" - ông Nguyễn Văn Định
Cái rổ nhựa cột ngang bụng, tay cầm mảnh sắt hình vuông gắn với thanh gỗ để cạy vẹm (giống cái sủi tường của cánh thợ xây), ông Định nhảy ùm xuống nước. Một ngày săn vẹm ở đáy tàu bắt đầu.
Tay thoăn thoắt, ông dùng cái sủi cạy lớp vẹm đen sì bám thành chùm dày cộm quanh vỏ tàu, bỏ vào rổ đeo bên người rồi tiếp tục ngụp lặn xuống sâu hơn nữa, chỉ thấy mặt nước nơi ông lặn xuống sủi vũng bọt to.
Chừng nửa giờ sau ông ngoi lên mặt nước với một rổ vẹm đầy ắp, trên ghe ông Nguyễn Văn Hòa (53 tuổi) chờ sẵn đỡ lấy rổ vẹm cho vào bao.
Cứ thế ông Định lại ngụp lặn, ngoi lên với số vẹm bắt được, nhẩm tính cũng vài chục kg. "Sáng nay gặp đúng chiếc tàu neo đậu dài ngày nên vẹm đen bám nhiều" - ông Định thở hổn hển nói.
Âu thuyền Thọ Quang là vùng nước lợ giao thoa giữa cửa biển và sông. Đây là con nước lý tưởng cho loại vẹm đen sinh trưởng, đây là loại nhuyễn thể, động vật thân mềm có hai mảnh vỏ.
Chúng có kích thước to chừng đầu ngón tay, vỏ màu đen, sinh sống bám vào các vách đá, vỏ tàu. Loại vẹm đen ở đây ít thịt nhưng lại là thức ăn lý tưởng cho các loại hải sản, đặc biệt là tôm hùm.
Những thợ săn vẹm thường bán cho thương lái vận chuyển vào Khánh Hòa, Phú Yên cung cấp cho những hộ nuôi tôm hùm làm thức ăn cho tôm.
Cạy vẹm ở vỏ tàu thì chủ tàu có nói gì không? Ông Định đáp: "Họ còn mừng bởi mình làm sạch đáy tàu giúp họ. Vẹm bám vào sẽ ảnh hưởng đến vỏ tàu, mình bắt làm sạch vỏ tàu, giúp tàu chạy nhanh tiết kiệm nhiên liệu hơn".
"Lộc trời" nhưng cũng lắm gian nan
Đứng trưa, những bóng người lầm lũi ngụp lặn dưới nước với tất tả mưu sinh. "Tranh thủ nước triều rút cạn lặn xuống sẽ đỡ hơn, chứ chiều nước dâng cao lặn xuống sâu mệt lắm" - ông Trần Văn Quyết (54 tuổi), ngoi lên mặt nước với rổ vẹm, nói.
Mặc dù trên người mặc ba lớp áo gồm áo mưa, áo lặn, áo quần vải nhưng khi lặn sâu xuống nước ông Quyết vẫn cảm nhận được cái lạnh tê tái.
Tám năm nay, ông cùng vợ lặn lội từ Quảng Nam đến Đà Nẵng thuê trọ mưu sinh với cái nghề lặn bắt vẹm đen ở âu thuyền.
Ông kể hành nghề này ngoài mặc đồ lặn chuyên dụng thì phải dùng máy nén cung cấp oxy, dây dẫn khí hàng chục mét. Một người lặn xuống nước thì người trên ghe phải trông máy, quan sát mặt nước, bọt khí để điều chỉnh công suất máy nén phù hợp.
"Nghề lặn vẹm đòi hỏi người đàn ông có sức khỏe tốt, khi lặn xuống sâu, áp lực của nước sẽ khiến người mình hoa mắt, ù tai. Thậm chí có khi lặn sâu ống dây dẫn oxy quấn vào đá, bị kẹp gấp khúc lại nên thiếu oxy thở, phải mau ngoi lên" - ông Quyết kể.
Để lặn xuống nước, trên người ông Quyết quấn thêm một vòng chì nặng hơn chục kg và một dây thừng cột quanh người phòng có sự cố gì thì người đứng trên ghe còn kéo lên kịp.
Những khi tàu ra biển, ông Quyết còn lặn xuống những vách đá dưới đáy nước bắt vẹm. "Có khi gặp những hòn đá nhọn hoắt, mảnh vỡ thủy tinh, gạch, chai lọ, sắt dưới đáy không khéo sẽ khiến mình đứt tay" - ông Quyết bộc bạch.
Bà Tăng Thị Luyến, vợ ông Quyết, kể mỗi ngày hai vợ chồng quần quật với con nước kiếm được khoảng vài trăm nghìn đồng. Mỗi kg vẹm được thương lái mua với giá 4.000 đồng, một ngày chồng bà lặn bắt được chừng 100kg, trúng lắm thì 200-300kg.
"Thấy vậy thôi chứ vất vả lắm, tờ mờ sáng đã đi, chiều tối mới về, nhưng bù lại cũng đỡ ngày công, không phải vất vả như ở quê" - bà Luyến tâm sự.
"Nghề lặn cũng lắm hiểm nguy. Có khi lặn sâu xuống nước, áp suất nước khiến lồng ngực mình đau nhói. Cả ngày dầm mình dưới nước sâu lạnh lắm nhưng cũng cố vì nghề săn vẹm này có tiền, còn hơn thất nghiệp" - ông Định bộc bạch.
Còn ông Hòa kể mình ở Thừa Thiên Huế, mấy năm qua do dịch COVID-19 nên thất nghiệp. Biết đến cái nghề lặn săn vẹm ở âu thuyền nên rủ ông Định hành nghề kiếm sống qua ngày, bình quân mỗi ngày bắt được 100-200kg vẹm bán cho thương lái.
"Mỗi ngày vất vả hụp lặn anh em chia nhau người vài trăm nghìn. Những ngày gần Tết tàu neo đậu nhiều nên vẹm bám dưới đáy vỏ cũng dày đặc, nhờ vậy anh em tui kiếm cũng được tiền triệu. Tranh thủ săn vẹm kiếm ít đồng về quê ăn Tết, chừng 28-29 tháng chạp thì chúng tôi nghỉ" - ông Hòa kể thật lòng.
Bà Phạm Thị Thanh, một tiểu thương thu mua vẹm đen ở âu thuyền Thọ Quang, cho biết những năm gần đây thị trường ở các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên rất chuộng loại vẹm đen ở Đà Nẵng.
"Giá vẹm dao động từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, các tiểu thương thu mua từ những thợ lặn rồi vận chuyển vào các tỉnh trên, những chủ hồ nuôi tôm hùm sẽ mua lại làm thức ăn cho tôm" - bà Thanh nói.
Khác với những người đàn ông có sức khỏe lặn xuống nước bắt vẹm ở vỏ tàu, tại âu thuyền Thọ Quang còn có bóng dáng nhiều người phụ nữ cả ngày ngâm mình dưới nước, mò những tảng đá dưới đáy có vẹm bám quanh. Chị Trang (38 tuổi) từ 5h sáng đã có mặt tại đây để bắt vẹm.
"Mỗi ngày kiếm chừng 100.000 - 200.000 đồng, cũng đỡ một ngày công, có tiền sắm sửa trong nhà dịp Tết" - chị Trang tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận