Nhà dân bị bão số 9 làm đổ trên quốc lộ 1 qua Quảng Ngãi - Ảnh: MINH HÒA
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối 28-10, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết: do tâm bão đi vào Quảng Ngãi - Quảng Nam nên nhà ga sân bay Chu Lai bị tốc mái, vỡ kính một số chỗ, cây cối trong sân bay gãy đổ nhiều. Vì vậy, sân bay Chu Lai đề xuất thời gian khắc phục đến 16h ngày 30-10 sẽ khai thác trở lại.
Các sân bay Pleiku, Phù Cát, Tuy Hoà, Phú Bài mở khai thác lại từ 6h00 ngày 29- 10. Sân bay Đà Nẵng mở cửa khai thác lại từ 16h 28-10.
Với đường bộ, thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam tính đến 16h30 ngày 28-10 cho thấy bão số 9 đã làm nhiều tuyến đường qua miền Trung bị ngập, sạt lở gây tắc đường.
Về tắc đường do ngập nước: tại km 1.091+300 đến km 1.091+500 quốc lộ 1 qua Quảng Ngãi bị nước ngập dài 200m, sâu 0,2 - 0,3m. Đơn vị quản lý đường và lực lượng cảnh sát giao thông túc trực hướng dẫn giao thông, hạn chế xe qua và dùng cần cẩu tháo dỡ dải phân cách giữa đường để thoát nước nhanh hơn.
Đường Hồ Chí Minh tại km 1.456+600 qua Kon Tum bị nước tràn ngập sâu 0,3 đến 0,7m.
Quốc lộ 24 đoạn km 111 đến km 111+120 đầu cầu Nước Long qua Kon Tum nước ngập sâu khoảng 0,7m. Quốc lộ 24B qua Quảng Ngãi bị ngập sâu 0,5m tại km 59 cầu Năm Bi.
Bão số 9 làm tắc 4 điểm trên đường Hồ Chí Minh qua Quảng Nam đường Hồ Chí Minh qua Kon Tum bị tắc 2 điểm do sạt lở.
Đường Hồ Chí Minh nhánh tây qua Quảng Trị bị sạt lở tắc đường 6 điểm; qua địa bàn Thừa Thiên Huế bị sạt lở tắc đường 7 điểm.
Đường Trường Sơn Đông bị sạt lở tại km 188+450 qua Kon Tum đã thông tuyến bước 1.
Quốc lộ 24 qua Kon Tum bị tắc đường do sạt lở tại 9 điểm từ km 75 đến km 101. Quốc lộ 49 qua Thừa Thiên Huế tắc đường tại 7 điểm.
Dù trời vẫn mưa sau bão nhưng trong chiều và đêm 28-10 các đơn vị quản lý đường vẫn tích cực triển khai khắc phục sạt lở, cảnh báo tại các điểm tắc đường, ngập nước. Khối lượng sạt lở và kinh phí ước tính để khắc phục đang được các cục quản lý đường bộ, sở GTVT thống kê, tổng hợp.
Với đường sắt, thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đến 18h ngày 28-10 cho thấy đường sắt Bắc - Nam từ Huế đến Diêu Trì (Bình Định) bị nhiều thiệt hại do bão số 9.
Cụ thể, đường sắt giữa 2 ga Mỹ Chánh - Phò Trạch bị sạt taluy nền đường ở phía nam cầu Phò Trạch (Thừa Thiên Huế), đang theo dõi, kiểm tra thường xuyên. Tại km 734+ 030 và 734+057 đường sắt qua Huế bị sụt lún nền đường, đã xử lý xong.
Bên cạnh đó, nhiều đoạn đường sắt qua Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định bị cây cối, trụ điện đổ vào. Ngoài ra có hơn 40 cột thông tin đường sắt bị gãy, nhiều vị trí cáp quang bị đứt…
Tổng cộng, bão số 9 khiến ngành đường sắt phải giải thể 1 đoàn tàu SE2 tại ga Nha Trang. Bãi bỏ 11 đoàn tàu khách. Hai đoàn tàu khách SE 7 và SE 2 phải đỗ tại ga Tam Kỳ và Diêu Trì để tránh bão. 7 đoàn tàu hàng dừng chờ dọc đường với tổng thời gian chậm 3.548 phút.
Ngành đường sắt triển khai lực lượng khắc phục để thông đường trong đêm 28-10 nên trong tối 28-10 tại ga Hà Nội chỉ có đoàn tàu SE1 xuất phát, tại ga Sài Gòn có tàu SE2 xuất phát.
Không thu phí xe chở hàng cứu trợ
Tổng cục Đường bộ đã ban hành văn bản chỉ đạo các trạm thu phí tại khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, lũ căn cứ diễn biến thực tế của thời tiết, khi nước lũ dâng cao gây mất an toàn khu vực trạm thu phí thì chủ động tạm dừng thu phí để đảm bảo an toàn cho người và xe đi qua trạm.
Để tạo điều kiện cho các xe chở hàng hóa cứu trợ nhanh chóng đến các tỉnh miền Trung giúp nhân dân khắc phục hậu quả bão, lũ, Tổng cục Đường bộ đã đề nghị các nhà đầu tư dự án BOT, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam chỉ đạo các trạm thu phí miễn phí sử dụng dịch vụ đường bộ cho các xe chở hàng cứu trợ. Các trạm thu phí phối hợp các cục quản lý đường bộ và các cơ quan liên quan của địa phương tổ chức phân làn, phân luồng, hướng dẫn giao thông để các xe chở hàng cứu trợ đi qua trạm thu phí nhanh nhất; trường hợp xảy ra ùn tắc tại trạm thu phí, tổ chức xả trạm theo quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận