27/03/2016 10:14 GMT+7

"​Sân bay dời được, sao ga xe lửa lại không?"

D.NGỌC HÀ - M.PHƯỢNG
D.NGỌC HÀ - M.PHƯỢNG

TTO - Đó là ý kiến nhà báo Lê Văn Nghĩa. Ông Vũ Kiến Thiết (nguyên GĐ Khu quản lý giao thông đô thị số 2 - Sở GTVTi TP.HCM) cũng bảo: Chúng ta đã từng dời ga từ gần chợ Bến Thành về Hòa Hưng.

* Nhà báo LÊ VĂN NGHĨA:

Nhà báo Lê Văn Nghĩa - Ảnh: T.T.D
Nhà báo Lê Văn Nghĩa - Ảnh: T.T.D

Được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, ga Sài Gòn là ga đầu cuối của tuyến đường sắt Bắc Nam đến tận Mỹ Tho. Ban đầu ga Sài Gòn nằm tại khu vực gần chợ Bến Thành (Q.1, nay là công viên 23-9). Lúc này dân số Sài Gòn khoảng 500.000 người và đến năm 1975 có khoảng 3,5 triệu.

Từ năm 1978, do yêu cầu chỉnh trang đô thị, ga Sài Gòn tại đây bị dẹp bỏ, chuyển về ga Hòa Hưng (quận 3). Nhưng dân số và giao thông tại Sài Gòn bây giờ? Ai cũng thấy tình trạng dân số, xe máy và ôtô bùng nổ.

Đến năm 2016, dân số TP là 10 triệu (số tròn) với 8,5 triệu xe máy, chưa kể cả triệu ôtô và xe buýt. Thế mà việc di dời ga Sài Gòn hoặc có dự án xây dựng tuyến đường sắt trên cao từ Bình Triệu về ga Sài Gòn vẫn còn nằm trên giấy chờ nhà đầu tư.

Dự án xây đường sắt trên cao sẽ tốn kém hơn nhiều việc di dời ga Hòa Hưng ra ga Bình Triệu hoặc Suối Tiên - theo đề nghị của UBND TP.HCM. Nhưng việc di dời ga không được Bộ GTVT và Công ty Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam đồng ý vì những lý do “đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia phải liên hoàn với nhau mới bảo đảm được việc phục vụ khách”.

Khách ra vô ga Sài Gòn khi nó còn nằm gần chợ Bến Thành (nay là Công viên 23-9) - Ảnh tư liệu

 

Ý kiến cho rằng “một đoàn tàu chở gần 1.000 khách đỗ tại ga Bình Triệu thì sẽ phải tổ chức 30 chuyến xe buýt để đưa khách vào trung tâm TP” là lầm to, bởi rất nhiều hành khách là người dân ở các tỉnh trong khu vực, có nhu cầu xuống nhà ga ngay cửa ngõ TP chứ không nhất thiết vào nội thành, mà vào nội thành rồi họ lại chen chúc đi ra, làm thêm gánh nặng cho giao thông TP, tăng nạn kẹt xe và làm tăng chi phí đi lại, mất thêm thời gian của người dân.

Chuyện dời ga Hòa Hưng là chuyện nhỏ so với chuyện dời sân bay Tân Sơn Nhất? Tại sao sân bay Tân Sơn Nhất là sân bay quốc tế mà không đặt tại trung tâm TP.HCM cho hợp lẽ lịch sử truyền thống và vị trí quốc tế của TP này mà lại di dời ra Long Thành (Đồng Nai) được, còn ga xe lửa Hòa Hưng lại phải “liên hoàn với nhau”?

* Ông Vũ Kiến Thiết (nguyên giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2 - Sở Giao thông vận tải TP.HCM):

Dời ga Sài Gòn khỏi trung tâm TP

Ông Vũ Kiến Thiết - Ảnh: Thanh Đạm
Ông Vũ Kiến Thiết - Ảnh: Thanh Đạm

Tôi nghĩ nên xem xét đến phương án dời ga Sài Gòn ra khỏi trung tâm TP và đặt ở khu vực lân cận. Nhiều nước trên thế giới đã làm cách này và sử dụng hệ thống giao thông công cộng để trung chuyển hành khách về trung tâm TP, như vậy sẽ hợp lý hơn việc đặt nhà ga trong nội thành.

Đường sắt ở TP.HCM hiện chạy qua nhiều khu dân cư, giao cắt nhiều đường tạo ra các giao lộ nên vấn đề an toàn cho đoạn đường sắt trong nội ô cũng rất phức tạp. Cả đường sắt và đường bộ đều bị ảnh hưởng khi ga đường sắt nằm ở nội ô.

Trước đây, ga cuối của đường sắt nằm ở chợ Bến Thành, chúng ta đã dời được một đoạn về ga Sài Gòn bây giờ. Theo tôi, nên xem xét chuyển ga đường sắt ra khu vực ngoại thành. Vị trí có thể ở khu vực Thủ Đức hoặc Dĩ An (Bình Dương).

Theo định hướng phát triển thì có đường sắt đi các tỉnh miền Tây, nhưng không nhất thiết phải có đường sắt đi xuyên tâm TP mà nên đi ra vùng ven sẽ dễ hơn. Nếu dời ga đường sắt ra ngoại thành, TP sẽ dư ra quỹ đất sử dụng vào mục đích công ích.

* Ý kiến các bạn thế nào, đồng tình hay không với 2 ý kiến trên? Xin mời viết trong phần bình luận bên dưới!

Mời bạn bày tỏ ý kiến của mình nên hay không dời ga Sài Gòn theo bảng thăm dò dưới đây:

[poll width="400px" height="274px"]204[/poll]

D.NGỌC HÀ - M.PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên