Tân Sơn Nhất kẹt từ trên trời, dưới đất ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ hàng không - Ảnh: C.TRUNG
VATM vừa có báo cáo về tình hình tăng trưởng hoạt động bay nhanh chóng đã dẫn đến tình trạng quá tải từ trên trời cho đến đường cất hạ cánh, đường lăn, nhà ga và sân đỗ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tại một số thời điểm, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý điều hành bay của các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu.
Theo đó, tổng số lượt chuyến bay cất hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất trung bình đạt hơn 700 chuyến bay/ngày. Năng lực thông qua đường cất hạ cánh hiện đang được điều phối 44 chuyến bay/giờ, tức trung bình cứ 1 phút 20 giây lại có một máy bay cất hoặc hạ cánh.
Trong khi sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay có hai đường cất hạ cánh song song, nhưng chỉ cho phép duy nhất một máy bay được cất cánh hoặc hạ cánh trong cùng một thời điểm.
Về hệ thống đường lăn, sân đỗ phần nào cũng đang khiến cho việc di chuyển, lăn ra/vào của các máy bay từ nhà ga, sân đỗ ra đường cất hạ cánh và ngược lại gặp không ít khó khăn do tính chất bố trí phần lớn các bến đỗ nằm sát nhau theo dạng xương cá về hai bên của đường lăn và các đường lăn chính chủ yếu là đường lăn “độc đạo”.
Ngoài ra, các đường lăn thoát ly cho máy bay hạ cánh được thiết kế trước đây không còn phù hợp với các loại máy bay mới thường có kích thước và tải trọng lớn hơn...
Hành khách mệt mỏi khi hãng bay thông bao delay kéo dài - Ảnh: C.TRUNG
Trong khi đó, hầu hết tất cả sân bay trên thế giới có mật độ hoạt động bay cao trên 200.000 chuyến/năm như Hartsfield-Jackson Atlanta, Chicago O'Hare, Los Angeles của Mỹ; sân bay thủ đô Bắc Kinh, Phố Đông Thượng Hải của Trung Quốc; sân bay Charles de Gaulle của Pháp; sân bay Heathrow của Anh đều được thiết kế theo dạng mô hình nhà ga hành khách ở giữa với các cặp đường cất hạ cánh song song khai thác độc lập nằm về hai phía.
Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc tối ưu hóa năng lực thông qua của sân bay; đồng thời hệ thống đường lăn, sân đậu cũng được xây dựng và bố trí một cách linh hoạt, không tạo ra các luồng máy bay di chuyển ngược chiều, xung đột nhau, cung cấp nhiều lựa chọn lộ trình lăn cho tổ lái cũng như kiểm soát viên không lưu mặt đất để máy bay di chuyển từ bến đỗ ra đường cất hạ cánh và ngược lại.
Một góc ở sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: TTO
Để kịp thời giải quyết vấn đề tắc nghẽn hoạt động bay trên không cũng như dưới mặt đất, VATM đã thực hiện nhiều biện pháp, phối hợp với các đơn vị hàng không để thực hiện nâng cao năng lực điều hành cất/hạ cánh ở Tân Sơn Nhất...
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV, ông Lại Xuân Thanh, thừa nhận sân bay Tân Sơn Nhất cần phải nhanh chóng "giải cứu" để đảm bảo an toàn.
Không chỉ về đường băng đang xuống cấp nghiêm trong, việc đầu tư mở rộng nhà ga hành khách T3 vẫn còn vướng thủ tục về trình tự phê duyệt chủ đầu tư. Ông Thanh cho rằng việc giải cứu sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian tới là cần được quan tâm, đẩy nhanh tiến độ về các thủ tục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận