Ngoài việc đổi tên Idecaf, ông Tuấn còn chia sẻ hàng loạt hoạt động của Công ty sân khấu nghệ thuật Thái Dương trong quý 3-2023 và quý 1-2024.
Kịch Idecaf khôi phục trên 20 vở diễn ăn khách
Ông Tuấn cho biết lý do đổi tên thành Nhà hát kịch Idecaf để phát triển nhiều hơn các hoạt động biểu diễn kịch chuyên nghiệp phục vụ cộng đồng như sân khấu Sử Việt học đường, sân khấu ngoại khóa giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh (với các đề tài tâm lý, giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp...).
Từng bước giao lưu, dàn dựng với nhiều đối tác trong và ngoài nước.
Trong kế hoạch của mình, Nhà hát kịch Idecaf sẽ khôi phục dàn dựng, biểu diễn trở lại trên 20 vở diễn từng ăn khách của Idecaf như 12 bà mụ, Tấm Cám, Hợp đồng mãnh thú, Mưu bà Tú, Tía ơi má dìa, Con ma nhà hát, Cậu Đồng, Cái tráp vàng...
Bên cạnh đó, trong tháng 10, 11 và Tết 2024, Nhà hát kịch Idecaf sẽ dựng 4 vở mới đề tài hiện đại với ê kíp tác giả, đạo diễn trẻ như Quang Thảo, Đình Toàn, Thái Kim Tùng...
Nhà hát Thanh Niên trực thuộc công ty cũng sẽ dựng thêm hai vở mới.
Khôi phục chương trình Ấn tượng 25 năm Idecaf và ra mắt sân khấu Sử Việt.
Trước đây công ty từng thực hiện rất nhiều vở sử Việt như Ngàn năm tình sử, Bí mật vườn Lệ Chi, Vua thánh triều Lê, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Thánh Gióng, Trần Quốc Toản, Đinh Bộ Lĩnh, Ngô Quyền.
Trong quý 3-2023, công ty làm tiếp ba vở lịch sử, gồm Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt (tác giả: Phạm Văn Quý, đạo diễn: Hoàng Duẩn); Trần Thủ Độ - Anh hùng và gian hùng (tác giả: Lê Chí Trung, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt); Nữ đại đế Mê Linh dựng cả bản kịch và cải lương.
Ông Tuấn chia sẻ với những vở lịch sử dựng mới, không chỉ chăm chút về kịch bản, dàn dựng, diễn viên, ông chú trọng nhiều đến phục trang, âm nhạc.
Ông đã đi khảo sát một số trung tâm nghiên cứu phục trang ở Huế để mong muốn đầu tư phục trang phản ánh đúng thời đại, triều đại.
Ông muốn người xem không chỉ thưởng thức vở diễn mà còn được đắm mình trong không gian văn hóa, lịch sử.
Sẽ diễn lại những chương trình Ngày xửa ngày xưa cũ theo đợt
Ông Tuấn nói thêm từ lúc hợp tác mở Nhà hát Thanh Niên, ngoài kịch người lớn, ông nhận thấy đây là địa điểm đẹp nên quyết định tận dụng để phục vụ trẻ con.
Theo đó, ông sẽ cho phục dựng những chương trình Ngày xửa ngày xưa cũ hấp dẫn và diễn theo đợt vào những dịp đặc biệt.
Chẳng hạn một chương trình sẽ diễn theo đợt chừng 10 suất liên tục tại Nhà hát Thanh Niên để thỏa cơn khát kịch thiếu nhi.
Mỗi vở cũng khống chế không quá 150 phút.
Công ty cũng có sự thay đổi về nhân lực. Nghệ sĩ Đình Toàn sẽ là người phụ trách theo dõi, chăm sóc phần nghệ thuật biểu diễn của Nhà hát kịch Idecaf. Còn đạo diễn Hồng Ngọc phụ trách Nhà hát Thanh Niên.
Ông Tuấn bày tỏ giai đoạn đầu sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng công ty sẽ nỗ lực để người làm nghề, khán giả làm quen với lực lượng mới.
Ông vui vẻ cho biết: "Mừng là khá nhiều vở mới ở Idecaf đang được khán giả đón nhận như Một ngày làm vua, Thuốc đắng giã tật, Sắc màu, Tơ duyên...".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận