Lịch thi đấu World Cup nữ 2023 tại bảng E, tuyển nữ Việt Nam gặp đương kim vô địch - tuyển Mỹ vào lúc 8h (giờ Việt Nam) ngày 22-7 trên sân Eden Park - một sân vận động mang nhiều ý nghĩa lịch sử với người dân bản địa.
Ngọn núi của cây Whau
Ngày nay Eden Park là sân vận động quốc gia của New Zealand với sức chứa 50.000 chỗ ngồi, nằm ở trung tâm thành phố Auckland - lớn nhất đất nước.
Theo website của sân, khách du lịch có thể bỏ ra 40 USD cho khoảng 90 phút trải nghiệm "như một cầu thủ hay huấn luyện viên trên sân cỏ thiêng liêng số 1 lịch sử".
Nhưng có lẽ sẽ ít ai giới thiệu ngay cho bạn biết sân Eden Park còn được gọi là Ngā Ana Wai - tên vùng đất mà sân tọa lạc trong ngôn ngữ của những người Maori bản địa.
Từ những ngày đầu khai hoang khoảng năm 1350 đến khi sử sách được ghi chép kỹ càng vào nửa cuối thế kỷ 18, nơi đây là vùng đầm lầy ngập nước có hệ thống hang động ngầm. Liên minh bộ lạc Te Waiohua coi đây là nguồn tài nguyên cung cấp đa dạng thực phẩm, vật liệu sinh hoạt.
Trong bài viết "Câu chuyện ẩn sau Eden Park - Ngā Ana Wai" được trang tin teaomaori đăng tải vào tháng 2-2023, anh Paora Puru - một hậu duệ của Te Waiohua - chia sẻ: "Ngā Ana Wai là vùng đất có ý nghĩa văn hóa to lớn. Chúng tôi đã có mặt ở đây hơn 1.000 năm và Te Waiohua vẫn hiện diện tại nơi này".
Về cái tên Eden, vốn xuất phát từ tên ngọn núi là điểm tự nhiên cao nhất ở Auckland. Người dân Maori bản địa gọi núi này là Maungawhau - nghĩa là ngọn núi của cây Whau (một loài cây đặc hữu của New Zealand). Sau này ngọn núi được đặt theo tên của George Eden - bá tước đầu tiên của Auckland (1784-1849).
Eden Park từng được trưng dụng là nhà xác
Trong tài liệu "Balmoral and Sandringham Heritage Walks" (tạm dịch: Đi trên miền di sản Balmoral and Sandringham), từ năm 1843, phần sân Eden Park hiện tại nằm trong một trang trại của tư nhân.
Đến giai đoạn 1899-1903, Eden Park mới dần thành hình một sân đấu thể thao khi các đội cricket địa phương thuê và cải tạo một phần đất làm nơi thi đấu.
Đến giai đoạn 1911-1913, Liên đoàn cricket kết hợp cùng Hiệp hội rugby thành phố Auckland tiếp quản sân và thực hiện các công tác xây dựng, mở rộng cơ sở vật chất cho đến ngày nay.
Trong quãng thời gian 1920, sân từng là nơi tọa lạc của một trường dùng để đào tạo giáo viên cho các vùng nông thôn. Sau đó khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 nổ ra, sân còn từng được trưng dụng là... nhà xác.
Năm 1950, Eden Park từng là sân đấu chính của kỳ Đại hội thể thao đế chế Anh (British Empire Games) cuối cùng, trước khi đổi tên thành Đại hội thể thao Khối Thịnh vượng chung (Commonwealth Games).
Những năm 1960-1970, nơi đây tổ chức nhiều sự kiện quy mô lớn của cả Chính phủ và Hoàng gia New Zealand.
Eden Park: Nơi chứng kiến màn so kè giữa tuyển Việt Nam và Mỹ
Trải qua nhiều giai đoạn xây mới, mở rộng, năm 2010 là lần gần nhất sân Eden Park được xây mới một phần, cố định sức chứa 50.000 chỗ ngồi để đăng cai giải vô địch rugby thế giới 2011, với tổng kinh phí khoảng 240 triệu USD - số liệu từ trang nzherald.co.nz.
Eden Park là nơi chứng kiến nhiều thời khắc lịch sử của tuyển cricket và rugby New Zealand. Đặc biệt với đội tuyển rugby New Zealand, sân được coi như biểu tượng bất khả chiến bại. Tại đây, họ có tỉ lệ chiến thắng trên 85%, giành 2 chức vô địch thế giới 1987, 2011. Nhất là từ năm 1994 đến nay, tuyển rugby New Zealand có chuỗi 48 trận bất bại trên sân bóng này.
Với bóng đá, sân Eden Park từng tổ chức 4 trận đấu quốc tế của đội tuyển quốc gia New Zealand và kết quả... toàn thua. Trong đó có trận thua 0-1 trước Israel tại vòng loại Olympic 1988 và 3 trận thua ở các lần giao hữu.
"Đã có rất nhiều lần đầu tiên diễn ra tại Eden Park, bao gồm cả những khoảnh khắc rất muốn quên. Có lẽ lịch sử đã nâng cao danh tiếng của sân đấu này.
Tôi không rõ những người quản lý sân sau này sẽ nghĩ như thế nào, nhưng câu chuyện lịch sử vẫn tiếp diễn", ông Graham Walton - cán bộ truyền thông sân Eden Park - nói vào tháng 2-2013 nhân dịp 100 năm thành lập sân trên trang Stuff.
Theo lịch thi đấu World Cup nữ 2023, ngoài trận đấu giữa tuyển nữ Việt Nam - tuyển nữ Mỹ, sân Eden Park còn tổ chức 5 trận đấu vòng bảng, 3 trận đấu thuộc vòng knock-out.
Với riêng tuyển nữ Việt Nam, Eden Park còn là sân đấu gần nơi đóng quân của đội nhất trong 3 sân thi đấu tại đấu trường đẳng cấp nhất bóng đá nữ thế giới.
Vào tháng 10-2022, HLV Mai Đức Chung cùng các cán bộ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) từng có 4 ngày đi khảo sát các địa điểm thi đấu của đội tuyển nữ Việt Nam.
Khi đó, ông Mai Đức Chung hài lòng với điều kiện sân cỏ, các phòng chức năng và chỉ lo ngại về thời tiết tháng 7 tại New Zealand thường lạnh và có gió lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận