Ngày 18-9, UBND TP.HCM và Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) lần đầu tiên phối hợp tổ chức Đối thoại chính sách 2024 tại TP.HCM.
Bài toán nào cho logistics xanh, hạ tầng giao thông...?
Trong phiên thảo luận đầu tiên về tối ưu hóa hệ sinh thái, ông Trần Anh Đức, đồng trưởng nhóm đầu tư và thương mại VBF, đã nêu ra một số vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài thường quan tâm khi đầu tư tại Việt Nam.
Trong đó, các vướng mắc về chuyển đổi phương tiện vận tải truyền thống sang xe điện; hạ tầng hàng không, việc tắc nghẽn tại cửa khẩu hàng không quốc tế ảnh hưởng đến trải nghiệm của các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài khi đến Việt Nam; chi phí logistics cao so với khu vực...
Các doanh nghiệp cho rằng Việt Nam vẫn thiếu một trung tâm logistics quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Luật sư Trần Anh Đức nhấn mạnh rằng mặc dù còn nhiều thách thức, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất lạc quan về tiềm năng của thị trường logistics Việt Nam. Với vị trí chiến lược tại khu vực châu Á, cùng với nhu cầu nội địa lớn, Việt Nam có nhiều cơ hội để trở thành trung tâm sản xuất và logistics quan trọng trong khu vực.
"Tuy vậy, để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư, Việt Nam cần phải cải thiện hạ tầng giao thông, giảm chi phí logistics, và phát triển các giải pháp bền vững trong vận tải và logistics xanh", ông Trần Anh Đức đề xuất.
Trao đổi lại ý kiến của các nhà đầu tư, ông Nguyễn Công Hoàn - phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM - nhìn nhận tình trạng quá tải tại sân bay lớn nhất TP.HCM.
Hiện cảng Tân Sơn Nhất đang phục vụ 41,6 triệu lượt khách mỗi năm, trong khi công suất thiết kế ban đầu chỉ ở mức 28-30 triệu lượt. Điều này dẫn đến việc sân bay thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải.
Trước thực trạng đó, Chính phủ đã chỉ đạo phát triển các nhà ga và cơ sở hạ tầng mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao. Theo dự kiến, nhà ga T3 đang được xây dựng với công suất dự kiến 20 triệu lượt khách/năm và sẽ đi vào hoạt động vào ngày 30-4-2025.
Đây là một phần trong kế hoạch giảm tải cho Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, sân bay Long Thành cũng được dự kiến đưa vào khai thác vào năm 2026, giúp cải thiện năng lực phục vụ hành khách trong tương lai.
Ông Hoàn thừa nhận sự quá tải về hạ tầng là nguyên nhân chính khiến việc phục vụ hành khách gặp nhiều hạn chế, đặc biệt là trong quá trình nhập cảnh. Dù lực lượng công an cửa khẩu đã có những cải thiện đáng kể như phân luồng hành khách hợp lý hơn, lắp đặt cổng tự động (autogate) và thử nghiệm các công nghệ mới, nhưng tình trạng đông đúc vẫn khó tránh khỏi. Nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất được xây dựng từ năm 2008, đã qua hơn 16 năm sử dụng và cần tiếp tục được nâng cấp.
Trước câu trả lời này, ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch UBND TP.HCM, tóm gọn: "Như vậy, dù đã có cải thiện hạ tầng nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, cần cải thiện các hoạt động xuất nhập cảnh thuận tiện hơn cho hành khách".
Liên quan đến câu hỏi về thủ tục nhập xe điện, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đỗ Thanh Quang cho biết mặt hàng xe điện thuộc nhóm nhập khẩu có điều kiện để được thông quan. Cần tuân thủ nhiều điều kiện, trong đó phải có nhập khẩu xe ô tô, giấy chứng nhận đảm bảo bảo chất lượng, chứng nhận xuất xứ C/0...
Hiện xe điện về Việt Nam chỉ cho phép nhập khẩu qua 6 cảng biển được chỉ định, gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghi Sơn (Thanh Hóa), Đà Nẵng, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chính sách phát triển bền vững của TP.HCM
Phát biểu với cộng đồng doanh nghiệp, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đã chia sẻ về bối cảnh địa chính trị và những thách thức kinh tế toàn cầu trong giai đoạn hiện tại. Ông cũng đưa ra những định hướng phát triển bền vững mà TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đang hướng đến.
Xu hướng thấy rõ nhất là sự tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu đang chứng kiến sự chuyển dịch từ Trung Quốc sang Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á. Đồng thời, xu hướng tiêu dùng đang thay đổi mạnh mẽ nhờ thương mại điện tử, du lịch xanh và nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại những điểm đến an toàn, thân thiện.
Bên cạnh đó, phát triển bền vững, kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đã trở thành những mô hình phổ biến, được nhiều quốc gia áp dụng. Ông Hoan cũng cho biết tốc độ đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh, cùng với việc hình thành các trung tâm tài chính đổi mới sáng tạo đang tăng trưởng mạnh mẽ ở nhiều thành phố lớn.
Một điểm nhấn quan trọng trong bài phát biểu của ông là sự chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp 4.0.
Những yếu tố này không chỉ mang đến cơ hội nâng cao trình độ công nghệ và năng lực sản xuất, mà còn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đứng trước chuyển động đó, TP.HCM cũng đang thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2020-2030, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26. Thành phố cũng tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp xanh, cùng với các chính sách hỗ trợ liên quan.
"TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long luôn sẵn sàng hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, nhằm giải quyết các khó khăn về cơ chế, chính sách và lắng nghe những đóng góp từ phía doanh nghiệp. Thành phố cam kết tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, dài hạn vào khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam", lãnh đạo TP.HCM khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận