Hành khách băng qua làn đường taxi hướng ra làn xe công nghệ ở sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: C.TRUNG
Ngày 27-7, tại buổi làm việc với cơ quan chức năng ngành vận tải tại TP.HCM để chấn chỉnh các hoạt động vận tải ở sân bay Tân Sơn Nhất, ông Lê Anh Tuấn - thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - cho rằng tình trạng khách khó đặt xe hoặc khách bị "chặt chém", xe dù ép giá... diễn ra ở sân bay Tân Sơn Nhất là điều không nên xảy ra.
Các cơ quan chức năng phải sớm tìm giải pháp căn cơ xử lý triệt để, cần phải lên phương án quán triệt ngay. "Không thể để tình trạng lộn xộn này diễn ra hiện nay như báo chí phản ánh, dư luận bức xúc" - ông Tuấn nhấn mạnh.
Không thể nói không phạt được
Sau khi trực tiếp khảo sát tại tầng 3, 4, 5 của nhà xe TCP, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn đề nghị phải dừng ngay việc đón xe ở trên lầu vì hoạt động này như một bến xe là sai quy định, đồng thời yêu cầu chuyển xuống làn D1, D2 dưới đất để dễ dàng quản lý.
Cũng theo ông Tuấn, nếu phát hiện tài xế "chặt chém" khách phải xử phạt cả nhà xe lẫn tài xế. Đối với nhà xe, nếu sai phạm nhiều lần phải quyết liệt buộc dừng khai thác.
Còn với tài xế vi phạm đề nghị lưu biển số, từ chối phục vụ khi vào nhà xe đón khách. Với hoạt động đón khách của xe 2 bánh ở sân bay, cần phải niêm yết giá cước công khai, không được mập mờ như hiện nay.
Tại buổi làm việc, ông Võ Khánh Hưng - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết vấn đề hiện nay là taxi thiếu hụt, cơ chế xử phạt của thanh tra giao thông vẫn chưa thể vào bên trong nhà xe TCP - nơi đón khách của các hãng taxi, xe công nghệ - vì chưa có cơ sở pháp lý.
Cụ thể, thanh tra giao thông tham gia quản lý làn xe A, B, C vì là đường giao thông đô thị, còn làn giao thông nội bộ bên trong nhà xe TCP không thuộc thẩm quyền xử lý.
Theo ông Hưng, việc quản lý taxi đã khó, xe công nghệ tắt app chạy chui càng khó khăn hơn. Tình trạng xe biển số vàng lên tầng 3, 4, 5 của nhà xe sau đó tự thỏa thuận giá với khách hàng.
Chẳng hạn cuốc xe chạy 200.000 đồng trên app nhưng thực tế lại không chạy theo phần mềm, có tình trạng khách trả đến 350.000 - 500.000 đồng/chuyến.
Sau khi lắng nghe các đơn vị phản ánh, ông Lê Anh Tuấn đề nghị Cảng vụ hàng không miền Nam phối hợp với Sở Giao thông vận tải TP.HCM nghiên cứu, thay đổi các quy định cần thiết, nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra xử phạt taxi, xe công nghệ, xe dù... trong nhà xe TCP phải thống nhất quy trình xử lý. Hoàn toàn không có chuyện không thể xử phạt được.
"Tôi đề nghị các đơn vị cần tháo gỡ ngay những vướng mắc trong khai thác quản lý vận tải ở sân bay. Hai ngày sau tôi sẽ vào lại Tân Sơn Nhất kiểm tra".
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn
Bát nháo từ trong ra ngoài
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, khu vực trước nhà ga được thiết kế làm 3 làn chính để bố trí các loại xe đến.
Trong đó làn đầu tiên dành cho xe cá nhân, gia đình đến đón đưa người nhà, cho phép dừng tối đa 3 phút để hành khách lên xuống xe. Kế tiếp là làn xe dành cho các hãng taxi lớn và làn thứ ba là nơi tập trung một số hãng xe dịch vụ đăng ký hoạt động.
Để tới khu vực đón các hãng xe công nghệ, người dân phải di chuyển qua ba làn xe trên và vào khu vực tầng hầm của nhà giữ xe TCP hoặc lên đón xe trên lầu 3, 4, 5.
Chính việc sắp xếp này khiến người dân có hành lý cồng kềnh bị đưa vào thế buộc phải đón taxi hoặc các xe dịch vụ với giá "trên trời".
Đối với các hãng taxi lớn, giá cả đã được niêm yết. Tuy nhiên vào những lúc cao điểm, lượng xe không đủ phục vụ. Còn các hãng xe dịch vụ thì luôn đưa giá "rất chát".
Để đón được xe buýt là một việc nhiêu khê. Sáng 27-7, chúng tôi tìm "đỏ mắt" vẫn không thấy bảng hướng dẫn nơi đón xe buýt. Khi hỏi một tài xế xe dịch vụ, chúng tôi được cho biết chỉ thấy xe vào ga quốc tế.
Còn lực lượng TNXP lại hướng dẫn chúng tôi đến cột B11 - B12 của làn đón taxi để chờ xe buýt số hiệu 152 vào trung tâm TP. Nhưng chúng tôi đã thử đứng tại đây hơn 10 phút vẫn chưa thấy chuyến xe buýt nào cập điểm đón.
"Hầu như tất cả các làn xe thuận lợi cho người dân thì đều bị "cát cứ" bởi những hãng xe dịch vụ đã đăng ký. Muốn đón xe công nghệ phải đi rất xa hoặc nhiều khi đặt xe rất lâu nhưng không có người nhận chuyến", anh Quân (ngụ quận 12) bức xúc.
Theo anh Quân, cần phải giao về cho cơ quan nhà nước quản lý và tổ chức lại giao thông khu vực này, bởi nếu để những đơn vị "quen" với sân bay khai thác giao thông trong sân bay sẽ gây xấu mặt với du khách đến với TP.HCM.
Hành khách chờ đón xe công nghệ tại làn hầm nhà xe TCP, sau khi di chuyển qua nhiều khu vực xe taxi, xe dịch vụ - Ảnh: LÊ PHAN
Phải đẩy mạnh giao thông công cộng
TS Vũ Anh Tuấn - giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường ĐH Việt Đức) - cho rằng các vấn đề giao thông ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đã tồn tại từ lâu, trong khi lượng khách ngày càng tăng, có thời gian cao điểm lên tới 105.000 lượt/ngày trong khi phương tiện từ sân bay về các quận, huyện hoặc các tỉnh rất hạn chế.
Do đó TP.HCM cần có phương án phát triển giao thông công cộng ở sân bay, kết hợp cùng các giải pháp quản lý lại hoạt động các hãng xe đang chạy tại đây. Cụ thể, tăng cường mạng lưới xe buýt từ sân bay đi các quận, huyện về các tỉnh.
Thậm chí, phải quy hoạch làn đường cụ thể dành riêng cho xe buýt. "Chỉ có phát triển được mạng lưới xe công cộng ở sân bay, bến xe... mới giải quyết được vấn nạn bát nháo bắt khách, bát nháo giá cả", ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, đối với một số tuyến có thể khai thác theo hướng xã hội hóa, doanh nghiệp được tham gia đấu thầu nhằm đem lại dịch vụ tốt hơn cho hành khách. Đi đôi với đó là các chính sách nâng cấp xe cộ, nâng cao chất lượng phục vụ trên xe.
Sở Giao thông vận tải, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng trực tiếp tham gia bố trí, quản lý giao thông khu vực sân bay cùng với Cảng vụ hàng không miền Nam và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ góp phần giúp giao thông trong và ngoài sân bay luôn ổn định.
Ông Đỗ Ngọc Hải - trưởng phòng quản lý vận tải Sở Giao thông vận tải - cho biết tại cuộc họp bàn các giải pháp cho giao thông sân bay vào ngày 26-7, Cảng vụ hàng không miền Nam và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng ủng hộ việc phát triển giao thông công cộng, khôi phục tuyến 109.
Sở Giao thông vận tải đang tham gia quản lý một số làn đường bên trong sân bay, cùng cảng vụ bố trí thêm điểm đón khách tại ga quốc nội đối với tuyến xe buýt có trợ giá số 152 và tuyến buýt không trợ giá số 72-1.
"Thời gian tới, Sở Giao thông vận tải sẽ cùng với các đơn vị tăng cường nhiều biện pháp quản lý giao thông khu vực sân bay, ưu tiên làn xe buýt tạo điều kiện cho xe buýt vào sân bay", ông Hải cho biết.
Đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cũng bày tỏ mong muốn tăng cường xe buýt để giảm tải ùn tắc trước ga quốc nội.
"Chúng tôi vừa có văn bản gửi Cảng vụ hàng không miền Nam và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đề nghị khôi phục tuyến xe buýt 109, thêm sự lựa chọn đi lại cho người dân", vị này nói.
Tổ chức giao thông ở sân bay: nên giao Sở Giao thông vận tải
Đây là đề xuất của các chuyên gia khi trao đổi với Tuổi Trẻ về các giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng giao thông bát nháo tại sân bay Tân Sơn Nhất thời gian gần đây.
Với công suất thiết kế chỉ có 28 triệu hành khách/năm nhưng đến năm 2019, sân bay Tân Sơn Nhất đã hơn 40 triệu hành khách, cộng với người nhà và xe ra vào phục vụ... khiến sân bay này thành "điểm nóng" giao thông của TP.HCM.
Trong khi đó, việc tổ chức giao thông tại sân bay Tân Sơn Nhất đang vô cùng bất cập vì chưa thống nhất về một đầu mối.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng bát nháo vận tải hành khách ở sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: CÔNG TRUNG
* TS Vũ Anh Tuấn (giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức):
Phải phân làn hợp lý hơn
Cảng vụ hàng không miền Nam phải có trách nhiệm phân làn, bố trí xe buýt, taxi, xe công nghệ... ra vào lớp lang, hợp lý.
Có quy định hẳn hoi về thời gian dừng chờ ở từng vị trí. Cảng vụ cử người hướng dẫn, điều tiết, theo dõi và xử phạt khi có xe cố tình vi phạm gây ùn ứ, rối loạn trật tự trong sân bay.
Các lực lượng khác như thanh tra giao thông phối hợp kiểm tra, giám sát thời gian cao điểm để can thiệp kịp thời, không để quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng. Khi hành khách mua vé máy bay, trong đó đã bao gồm cả phí hưởng dịch vụ, tiện ích kết nối.
Nghĩa là cơ quan chủ quản sân bay chịu trách nhiệm đảm bảo phương tiện đi lại, kết nối cho người dân chứ không để xảy ra tình trạng bát nháo được.
* KTS Trần Ngọc Chính (chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam):
Cần giao về cho địa phương
Tôi ủng hộ đề xuất giao việc tổ chức giao thông tại sân bay Tân Sơn Nhất quy về một mối là Sở Giao thông vận tải. Không thể bên trong tổ chức giao thông bên trong, bên ngoài lo giải quyết giao thông bên ngoài.
Và khi được giao, Sở Giao thông vận tải cũng phải làm việc với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để phối hợp, nắm được lưu lượng hành khách, rồi từ đó tính chuyện kết nối với hạ tầng giao thông bên ngoài như thế nào.
TP.HCM phải có cái nhìn tổng thể để có hướng giải quyết thông qua tham vấn ý kiến các chuyên gia trong ngành. Tổ chức giao thông từ sân bay ra phải gắn với câu chuyện quy hoạch sau này, tạo sự kết nối vào các dự án như metro, buýt nhanh...
Chỉ TP mới tính được câu chuyện từ sân bay ra đường nào, xây hầm chui hay cầu vượt hoặc vòng xoay. Do đó giao cho TP quản lý, tổ chức giao thông tại sân bay từ trong ra ngoài là hợp lý.
* Luật sư Hà Hải (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM):
Không thể nhập nhằng trách nhiệm
Tôi đi nhiều sân bay các nước nhưng không thấy nơi nào có tình trạng bát nháo như sân bay Tân Sơn Nhất.
Các sân bay đó đều tổ chức, quản lý rất bài bản với một đầu mối chịu trách nhiệm. Và với tình trạng giao thông bát nháo tại sân bay Tân Sơn Nhất, theo tôi, ACV chính là đơn vị chịu trách nhiệm chính.
ACV đã được giao toàn quyền quản lý, sử dụng, tổ chức, thu phí, khai thác... trong nội khu cảng hàng không. Việc sắp xếp bãi đỗ cho taxi, quyết định chi phí ra vào cảng, chi phí mua chỗ, phân làn đón trả khách, tổ chức bãi xe đưa đón khách, đấu thầu khai thác dịch vụ...
Chỉ những việc cần đến thẩm quyền, chức năng quản lý nhà nước của chính quyền địa phương (sở giao thông vận tải, công an...), các cơ quan phối hợp theo quy định pháp luật. Nghĩa vụ của ACV là phải bảo đảm trật tự, mỹ quan, ổn định ở sân bay chứ không chỉ biết quyền lợi khai thác thương mại sân bay.
Nếu ACV không thể dẹp tình trạng bát nháo bắt khách tại sân bay, có thể tính đến phương án bàn giao toàn bộ thẩm quyền quản lý, khai thác hạ tầng cảng cho chính quyền TP.HCM làm đầu mối để tổ chức quản lý, khai thác, điều phối giao thông, bảo đảm trị an...
L.PHAN - TH.DUNG - TH.AN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận