Chiếc mũ báu vật của nhà sưu tầm Vũ Kim Lộc - Ảnh: T.LỘC
Đó là kỷ vật tình yêu thuộc người cô đã quá cố của bà ở Sài Gòn.
"Săn" những trang đời
Dòng chảy thời gian đã trôi qua với bao cuộc dâu bể, những kỷ vật trai gái một thời đó cũng thất tán khi người cô này qua đời. Và có ai ngờ người cháu ở nước ngoài về lại bất ngờ tìm thấy chúng trong đống đồ bạc màu thời gian bên đường Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp (TP.HCM)...
Tôi cố tâm sự, bà Việt kiều vẫn kiệm lời, không chịu kể thêm về những kỷ vật tình yêu đó. Nhưng chỉ nhìn gương mặt xúc động của bà, tôi cũng hiểu chúng "vô giá" dường nào. Chủ đống đồ lạc xoong ngó mặt khách, hét giá 400.000 đồng cho mấy tấm ảnh dính lá thư tay cũ kỹ.
Người đàn bà nọ đưa tờ 500.000 đồng rồi đi ngay mà không chờ thối tiền. Mắt bà vẫn đỏ hoe. Những khách hàng không hiểu chuyện, nhìn theo cười. Họ nghĩ bà bị "chém", vì mấy bưu ảnh đầy bụi bặm đó thường có giá không quá vài chục ngàn bạc...
Sáng chủ nhật, tôi tiếp tục "săn" đồ lạc xoong ở vỉa hè Nguyễn Thị Minh Khai, rồi "chạy sô" sang đường Phó Đức Chính (Q.1), Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp). Như có duyên kỳ lạ, tôi bắt gặp rất nhiều hiện vật kỷ niệm, từ những bức ảnh, những lá thư tình cũ đến các bưu thiếp kèm lưu bút, chữ ký xưa. Không nhiều người săm soi những thứ quá đặc biệt này, nhưng ai đã mê thì khó rời đi mà không móc tiền ra.
11h trưa, một "thợ chạy" (dân mua bán đồ lạc xoong không cố định một chỗ) rủ tôi sang "săn" ở cuối đường Võ Thị Sáu cạnh công trường Dân chủ. Một bà ve chai cũng đang đẩy chiếc xe ba bánh từ phía Lý Chính Thắng tới. Cả chục "thợ chạy" vây quanh.
Người thì săm soi máy móc cũ, kẻ khác lật xem chồng tranh sơn mài vẽ chưa hoàn thiện, chưa ký tên, có lẽ từ họa sĩ quá cố nào đó... Trong tiếng í ới hỏi han, kỳ kèo giá cả, tôi thoáng thấy gói giấy tờ cũ là kỷ vật của cô gái nào đó với 2 cuốn nhật ký đề năm 1966 kèm theo cả xấp thư tay, ảnh chụp, thẻ thư viện...
Đang lần giở những tâm tư với chữ viết nắn nót ngày xưa, tôi nhận điện thoại từ nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn: "Nghe bên Cao Minh có bán bản thảo sách Nghệ sĩ Bửu Lộc, cuộc đời và sự nghiệp của Văn Thanh". Tức tốc đến chợ phiên đồ cổ Cao Minh (đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh), chúng tôi đành thở dài. Người bán đã nhận tiền cọc của vị khách ẩn danh nào đó.
Ông Sơn xin mượn xem tập bản thảo những thành tựu nghệ thuật và ngày tháng cuối cùng của Bửu Lộc (1911-1986), một vị nhạc sư tài danh của đàn ca cổ Huế trong trạng thái xúc động. Cũng dễ hiểu, trước năm 1975, ông Sơn nhiều lần đến nhà nhạc sư ở Sài Gòn và được tận tình sẻ chia thành quả nghiên cứu, sáng tác...
Trong lúc ông Sơn sống lại hồi ức, tôi thoáng trông qua chồng giấy bên cạnh và giật mình phát hiện nhiều di cảo của Văn Thanh, một nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc quá cố. Tôi cầm ngay tập bản thảo sách Tìm hiểu ca Huế và dân ca Bình - Trị - Thiên. Bên trong, toàn bộ in ronéo trên giấy pơluya, đầy chỗ chỉnh sửa viết tay, dán kèm nhiều bức ảnh xưa có chú thích viết tay...
Chưa hết, "trống ngực" tôi lại thình thịch với các tập trường ca Mẹ Việt Nam xuất bản năm 1965, 1969 và Con đường cái quan có chữ ký "tươi" của nhạc sĩ Phạm Duy đề "thân tặng Văn Thanh", "cho Văn Thanh". Giá mấy tập nhạc hiếm xưa chưa đến 2 triệu đồng.
Ông “Tây balô” cũng mê đồ lạc xoong đường Nguyễn Kiệm - Ảnh: T.L.
Chiếc mũ vua từ...tin vỉa hè
Rời chợ phiên đồ xưa, tôi ghé thăm nhà sưu tầm và phục chế mũ xưa Vũ Kim Lộc ở Q.1. Ông khoe vừa phục chế chiếc mũ xuân thu thời chúa Nguyễn.
"Nó đây, báu vật quý giá nhất mà tôi sở hữu. Bất ngờ lắm, từ thông tin vỉa hè đó" - ông Lộc hưng phấn kể một chiều ngồi hóng chuyện ở cà phê vỉa hè đường Lê Công Kiều (Q.1) thì bất ngờ được một "thợ chạy" mách nước: "Vừa rồi ở Huế có ông đưa xem mấy đồ bạc chạm đẹp, hình như đồ mũ xưa". Nghe tả, ông đoán chắc là nhóm đồ bạc của chiếc mũ xưa.
Tức tốc về Huế tìm người bán, rồi được cầm trên tay những món đồ cổ cực hiếm mà ông Lộc rộn cảm xúc. Đó là 4 trang sức hoa có món đính viên thủy tinh màu, 4 con giao long, một con dơi, 6 hình dây lá... Người bán cho biết mua lại từ một nhà ở Huế, họ làm vườn tình cờ đào được cái hũ sành chứa đồ nặng khoảng 3 lượng bạc, và chịu bán giá gần 10 triệu đồng. "Nhiều thứ đồ năn nỉ gãy lưỡi mà giá trên trời, có khi đem về lại đồ giả. Còn lần này lại gặp được báu vật. Đúng là phải duyên mới gặp được" - ông Lộc tâm sự.
Tỉ mỉ nghiên cứu, ông nhận định đây là mũ xuân thu của quan võ thời chúa Nguyễn sử dụng cho hàng chánh ngũ phẩm. Là nghệ nhân làm mũ cổ gần như duy nhất của Việt Nam hiện nay, từng phục chế 4 chiếc mũ vua Nguyễn cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, ông Lộc tạo khuôn xốp cho chiếc mũ, đan phần cốt bằng lông đuôi ngựa và gắn hoàn chỉnh các đồ vật trang trí cổ xưa trên đó.
"Mấy chục năm sưu tầm, tìm hiểu và phục chế mũ xưa, đây là lần đầu tiên tôi mua được trọn bộ đồ cổ của chiếc mũ xưa, đặc biệt là chiếc mũ xưa nhất chưa từng thấy. Tất cả đều nhờ vào... vỉa hè" - ông Lộc vui vẻ kể.
Kỷ vật thư từ, giấy tờ… của một “người xưa” trên vỉa hè - Ảnh: T.L.
Sự thú vị, độc đáo của các “chợ trời lạc xoong” là thế. Vỉa hè đường Nguyễn Kiệm chuyên bán đồ điện gia dụng, nhất là điện thoại cũ, nhưng thi thoảng khách vẫn có thể tìm thấy... thư tình viết trên bưu thiếp của ai đó.
Chợ Nhật Tảo nổi tiếng hàng điện tử, đặc biệt là tivi, máy nghe nhạc và máy tính cũ, nhưng một ngày tôi đã thấy lẫn trong đó... bức tranh vẽ phố cổ được ký tên Bùi Xuân Phái. Chỉ có điều khó biết nổi Phái thật hay Phái giả.
Sưu tầm tivi trắng đen, máy hát đĩa kim, bàn ủi than...
Thử máy hát cũ tại chợ phiên đồ xưa Cao Minh - Ảnh: T.LỘC
Nếu như người bán đồ lạc xoong vỉa hè đều cùng mục tiêu kiếm sống, thì "thợ săn" lại nhiều khác biệt. Có người chỉ mục đích mua đồ rẻ về xài lại. Họ lục lọi trong đống vàng thau lẫn lộn mà tìm đồ tốt, đồ hiệu giá bèo.
Một số người khác lại chuyên đi săn đồ quý, đồ có giá lẫn trong đống phế thải. Họ mua rẻ, bán đắt, bỏ vốn trăm ngàn, nhưng có thể lời 1 triệu, thậm chí hàng triệu. Loại thứ ba đặc biệt hơn, đó là dân sưu tầm. Họ tìm tòi đồ xưa, đồ hiếm trong những thứ tưởng chừng bỏ đi, để làm dày bộ sưu tập của mình.
Trong đồ điện máy, dân sưu tập đang chuộng các tivi trắng đen kiểu cũ, thậm chí còn cửa lùa trước màn hình. Máy nghe nhạc thì phải là máy hát đĩa kim hoặc Akai chạy băng cối, tệ nhất cũng phải là máy cassette cách đây trên 30 năm. Nhiều người lại thích sưu tầm quạt máy cổ, kể cả những bàn ủi than hơn nửa thế kỷ trước...
Q.M.
(còn tiếp)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận