Phóng to |
Vào “trang trại muỗi”
Hình ảnh đập vào mắt chúng tôi khi bước chân vào “trang trại muỗi” thuộc khoa côn trùng Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng TP.HCM là những chiếc lồng hình hộp chữ nhật to hơn lồng bẫy chuột thường dùng, bên trong có tới hàng ngàn chú muỗi suốt ngày bay vo ve.
Chị Lê Thị Dùi - “vú em” của đàn muỗi khổng lồ này, đưa tay vào lồng nuôi muỗi để thay thức ăn. Thức ăn trong mỗi lồng ngoài nước đường còn là... một chú chuột bạch!
Chị Dùi giải thích: “Muỗi đực ăn chay, uống nước đường, còn muỗi cái nhất định cho ăn mặn mới đẻ được!”. Muỗi đẻ rất dữ, trứng của chúng li ti như hạt bụi bám đầy trên những miếng giấy thấm ẩm nước.
Theo các “vú em”, trứng muỗi Anopheles - vật trung gian truyền bệnh sốt rét - rất khó bảo quản dài ngày nên bắt buộc phải cho chúng nở để duy trì các chủng loại muỗi. Riêng trứng muỗi Aedes - vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết - nếu được bảo quản trong giấy thấm khô có thể kéo dài được khoảng sáu tháng.
Không như chúng tôi nghĩ ban đầu, “trang trại muỗi” rất sạch sẽ. Để muỗi sinh trưởng tốt, nhiệt độ ở đây luôn được duy trì khoảng 26OC, độ ẩm 50-80%, độ pH trung tính, chiếu sáng 8 giờ/ngày. Muỗi ở ngoài bờ, ngoài bụi không sao, chứ trong “trang trại” chúng rất “chảnh”.
Chị Dùi cho biết chỉ cần máy điều hòa gặp sự số là “trang trại” khốn đốn ngay, một số chủng loại muỗi hiếm sẽ rủ nhau “về nơi chín suối” trong tích tắc, buộc lòng các “vú em” phải thay nhau đi sưu tầm chủng loại nơi khác.
Nuôi muỗi xem ra cực không kém nuôi trẻ. Trứng muỗi bỏ vào khay nước 1-2 ngày thì nở thành bọ gậy (lăng quăng) nhỏ xíu. Tùy mật độ, chủng loại muỗi mà các “vú em” cho thức ăn vào khay nhiều hay ít.
Chị Dùi tỏ ra đầy kinh nghiệm trong việc chăm sóc “bọn trẻ” này: “Thức ăn thừa sẽ tạo váng trên mặt nước gây nguy hiểm cho bọ gậy. Mà thừa hay thiếu thức ăn muỗi cũng sẽ phát triển không đồng đều, khi đó buộc phải tách riêng con lớn, con nhỏ cực lắm anh ơi!”.
Sau 1-2 tuần thì cho chúng vào chén đặt vô lồng chờ ngày biến thái thành muỗi. “Qui trình có gần 20 bước; cách chăm sóc mỗi chủng loại muỗi lại khác nhau...” - chị Dùi cho biết.
Lúc mới chào đời muỗi được “ăn chay” với nước đường. Khoảng ba ngày, các “vú em” bắt đầu cho muỗi “ăn mặn” (cho muỗi hút máu chuột bạch sống), được 1-2 ngày nữa thì muỗi cái bắt đầu đẻ trứng.
Mỗi chú chuột bạch “chịu trận” trong lồng muỗi chỉ 2-3 ngày là kiệt sức (với giống muỗi háu ăn như Aedes thì chỉ nửa giờ). Để đủ thức ăn cho muỗi, viện phải lập hẳn một “trang trại chuột bạch” với đội ngũ “tử tù” thường xuyên khoảng 150 con.
Phóng to |
Yến, một trong số các tay SBM trẻ tuổi nhất của khoa côn trùng, giơ cho chúng tôi xem những vết thâm đen còn chưa kịp lặn trên hai cánh tay của cô gái trẻ. Cô cho biết đây là kết quả của chuyến đi rừng hơn nửa tháng. Sở dĩ các tay SBM như Yến bị muỗi chích dữ là do họ săn muỗi bằng “mồi người”.
Yến và nhiều đồng nghiệp khác phải để chân trần, ngồi bất động hàng giờ liền chờ muỗi độc đến chích. Khi chúng đang “phê” thì dùng ống nghiệm bắt lấy từng con! Thường họ “ngồi đồng” suốt đêm và theo “luật chơi” thì cứ một giờ họ được xả hơi để... gãi ngứa 15 phút.
Thật ra còn có rất nhiều cách săn muỗi khác như soi trên vách, bẫy đèn, bẫy mùng hai lớp, bắt trong chuồng gia súc... nhưng các tay SBM cho rằng “mồi người” là cách tự nhiên và chính xác nhất để đánh giá mật độ và ái tính (sự thích đốt người) của muỗi độc.
Thời gian qua, số lượng người mắc các loại bệnh do muỗi độc gây ra đã giảm rất đáng kể. Có nhiều lý do, song trong đó không thể không ghi nhận công sức thầm lặng của các anh chị khoa côn trùng trong việc nghiên cứu muỗi. (Thạc sĩ - BS Nguyễn Quốc Hưng, viện trưởng Viện Sốt rét, ký sinh trùng & côn trùng TP.HCM |
Nhưng đó là điều chưa đáng sợ trong những chuyến đi SBM: “Sợ nhất là rắn rết, bò cạp. Có lần đang ngồi săn muỗi, chưa con muỗi nào chích mình thì không biết từ đâu một con bò cạp bò đến chích cho một phát đau nhức suốt mấy ngày liền!” - chị Long kể về một tai nạn nghề nghiệp.
Hồi mới chập chững vô nghề, chị Hoàng Anh xuống chuồng bò bắt muỗi thì bị bò đá cho một “cước” tưởng bỏ nghề luôn. Trên những hành trình rong ruổi đó, chị Long đến giờ vẫn còn sợ khi nhớ lại lần suýt chết trong một tai nạn ghe đò ban đêm đụng nhau trên sông ở một xã vùng sâu thuộc Thạnh Phú (Bến Tre).
Địa bàn tác nghiệp của nhóm SBM là vùng sâu, vùng xa, rừng núi từ Lâm Đồng đến tận mũi Cà Mau. Theo chị Long, trên địa bàn này có khoảng 10 loài muỗi có thể truyền bệnh sốt rét như An.dirus, An.minimus (miền núi) và An.sundaicus (vùng ven biển nước lợ)...
Không chỉ đi săn muỗi, mà họ còn phẫu thuật muỗi để làm công tác nghiên cứu khoa học, sưu tầm chủng loại. Mỗi tháng họ vắng nhà 1-2 tuần, khi đột xuất có thể lâu hơn. Chẳng biết có phải vì nghề gian nan hay không mà nhiều “hiệp sĩ” SBM đến giờ vẫn là lính “phòng không”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận