Phần thi của Trường ĐH Ngoại thương trước khán đài chật cứng khán giả Ảnh: H.Đ. |
Hôm 15-5, hơn 3.500 khán giả đã đến nhà thi đấu Tân Bình để chứng kiến ngày thi đấu chung kết hai môn nhảy đối kháng (khu vực TP.HCM) và futsal (toàn quốc) của Giải thể thao sinh viên - VUG (Vietnam University Games) trong khi nơi đây chỉ có sức chứa 3.000 khán giả.
Học mô hình của Mỹ và Philippines
Khoảng 500 khán giả không có ghế ngồi đã tràn xuống sân thi đấu nhưng không phải trong một khung cảnh hỗn loạn vì “vỡ sân”, thay vào đó là bầu không khí sôi động có tính tổ chức. Họ là các đội CĐV đặc biệt đã được ban tổ chức sắp xếp cho xuống sân, được chia làm 8 màu áo khác nhau và cổ vũ cho 8 trường ĐH của TP.HCM lọt vào chung kết môn nhảy đối kháng gồm: ĐH Bách khoa, Hutech, Ngoại thương, Quốc tế, Kinh tế - luật, Sài Gòn, Hoa Sen và Tài chính - marketing.
Là môn thể thao thu hút giới trẻ nhờ những màn biểu diễn bắt mắt nên nhảy đối kháng được chọn vào một trong bốn môn thể thao của VUG năm nay (mỗi năm chia làm hai mùa theo hai học kỳ của sinh viên, mỗi mùa thi đấu hai môn). Giải thích cho việc duy trì số lượng môn thi đấu khá khiêm tốn, chị Lê Thanh Thảo - giám đốc điều hành VUG - nói: “Tiêu chí tổ chức giải của chúng tôi là phải thật sôi động, hấp dẫn nên ban đầu chúng tôi chỉ tổ chức những môn cuốn hút người xem. Những năm tới chúng tôi sẽ thử nghiệm tiếp một số môn khác rồi mới tính chuyện mở rộng hơn nữa”.
Dù đặt mục tiêu “chậm mà chắc” nhưng quy mô của VUG lại phát triển rất nhanh. Ở năm thứ 4 tổ chức, VUG quy tụ đến 89.000 thí sinh tham dự đến từ 68 trường đại học trên bốn thành phố khác nhau. Điều hấp dẫn với các sinh viên là VUG diễn ra dưới dạng mùa giải, kéo dài gần như xuyên suốt hai học kỳ. Vì vậy, cứ đến hẹn lại lên, mỗi dịp thứ bảy, chủ nhật, các sinh viên lại có một sân chơi giải trí cho mình.
Chị Thanh Thảo cho biết đây là mô hình tổ chức học theo giải thể thao sinh viên ở Mỹ (NCAA) và ở Philippines (UAAP). Đây đều là những giải đấu có tuổi đời khoảng 100 năm, đạt đến một tầm vóc chẳng kém gì các giải đấu vô địch chuyên nghiệp. Cụ thể, trong khi NCAA quy tụ hơn 1.000 trường tham dự thì ở UAAP, mỗi một trận đấu lại diễn ra trong những nhà thi đấu sức chứa hơn chục ngàn người và luôn kín sân.
Chị Thảo nói: “Ban tổ chức chúng tôi đã nhiều lần sang Mỹ và Philippines để theo dõi các giải đấu thể thao sinh viên của họ. Ở đó, chúng tôi được chứng kiến những cách thức họ truyền tinh thần thể thao cho sinh viên rất thú vị. Chẳng hạn như màu cờ sắc áo, mỗi trường đều có một màu áo truyền thống riêng, linh vật riêng. Các sinh viên khi đến sân cổ vũ đều rất tự hào với màu áo truyền thống của trường mình như các CĐV của những đội bóng lớn vậy. Thậm chí đến xe buýt di chuyển họ cũng sơn phết màu sắc riêng của trường mình”.
“Cá mập xanh” đấu với “hổ đỏ”, “kỳ lân”, “sói bạc”...
Trước khi diễn ra phần thi đấu của các đội, sân đấu được một phen truyền lửa với màn biểu diễn nhảy đối kháng đặc biệt của những người trong lớp hóa trang linh vật đặc biệt, nào cọp, nào cá mập... Đó không chỉ là những bộ đồ hóa trang do ban tổ chức cung cấp mà chính là đại diện cho linh vật của các trường. Quan sát kỹ một chút sẽ thấy khoảng 500 CĐV bao quanh sân không chỉ được tách biệt bởi các màu áo, mà trên áo của họ còn in hình linh vật của trường. “Cá mập xanh” đại diện cho ĐH Bách khoa TP.HCM, còn của ĐH Công nghiệp là chú cọp màu đỏ, màu vàng lại dành cho ĐH Xây dựng Hà Nội, trong khi ĐH Kinh tế - luật là con sói màu bạc, sinh viên Y dược chọn rắn, Hồng Bàng chọn nhân mã...
Đằng sau những linh vật ngộ nghĩnh, ngập tràn màu sắc riêng biệt đó là những tư duy sáng tạo và một nền tảng truyền thống của các trường. Lý Anh Duy, sinh viên ĐH Bách khoa, giải thích: “Màu xanh dương vốn là màu truyền thống của trường, được in trên các logo, tên hiệu. Cũng từ đó, chúng tôi nảy ra ý tưởng chọn cá mập - sinh vật hùng mạnh của biển cả - để đại diện cho màu xanh nước biển”. Những ý tưởng tương tự đến từ đó, như con rắn vốn là biểu tượng của ngành y... Nó ắt hẳn gợi cho người xem một cảm giác quen thuộc về những “quỷ đỏ” - Manchester United, “con cáo” - Leicester City hay “kền kền trắng” - Real Madrid...
Ban tổ chức VUG định hướng về công tác tổ chức, từ đó sinh viên các trường có một cơ hội để thể hiện sự năng động của mình. Họ tự đứng ra thuê nhà thi đấu, đăng cai các trận đấu vòng bảng, rồi thực hiện các đoạn clip để quảng bá về hình ảnh trường của mình. Khái niệm “màu cờ sắc áo” - điều gần như còn xa lạ ở các trường học VN trước đây - bắt đầu hình thành. Không lạ khi số lượng nhà tài trợ tăng dần theo từng năm. Ở năm đầu, VUG chỉ có đúng một nhà tài trợ nhưng đến nay con số này đã là ba và hứa hẹn sẽ còn tăng nhiều trong tương lai.
Không chỉ sôi động, rực rỡ, các sinh viên còn tạo ra những hình ảnh đẹp. Như sau buổi thi đấu sáng của môn nhảy đối kháng, nhà thi đấu buổi chiều với môn futsal tưởng chừng sẽ đìu hiu khi hai đội lọt vào chung kết là ĐH Xây dựng (Hà Nội) và ĐH Kiến trúc Đà Nẵng đều không ở TP.HCM. Nhưng cuối cùng không khí của trận chung kết vẫn trọn vẹn khi nhiều hội CĐV các trường đã tình nguyện ở lại cổ vũ cho hai đội vì lý lẽ: “Thi đấu mà không có CĐV thì buồn lắm” - Anh Duy, người chọn cổ vũ cho ĐH Xây dựng, nói.
Thu hút nhờ các cựu sinh viên “ngôi sao” Cũng trong kế hoạch xây dựng truyền thống riêng biệt cho từng trường, VUG tạo ra liên kết giữa các cựu sinh viên nổi tiếng với giải đấu. Chẳng hạn MC Nguyên Khang - cựu sinh viên ĐH Bách khoa và nhạc sĩ Sỹ Luân - giảng viên ĐH Hutech được mời đến tham dự giải. Huỳnh Thị Trâm Anh - thành viên đội nhảy đối kháng ĐH Ngoại thương - cho biết từ ngày có VUG, nhiều cựu sinh viên tuy đã ra trường nhưng vẫn thường trở lại tập luyện, hướng dẫn các bạn mới vào đội. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận