15/07/2019 21:06 GMT+7

Săn 'đồ độc' vỉa hè - Kỳ 1: Chợ lạc xoong lúc 5h sáng

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Trong vai 'thợ săn' các chợ lạc xoong Sài thành, chúng tôi trải nghiệm nhiều chuyện 'độc, lạ', từ hàng hóa thượng vàng hạ cám, kẻ mua - người bán 'kỳ dị' đến chiêu thức giao dịch có một không hai...

Săn đồ độc vỉa hè - Kỳ 1: Chợ lạc xoong lúc 5h sáng - Ảnh 1.

Ông Hùng bán đồng hồ vui tính ở vỉa hè Nguyễn Thị Minh Khai - Ảnh: THÁI LỘC

Ở các "chợ trời" vỉa hè đó như có những cuốn phim chiếu chậm ngược dòng Sài Gòn 100 năm qua với biết bao kỷ vật, ký ức gần gũi, thân thương.

Mới gần 5h sáng, trời còn mờ mịt, dưới ánh đèn đường vàng leo lét, dăm bảy người bày biện hàng hóa trên mấy tấm bạt ở vỉa hè trước cao ốc 198 Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM).

Tìm "đồ độc" lúc mặt trời chưa mọc

Lát sau, vài người nữa chở mấy bao đầy đồ lạc xoong đổ xuống vỉa hè. Người mua cũng đông dần. Nhiều khách còn cầm cả điện thoại hoặc đèn pin săm soi đồ. Thôi thì đủ thứ, từ máy móc nghe nhạc cũ đến túi xách, đồ lưu niệm, mắt kính, mà nhiều nhất là điện thoại, iPad và đồng hồ bạc màu thời gian...

Ngoài dân "a ma tơ" (nghiệp dư) đi thể dục tò mò dừng chân, có khá nhiều "thợ săn" hàng chuyên nghiệp. Nam, người bán hàng nhẵn mặt khu này, vừa xổ bao lạc xoong thì Hưng, "thợ săn" nhà nghề, liền chớp ngay cặp muỗng bạc, trong khi người đàn ông bên cạnh nhìn thấy nhưng do đứng xa chỉ kịp chỉ tay. Hưng cầm chặt cặp muỗng bạc, trả 150.000 đồng cho người bán trong lời lầm bầm của ông nọ: "Tôi chỉ tay trước mà"...

Nhộn nhạo nhất trong đám "thượng vàng hạ cám vỉa hè" này là bạt đồng hồ của ông Hùng đến từ Q.7. Khách đông săm soi từng tí. Cách bán của ông Hùng cũng vui vẻ, chỉ cần nhỉnh hơn giá vốn hai, ba chục ngàn đồng là ông "đẩy" ngay. Có lúc chưa thấy ai mua, ông rao to át tiếng xe cộ: "Mua đi, mua đi. Vài chục ngàn có cái đồng hồ coi giờ đi... ị" khiến ai cũng bật cười.

Một khách quen cao hứng khoe với ông Hùng cái đồng hồ đeo tay: "Hàng zin nghen, chưa khui". "Nhiêu mà ngon vậy cha?". "Có trăm rưỡi". Đó là chiếc đồng hồ Thụy Sĩ cũ kỹ, song còn "nguyên đai nguyên kiện" do khách nọ vừa mua được từ một bà ve chai đẩy xe mang tới. "Bả đó, nói nhiêu tui đưa nhiêu" - anh ta vừa nói vừa chỉ bà bên chiếc xe đầy đồ ve chai. "Ngon nghen" - ông Hùng cười...

Nhiều năm rồi, khu chợ lạc xoong vỉa hè này họp đều đặn từ trước 5h sáng đến gần 7h, chỉ khi cao ốc mặt tiền mở cửa người bán kẻ mua mới tản dần. Riêng chủ nhật chợ không họp. Nhiều người dạt qua chợ Nhật Tảo (Q.11), số khác sang mua bán ở chợ đồ cổ Cao Minh (Q.Bình Thạnh)...

Cứ canh me đồ dọn đống từ nhà giàu ra vỉa hè, kiểu gì cũng có hàng hiệu giá bèo.

Lan ("thợ săn" đồ vỉa hè)

Phiếu bảo hành... hàng chục triệu bạc

Mấy tháng trước, một buổi trưa, anh Nguyễn Quốc Dũng - chủ quán cà phê Ôtô Xưa đường Lý Chính Thắng - đang rà xe trên đường Hoàng Sa, bất ngờ thấy bà ve chai đẩy xe ba bánh. Nhìn trong mấy thùng giấy nát, anh thoáng thấy cái đồng hồ treo tường cũ kỹ. Dừng lại xem kỹ, anh nhận ra đó là đồng hồ hiệu Odo, không chạy, vỏ gỗ đã bạc màu bụi bặm.

Mở cửa đồng hồ, Dũng giật mình: một tờ hóa đơn cũ nằm trong nilông dùng hắc ín dán sau quả lắc. "Bả hô 5 triệu, nói đang chở lên khu Bùi Thị Xuân bán. Tui đòi mua, bả gật đầu nhưng chắc giá đó. Cuối cùng, bả cũng bớt cho tui năm trăm, còn bốn triệu rưỡi, đem về mà sướng rơn à" - anh Dũng kể.

Anh tỉ mỉ tra cần lên dây, quả lắc lại rung động, kim nhích đều đặn, đúng giờ chuông đổ hay lạ lùng. Dũng lấy khăn mềm cẩn thận lau bụi, gỗ cũ lại lên nước sáng bóng, tất cả đều còn zin, không chút tì vết. 

Đặc biệt, cái phiếu bảo hành chữ Hoa và Pháp của hiệu đồng hồ Hiệp Thành số 69 Boulevard Charner, Saigon (đường Nguyễn Huệ, Q.1) đề ngày bán 5-9-1953, tạm dịch: "Đây là phiếu bảo hành của tiệm đồng hồ Hiệp Thành, Sài Gòn, chuyên đồng hồ nổi tiếng các nước; phiếu bảo hành có giá trị 1 năm, nếu máy móc bị phá hỏng thì không chịu trách nhiệm"...

Anh Dũng chụp hình đưa lên mạng, bạn bè trầm trồ, "like mạnh" cái phiếu bảo hành đã hơn nửa thế kỷ. Nhiều người dạm mua, họ tự ra giá như kiểu đấu giá cao dần, lên đến 70, 80 triệu đồng. Dũng mân mê tấm phiếu bảo hành xưa mà khoe với tôi: "Có giá nhờ cái giấy cũ kỹ này đây, giờ đồng hồ xưa phần nhiều không còn phiếu bảo hành".

Là chủ quán cà phê có thú "săn đồ độc" trong máu, hễ rảnh là sớm Dũng ghé chợ vỉa hè Nguyễn Thị Minh Khai, trưa sang cuối đường Võ Thị Sáu "canh me" mấy bà ve chai. Có khi tối mịt, anh còn lê la chợ Nhật Tảo. 

Quán Dũng giờ bày cả ngàn "đồ độc", từ đồng hồ, máy hát, quạt điện, tranh ảnh xưa, đồ gốm sứ, đồ đồng... Nhiều món trong số đó lên đến hàng chục triệu đồng, có nguồn từ... bà ve chai.

Săn đồ độc vỉa hè - Kỳ 1: Chợ lạc xoong lúc 5h sáng - Ảnh 3.

Anh Dũng và phiếu bảo hành đồng hồ Odo - Ảnh: THÁI LỘC

Thú "săn" đồ hiệu

Có lẽ xôm tụ nhất trong "giới lạc xoong" Sài thành vẫn là khu chợ Nhật Tảo. Trong vai "săn" có mặt khi trời chập choạng, tôi bám ngay Tùng - "thợ chạy" (dân buôn đồ cũ/cổ mua hàng khắp nơi, không chỗ bán cố định...), chừng 40 tuổi - đang bày những bao hàng lên vỉa hè giao lộ Lý Thường Kiệt - Tân Phước. Thôi thì đủ thứ "thượng vàng hạ cám", từ đồ gốm sứ, đũa, muỗng, loa, mạch điện tử, túi xách phụ nữ... Thậm chí còn có cả tấm hộ chiếu của một cô gái đã hết hạn.

Vừa dọn hàng, Hùng vừa khoe mình mới trúng "bao lô" đồ đạc linh tinh của gia đình chuẩn bị đi nước ngoài nên có nhiều đồ xịn, giá mềm. Cả chục khách xúm lại, lọc lựa, hỏi giá, kỳ kèo om sòm... 

Một bà trung niên vẻ sang trọng, nhanh tay "chớp" ngay hai chai nước hoa nổi tiếng của Pháp đã dùng hết nửa, rồi mở nắp đưa lên mũi ngửi. "Tám chục" - bà đưa tờ 100.000, nhận lại 20.000 tiền thối, miệng cười toe toét vì ưng bụng...

Lan, cô gái trẻ, lôi chiếc túi da màu đỏ dưới đống hàng rồi hỏi thẳng: "Nhiêu?". "Trăm rưỡi". "Thôi, trăm nha". Chủ hàng gật cái rụp. Lan đưa tiền mà mừng rơn. Cô biết rõ cái túi chỉ cũ kỹ chút, nhưng là hàng hiệu có giá shop hàng triệu đồng. Kinh nghiệm người lãnh lương hành chính bèo bọt nhưng mê đồ hiệu như Lan là "cứ canh me đồ dọn đống từ nhà giàu ra vỉa hè, kiểu gì cũng có hàng hiệu giá bèo"...

Tìm lại kỷ niệm gia đình

"Hôm đó, tui ứa nước mắt bất ngờ thấy lại kỷ niệm ba mình" - bà Trần Thị Phượng, ở đường Hiệp Nhất, P.4, Q.Tân Bình, tâm sự mới năm ngoái bà ra chợ Nhật Tảo thì tình cờ bị hút mắt vào đống máy hát cũ kỹ. Bà chú ý nhất cái máy Akai nghe băng cối, loại mà cha bà đã dành lương giáo viên mua được từ 50 năm trước.

"Lật xem, tôi bật khóc tại chỗ khi góc trái máy vẫn còn dấu khắc chữ T.V.T. kỷ niệm tên ba tôi. Cuộc trùng phùng kỳ lạ quá" - bà Phượng nói và kể thêm sau năm 1975, cha bà phải bán máy hát để đong gạo. Nhưng bà vẫn nhớ mãi những tuồng cải lương Hoa Mộc Lan, Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà... nghe từ đĩa cối của máy hát. Không biết 44 năm trôi dạt thế nào, nó lại trở về đúng gia đình bà. Chủ tiệm kêu 16 triệu đồng, bà mua ngay vì sợ người khác lấy mất dù không còn nghe được nữa. (QUỐC MINH)

Chơi đồ cổ như một sứ mệnh

TTO - Hơn 20 năm chơi đồ cổ, ông Lâm Dũ Xênh (thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) được biết đến là người gìn giữ những giá trị văn hóa quê hương, đặc biệt là văn hóa Sa Huỳnh và gốm Mỹ Thiện.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên