Trước đó, ngày 29-6, tại đại hội trù bị đã có rất nhiều vấn đề cấp bách và đáng quan tâm của sân khấu TP được các đại biểu nêu ra.
Cảnh trong vở Tình cha của sân khấu Nụ Cười Mới. Sau khi Trung tâm văn hóa Q.10 thu hồi để sửa chữa, sân khấu Nụ Cười Mới di chuyển về Nhà văn hóa Sinh viên, vốn không phải là điểm quen của khán giả kịch nói - Ảnh: Nguyễn Lộc |
Trong bản báo cáo về hiện trạng hoạt động sân khấu thời gian qua, bà Hồng Dung - phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM - thừa nhận: “Hoạt động sân khấu TP đang có chiều hướng đi xuống”.
Bản báo cáo nêu rõ bên cạnh những nguyên nhân khách quan và chủ quan, hiện đang có những mâu thuẫn lớn khiến sân khấu TP gần như bế tắc và chưa tìm được phương cách hợp lý để giải quyết triệt để.
Đừng để sân khấu xã hội hóa bị thoái trào
Mâu thuẫn đầu tiên được nêu ra trong tình hình hoạt động của sân khấu hiện nay là sự lựa chọn giữa làm vở nghệ thuật và giải trí đơn thuần. Mặt bằng chung, các sân khấu xã hội hóa đều phải làm theo xu hướng giải trí với đủ loại đề tài như kịch ma, kinh dị, đồng tính, tâm linh, trinh thám hoặc nghiêng về những đề tài vui nhộn, gây cười.
Để tồn tại và tranh giành thị phần, nhiều sân khấu xã hội hóa đã “nỗ lực” khai thác các đề tài có màu sắc “rùng rợn mê ly” nhằm thu hút khán giả.
Trong khi đó, các chương trình truyền hình bùng nổ, lượng phim Việt trên sóng gia tăng đã lôi kéo một lực lượng đông đảo các nghệ sĩ sân khấu. Sân khấu ngày càng thiếu diễn viên trầm trọng, khiến việc duy trì lịch diễn và tập luyện vở mới ngày càng khó khăn. Chính những khó khăn đó khiến việc dựng vở ngày càng nhanh và ẩu.
Dù mỗi năm có khoảng 30 - 40 vở được dàn dựng nhưng tuổi thọ các vở diễn rất ngắn vì chất lượng vở khiến khán giả chán nản. Mấy năm gần đây, sân khấu TP đã thiếu vắng những tác phẩm đỉnh cao.
Bà bầu Hồng Vân đau đáu: “Biết bao nhiêu nơi thèm khát hoạt động sân khấu xã hội hóa như ở TP.HCM mà họ không thể làm được. Chúng ta đã gầy dựng như vậy mà không giữ được thì uổng lắm. Là người quản lý sân khấu, tôi nhận thấy đến lúc này các sân khấu xã hội hóa đang bị suy thoái. Chúng ta phải cùng đồng tâm hiệp lực từ các cấp quản lý tới các đơn vị tư nhân, nếu không thì đến lúc nào đó sân khấu xã hội hóa sẽ bị thoái trào!”.
Điêu đứng vì thiếu điểm diễn
Vấn đề điểm diễn là bức xúc lớn khiến các ông bà bầu sân khấu đau đầu và tranh cãi căng thẳng. Đạo diễn Trần Minh Ngọc nhấn mạnh: “Điểm diễn là yêu cầu thiết yếu của hoạt động sân khấu, không có điểm diễn sân khấu không thể tồn tại được!”.
Tác giả Lâm Quang Tèo nhấn mạnh: “Đây là vấn đề tôi nghĩ hội cần lên tiếng mạnh mẽ, kiến nghị quyết liệt. Chuyện về điểm diễn tôi đã từng nghe ông Nguyễn Thành Tài nói sẽ có từ khoảng 15 năm nay rồi mà giờ cũng im lặng, không thấy gì cả!”.
Có thể nói các đơn vị xã hội hóa đang điêu đứng vì điểm diễn ngày càng thu hẹp. Các trung tâm văn hóa quận mà các sân khấu xã hội hóa thuê không có nhiều, lại bị xuống cấp. Có nơi đổi địa điểm mới khang trang như sân khấu Hoàng Thái Thanh thì lại khá xa, không mấy thuận lợi cho khán giả xem kịch.
Nụ Cười Mới rời Trung tâm văn hóa Q.10 về với Nhà văn hóa Sinh viên cũng không phải là chốn quen với khán giả kịch. Sân khấu Thuần Việt cũng không thể trụ lại Trung tâm văn hóa thiếu nhi Q.2 quá sáu tháng...
Các đại biểu đã kiến nghị mấy điểm: Nhà nước nên xây dựng nhiều điểm diễn để các sân khấu xã hội hóa thuê lại với giá ưu đãi, đầu tư xây dựng các nhà hát nghệ thuật hát bội, nhà hát cải lương, nhà hát kịch nói như biểu tượng văn hóa của TP.
Nhà nước cũng cần quan tâm nhiều hơn đến sân khấu xã hội hóa, nếu đơn vị nào làm tốt, mạnh dạn đặt hàng vở diễn cho họ; cần tổ chức các trại viết, sáng tác để phát triển đội ngũ tác giả, tìm ra những kịch bản tốt; cần có tiếng nói công tâm trong việc xét duyệt NSƯT, NSND...
Nâng cao tiếng nói của hội
Một trong những vấn đề khác mà các đại biểu đặt ra là sự kết nối của hội với các hội viên còn yếu. Có những hội viên còn nghi ngờ vai trò của hội và tự hỏi: vào hội để làm gì? Đạo diễn Hoàng Duẩn nói: “Tại sao nhiều người trách thời gian qua hội hoạt động không hiệu quả? Tôi thì thấy tạm thời trong hội đã có những người làm nghề tốt nhưng vấn đề là hội đang thiếu một người... kiếm tiền! Trong cơ chế thị trường hiện nay, hội phải năng động chứ không như cơ quan nhà nước ngồi đó chờ rót kinh phí...”.
Trong khi đó, soạn giả Đăng Minh lại nhìn nhận khác: “Thật ra, tôi nghĩ hội cũng như là lư hương để anh em nghệ sĩ đặt niềm tin và tình cảm vào đó. Trong nhiệm kỳ trước, phải nhìn nhận ông Lê Duy Hạnh quá giỏi nên đã có những hoạt động nâng cao vị trí của hội, khiến các hội viên chỉ thấy tầm quan trọng của hội mà không thấy được vị trí của sở và các cấp có thẩm quyền ở trên. Thật ra, hội nằm dưới sở, hội có quyền gì đâu và tiền thì cũng rất hạn chế. Quyền quyết định là ở trên”.
Đạo diễn Trần Ngọc Giàu, tân chủ tịch của hội, phát biểu: “Trong nhiệm kỳ mới, chúng tôi sẽ cố gắng giữ được sân khấu như nó đã từng chứ không phải như hiện nay. Cấp bách xây dựng, gắn kết thật tốt, chặt chẽ giữa hội viên và các hoạt động của hội”.
Trong hai ngày diễn ra đại hội, vì lý do sức khỏe nên ông Lê Duy Hạnh, chủ tịch hội nhiệm kỳ 2010 - 2015, đã không tham dự được. Từ 190 phiếu bầu được phát ra, kết quả đại hội đã bầu ban chấp hành mới gồm: ông Trần Ngọc Giàu - chủ tịch, bốn phó chủ tịch gồm ông Võ Trọng Nam, bà Hồng Dung, Hoa Hạ và Hồng Vân. Trưởng ban kiểm tra là họa sĩ Lê Văn Định. Các thành viên ban chấp hành: ông Trần Anh Kiệt, Tôn Thất Cần, đạo diễn Trần Minh Ngọc, Trần Văn Hưng, soạn giả Hoàng Song Việt, nghệ sĩ Mỹ Uyên, Kim Tử Long, nhà báo Thanh Hiệp, bà Mỹ Phượng... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận