Đó là những câu hỏi được bạn đọc nêu ra.
Cũng trong giả thiết “nếu” sân golf bị thu hồi, đó sẽ là dự án "đoản mệnh", mất đi tiền tỉ đầu tư. Đứng về góc độ kinh tế, chẳng ai muốn có những dự án "đoản mệnh” như thế.
Bởi nền kinh tế chỉ phát triển khi nhà đầu tư bỏ tiền ra phải thu đủ vốn và lãi, tạo việc làm, sản phẩm cho xã hội, đóng thuế cho nhà nước...
Ngược lại, cũng theo tinh thần đó, nếu không có dự án làm sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất thì thời gian qua người dân không phải bức xúc trước vấn nạn kẹt từ trên không lẫn dưới đất.
Và nếu không có sân golf trong sân bay, chắc chắn có nhiều lựa chọn hơn khi tính toán mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, chứ không phải chờ đợi như hiện nay.
Nhưng nhìn rộng hơn, để nền kinh tế phát triển bền vững, lành mạnh thì phải bớt đi những dự án đoản mệnh, không để những dự án "đoản mệnh" kìm hãm cơ hội phát triển của xã hội. Muốn vậy, cũng có chữ “nếu” đặt ra, nhất là cho các nhà đầu tư.
Trong trường hợp của nhà đầu tư sân golf, ai cũng biết chỉ làm sân golf chắc chắn không có lời, lợi nhuận chủ yếu đến từ bất động sản, trong đó có khách sạn và căn hộ. Như nhà đầu tư sân golf Tân Sơn Nhất thừa nhận phải có khách sạn 500 phòng, dự án 1.000 căn hộ cho thuê để khách chơi golf buổi tối, khi đó sân golf mới hiệu quả.
Dù dưới hình thức nào, khách sạn, căn hộ cũng đích thị là bất động sản. Đã nói đến đầu tư bất động sản thì thời gian thu hồi vốn cần nhiều năm. Liệu có ai dám bỏ ngàn tỉ đồng làm bất động sản mà việc khai thác có thể bị rút ngắn vì xây dựng trên đất có thể bị thu hồi?
Đành rằng trong kinh doanh, nhà đầu tư luôn chấp nhận rủi ro ở mức độ nào đó. Nhưng đổ ngàn tỉ đồng xây sân golf và xa hơn nữa là khách sạn, căn hộ... trên đất có thể bị thu hồi thì đó không còn là rủi ro kinh doanh có thể chấp nhận được, mà là khoản đầu tư cực kỳ mạo hiểm theo kiểu “được ăn cả ngã về không”, ít nhà đầu tư nào dám phiêu lưu.
Chắc chắn rằng nếu nhà đầu tư đừng tin vào một khả năng nào đó có thể giúp dự án tồn tại và phát triển theo ý muốn của nhà đầu tư, có khách sạn, có căn hộ... sẽ khó có những dự án đầy mạo hiểm dạng như sân golf mọc lên trong sân bay.
Còn với cơ quan quản lý, nếu chặt chẽ hơn trong quy hoạch dự án, nhìn xa hơn hướng phát triển... sẽ loại bớt những dự án chết yểu, không làm lỡ cơ hội phát triển của xã hội như trường hợp ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Và sẽ còn những chữ “nếu” khác khi phải thực hiện tuyên bố của chủ đầu tư sân golf Tân Sơn Nhất: “Sẵn sàng bàn giao nhưng phải bồi thường”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận